Những năm gầy đây, du lịch trải nghiệm đã thu hút không chỉ riêng du khách quốc tế, mà du khách trong nước cũng thể hiện sự hứng thú với hoạt động này. Đi khám phá những miền đất mới của tổ quốc để mỗi người được trải nghiệm nét của đồng bào dân tộc, được chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời còn khốn khó. Song nhiều ý kiến cho rằng, chính du lịch, chính những vị khách thiếu ý thức đã làm ảnh hướng đến sự phát triển văn hóa của người dân địa phương.
Kẹo ngọt cho ai…?
Hình ảnh những du khách ném kẹo cho trẻ nhỏ vùng cao gây bức xúc dư luận. |
Tây Bắc luôn là địa điểm thu hút khách du lịch với cảnh đẹp núi rừng hoang sơ, khác xa với cuộc sống ngột ngạt, ồn ào nơi đô thị. Và một hình ảnh khiến khách du lịch thêm yêu thích chính là con người Tây Bắc chân thật, thân thiện. Nhìn những bà, những chị, các em nhỏ với quần áo dân tộc truyền thống sặc sỡ, vẫy tay hay mỉm cười chào khách đã tạo một nét riêng cuốn hút cho mảnh đất này.
Nhưng từ lúc nào, một thói quen kì lạ hình thành đó là cho kẹo, cho tiền trẻ em, đôi khi là các em chủ động xin khách. Để rồi những khách du lịch, phượt thủ thường rỉ tai nhau mua kẹo làm quà cho những trẻ em vùng cao phía Bắc tổ quốc trong mỗi chuyến hành trình của mình.
Hành động tưởng chừng ý nghĩa, mang đến niềm vui cho các em nhưng câu chuyện gây xôn xao mạng xã hội vừa qua đã khiến chúng ta phải suy nghĩ lại. Cụ thể, ngày 19/10/2016, trên trang cá nhân của một Facebooker xuất hiện một số hình ảnh nhiều trẻ em vùng cao nhặt bánh kẹo được vứt ra từ ô tô chở khách du lịch trên đường, cùng với dòng trạng thái “Cho thì cho đàng hoàng, vừa đi vừa vứt xuống đường vừa nguy hiểm vừa phản cảm (tại cung ường từ Đồng Văn về Yên Minh Hà Giang sáng 15/10/2016)”.
Ngay lập tức những hình ảnh này đã được lan truyền với tốc độ nhanh chóng trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của các kênh chí. Thêm vào đó, tại nhiều điểm du lịch ở Hà Giang, chính quyền đã dán thông báo khuyến cáo “Khách du lịch không cho trẻ em địa phương tiền, bánh kẹo. Trẻ em sẽ bỏ học chữ để đi xin tiền, bánh kẹo”. Những hành vi cho tiền, bánh, kẹo vô tình đã tác động chưa tốt đến văn hóa cũng như cuộc sống của người dân địa phương, tạo nên một hình ảnh chưa đẹp về một số vùng du lịch tại Việt Nam.
Chia sẻ với PV Người đưa , chị Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau tâm sự: “Bản thân tôi đã từng trải qua tuổi thơ như những em nhỏ ở đây, nên hơn ai hết tôi rất thấu hiểu và đồng cảm. Hồi ấy, tôi chỉ là đứa trẻ 10,12 tuổi hành động như các em bây giờ, cũng chạy theo mời khách mua hàng, nhận xin kẹo. Nhưng ngoài những chiếc kẹo tôi còn nhận thêm được gì? Đó là sự hắt hủi của những du khách.
Và chính sự hắt hủi đó đã khiến tôi tỉnh ra, cho tôi động lực để có ngày hôm nay. Nhìn cuộc sống các em hiện nay phải trải qua, thực sự rất đau lòng, đó là hành động rất đáng chê trách”. Được biết chị Su là người phụ nữ H’Mông đầu tiên được nhận giải thưởng “30 Under 30” do Forbes trao tặng (giải thưởng vinh danh 30 gương mặt tiêu biểu dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam năm 2016). Hiện chị đang công tác trong lĩnh vực du lịch và có rất nhiều đóng góp, giúp đỡ đồng bào địa phương.
Chị Tẩn Thị Su (Giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O’Chau), chị là một trong “30 Under 30” 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam năm 2016. |
Có cách nhìn riêng về vấn đề này, TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng và nghiên cứu phát triển thẳn thắng nhìn nhận: “Nếu ai đó nghĩ, mang những chiếc kẹo phát cho trẻ vùng cao là hành vi tốt, đáng được biểu dương thì tôi muốn đặt lại câu hỏi: Nếu con tôi, con các bạn đi học, hàng ngày có những du khách nước ngoài đứng ở cổng trường phát cho chúng những thanh socola Thụy Sỹ thì liệu con bạn còn muốn đi học không?.
Những hành động sẽ tạo hiệu ứng cho những đứa trẻ muốn nghỉ học để được cho kẹo. Có thể những hành động của chúng ta là vô thức, nhưng thực sự đó là hành vi cần nghiêm cấm dừng lại. Du lịch mang lại rất nhiều tác động tích cực, nhưng đi cùng với nó là nhiều hậu quả tiêu cực về môi trường, về văn hóa bản sắc vùng miền cũng bị đe dọa”.
Không chỉ riêng du lịch Việt Nam đang đứng trước tác động xấu về sự phát triển du lịch, TS Đặng Hoàng Giang còn lấy ví dụ, ngay ở “thành phố tình yêu” Venice (Italia), thời gian gần đây người dân như đang phải sống tại “địa ngục trần gian”. Mỗi ngày, thành phố này đón hàng triệu du khách tới tham quan, tiếng va ly kéo trên nền đá đã tạo âm thanh lọc cọc nghe rất khó chịu, thêm vào đó sau mỗi chuyến đi, cả thành phố như tạo thành một bãi rác lớn. Những người dân tại đây đã bức xúc biểu tình, mong chính phủ giải quyết hiện trạng này.
Yêu thương đi liền với hiểu biết
Hiện có rất nhiều các tổ chức, công ty du lịch tại Việt Nam đã đứng ra yêu cầu du khách cần cam kết vứt rác đúng nơi quy định, chụp ảnh phải xin phép hay không cho kẹo, cho tiền trẻ em… Bởi họ hiểu rằng, chính những hành động đó đang khiến bản sắc văn hóa của họ bị đe dọa.
Ông Lê Minh Hiếu, đại sứ cộng đồng CouchSufing Hanoi và Việt Nam, người đã từng đứng ra tổ chức những chuyến du lịch khám phá vùng núi Tây Bằng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu như cách đây 3, 4 năm, tôi tổ chức những chuyến du lịch trải nghiệm Hà Giang, Sapa… ngắm những cung đường đẹp, “rừng” hoa tam giác mạch nhiều màu sắc thì nay đường lên các bản làng Hà Giang tràn ngập rác. Nếu một nhóm nhỏ đi du lịch thì chúng ta có thể cũng nhắc nhở nhau ý thức giữ gìn, nhưng bây giờ đã thành các đoàn lớn, sự quản lý cũng khó khăn hơn rất nhiều. Du lịch Tây Bắc đang kêu cứu”.
“Bản thân tôi đang tham gia các hoạt động du lịch, tôi luốn nhắc nhở khách hàng của mình, chúng ta là người lớn, một hành động nhỏ vô tình sẽ tạo thói quen xấu cho những đứa trẻ nơi đây. Bản thân thế hệ của tôi, khách du lịch khác với bây giờ, họ khác bởi mục đích tới với Tây Bắc. Họ thực sự muốn khám phá, yêu đất nước, vùng đất của chúng ta. Còn bây giờ du khách đến để chinh phục, để trải nghiệm”, anh Hiếu nói.
Với những người khách du lịch, nếu họ nhận thức được vai trò của mình trong việc giữ gìn văn hóa địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững, xây dựng một hình ảnh du lịch đẹp trong mắt bạn bè quốc tế thì chúng ta sẽ không phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng trong thời gian vừa qua.
Là một người con của núi rừng Sapa, chị Su cũng nhắn gửi: “Chúng ta những người đi du lịch cần được giáo dục, cần có trách nhiệm hơn trong những chuyến đi của mình. Cùng là con người, vậy nên khi hành động phải xuất phát từ tình yêu. Bởi có thể hành động của các em chưa đúng, do bố mẹ các em có thể hạn chế về giáo dục, nhưng chúng ta nên tôn trọng các em, bởi các em chính là mầm mon cho thế hệ sau này”.
Chính vì vậy, trang bị kiến thức về du lịch trách nhiệm là điều hết sức cần thiết với mỗi du khách. Có thể coi đó như một kỹ năng cần có cho người đi du lịch nhằm góp phần giữ gìn văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. “Mỗi chuyến đi bạn học được gì, có thể là những kiến thức về văn hóa vùng miền, hay đơn cử là hành động bỏ rác đúng nơi quy định. Nếu chúng ta nói rằng, chuyến đi này mang mục đích từ thiện thì từ thiện, cũng cần đi liền với sự hiểu biết. Bởi nhiều khi hành động xuất phát từ lòng yêu thương nhưng vô tình chúng ta lại đang phá hủy họ mà chúng ta không hề hay biết”, ông Giang khẳng định.
Phương Anh