Formosa xả thải

Chính phủ công bố chi tiết thiệt hại do Formosa gây ra

Ngày 28.7, gửi đại biểu Quốc hội báo cáo về vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự cố này đã gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây ra việc hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, sau quá trình đấu tranh pháp lý, Việt Nam đã buộc Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính. Trong đó có những lỗi rất lớn như tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ công nghệ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo cam kết…

Kết quả đã khiến phía Formosa đã ký thỏa thuận về việc giải quyết sự cố môi trường tại 4 tỉnh với 5 nội dung chính: công khai xin lỗi; thực hiện bồi thường; khắc phục hệ thống xử thải; xây dựng giải pháp kiểm soát môi trường và thực hiện đầy đủ các cam kết, không để tái diễn.

Theo đó, những thiệt hại về kinh tế được báo cáo nêu ra lên tới gần 18.000 tàu thuyền với 41.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có gần 4.000 tàu đang phải nằm bờ; trên 1.600 lồng nuôi cá bị chết; 10 ha cua, 5,7 ha tôm bị chết; 19.500 người buôn bán hải sản, dịch vụ tại cảng cá… bị ảnh hưởng thu nhập.

Sự cố cá chết cũng khiến ngành du lịch lao đao. Đồng loạt 4 tỉnh miền Trung tỉ lệ khách hủy tour lên tới 50%; công suất sử dụng phòng chỉ còn 40-50%, cá biệt tại Hà Tĩnh chỉ còn 10-20%.

Một thiệt hại rất lớn khác là môi trường, theo báo cáo, đã có khoảng 115 tấn cá chết dạt vào bờ (Hà Tĩnh 15 tấn, Quảng Bình 100 tấn), số chìm dưới đáy chưa thống kê được. Thống kê sơ bộ cũng cho biết, có tới 450 ha rạn san hộ bị tác động trực tiếp, trong đó có đến 40-60% rạn san hô bị phá huỷ. Những thiệt hại môi trường chi tiết sẽ tiếp tục được điều tra, đánh giá toàn diện và công bố vào đầu tháng 8 tới.

Gây bất an trong dân

Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, sự cố gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Sự cố để lại hệ quả bất an trong xã hội, người dân lo lắng về việc mất sinh kết, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm hải sản. Nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội cũng tiềm ẩn…

Chính phủ xác định các hoạt động bồi thường sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, trước hết là xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, phấn đấu trong tháng 8.2016 việc bồi thường thiệt hại trực tiếp đến được với người dân.

Theo đó, báo cáo cũng nêu rõ, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nếu phát hiện có thiếu sót, dẫn đến vi phạm.

Quá coi trọng đầu tư, ít để ý môi trường

Qua sự cố này, Chính phủ cũng cam kết sẽ đánh giá toàn diện hơn về hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong thời gian qua, nhất là với các dự án có nguồn thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhập máy móc, công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường…

Chính phủ đánh giá thời gian qua Việt Nam đã quá coi trọng thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường, chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn. Trên thực tế có những sự cố môi trường đã xảy ra rất khó khắc phục hoặc không thể khắc phục nên Nhà nước cần thay đổi quan điểm trong vấn đề đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Xác định FDI tiếp tục là nguồn vốn quốc tế quan trọng đối với Việt Nam khi viện trợ phát triển ODA đang có xu hướng giảm, đầu tư gián tiếp khá bấp bênh nhưng cần định hướng FDI chuyển sang chính sách nâng cấp, coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội, xác lập hệ thống các tiêu chí giúp sàng lọc, lựa chọn, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, bảo đảm đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.

Báo cáo cũng cho hay, sắp tới đây, khi gia nhập TPP, Việt Nam được dự kiến sẽ thu hút khối lượng lớn đầu tư nước ngoài vào dệt – sợi và nhuộm, những lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng (nhất là khâu nhuộm).

Vì vậy, Chính phủ cho rằng việc tăng cường giám sát FDI từ góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách, tránh tái diễn tình trạng thu được lợi nhuận nhưng tàn phá môi trường của Việt Nam và để lại hệ quả nặng nề cho người dân như sự cố cá chết hàng loạt vừa qua.

“Sự cố này cũng cho thấy kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường; thiếu quy chuẩn cho việc triển khai các hạng mục công trình xử lý chất thải”, báo cáo nêu.

Trí Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP