Tin Hà Tĩnh

Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh nói về vụ hàng trăm héc ta rừng tự nhiên bị tàn phá

Sau phóng sự ảnh Hàng trăm héc ta rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh bị phá tan hoang, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc làm việc với Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh về các nội dung liên quan vụ phá rừng này.

Rừng bị phá thường xuyên

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay, sau khi nắm bắt thông tin mà Một Thế Giới phản ánh, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra thực trạng rừng bị phá ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh - Ảnh: Quang Cường


Theo ông Huấn, việc bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh luôn được đề cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh so với những năm trước đó.

Về việc rừng tự nhiên ở xã Lộc Yên bị phá tan hoang trên diện tích rất lớn, ông Huấn cho biết, từ tháng 12.2020 đã có dấu hiệu người dân sẻ phát rừng tự nhiên, vì đây là thời điểm vào vụ trồng rừng. Riêng khu vực rừng bị phá mà Một Thế Giới phản ánh thì đã được kiểm lâm phát hiện từ tháng 9.2020. Khu vực này là rừng tự nhiên nghèo kiệt của 4 hộ dân được nhà nước giao chăm sóc, bảo vệ.

Hiện tại ở xã Lộc Yên có khoảng 500 hộ dân được giao hơn 1.000ha rừng tự nhiên theo Quyết định 3952 ngày 6.12.2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh (quyết định về việc phê duyệt đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2015).

Chi cục trưởng kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, quá trình kiểm tra, kiểm lâm ghi nhận có 7ha rừng tự nhiên ở xã Lộc Yên bị phá. Ông Huấn nói rằng đây là con số thống kê tạm thời, việc kiểm đếm vẫn đang được tiếp tục.

Những vạt rừng tự nhiên ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang bị phá tan hoang


Trước đó, vào tháng 8.2020, Kiểm lâm Hà Tĩnh cũng đã ghi nhận nhiều vụ phá rừng, sẻ phát, lấn chiếm đất rừng. Cơ quan này cũng đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, điều tra các vi phạm, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này cho thấy rằng tình trạng phá rừng ở Hà Tĩnh vẫn thường xuyên xảy ra.

“Hiện đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền tiến hành điều tra vụ phá rừng mà báo phản ánh. Quan điểm của chúng tôi là làm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, sai đến đâu xử lý đến đó”, ông Huấn nói.

Khó xử lý đối tượng phá rừng

Như Một Thế Giới đã phản ánh trong bài viết trước, tình trạng rừng tự nhiên ở xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) bị phá là do chính chủ rừng gây ra. Các chủ rừng đã áp dụng “chiến thuật” chặt tỉa đốt dần để phá bỏ rừng tự nhiên, mục đích là để có đất trồng cây keo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại có nhiều hộ dân ở xã Lộc Yên đã bán rừng cho người ngoài địa bàn nhưng không làm thủ tục hành chính về việc chuyển nhượng, sau đó “chủ” rừng mới sẽ thuê người sẻ phát để phá dần rừng tự nhiên tiến tới trồng keo. Lãnh đạo xã Lộc Yên, lãnh đạo huyện Hương Khê và cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng thừa nhận với phóng viên là họ có nghe nói về việc này nhưng do người dân bán rừng kín đáo nên không thể khẳng định được.

Ông Hoàng Quốc Huấn cho biết việc phát hiện và bắt quả tang kẻ phá rừng rất khó vì những đối tượng này luôn có cảnh giới khi thực hiện chặt phá rừng.

“Khi kiểm lâm đi tuần tra thì các đối tượng phá rừng báo tin cho nhau để lẩn trốn nên không thể bắt quả tang. Bên cạnh đó có một số đối tượng trực tiếp tỏ thái độ chống đối, thậm chí còn đe dọa hành hung cán bộ kiểm lâm. Cách đây mấy ngày đoàn kiểm tra vào rừng bắt gặp một nhóm đàn ông người địa phương, một trong số người dân này đã cầm cổ áo một cán bộ kiểm lâm đe dọa hành hung.

Do lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích rừng quá lớn và không phải lúc nào cũng có công an phối hợp cùng tuần tra nên việc bảo vệ rừng đang gặp khó khăn”, ông Huấn cho hay.

Phóng viên tiếp cận một cái lán của những người chặt phá rừng, họ dựng lán này làm nơi ăn uống, nghỉ ngơi


Theo Quyết định 3952, những hộ dân được giao rừng có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và chỉ được trồng dặm các loại cây lâm nghiệp bản địa, không được trồng cây keo. Ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước (300.000 đồng/ha/năm) thì chủ rừng được thu hoạch một số sản vật rừng ngoài gỗ.

Phóng viên nêu câu hỏi: Nếu không bắt quả tang được đối tượng phá rừng, thì tại sao kiểm lâm không ngăn chặn việc trồng keo và xử lý người trồng keo trên diện tích rừng tự nhiên đã bị phá? Nếu quyết liệt như vậy thì sẽ không còn ai phá rừng vì mục đích của họ là trồng keo đã không thể thực hiện.

Trả lời câu hỏi này, Chi cục trưởng kiểm lâm Hà Tĩnh cũng nêu ra một “điểm khó”.

Ông Huấn nói: “Họ trồng keo cũng trồng lén lút, khi kiểm lâm phát hiện thì có nơi cây keo đã bén rễ và sinh trưởng. Người dân trồng cây keo lên thì đó là tài sản của dân, về luật thì việc này không được phép và phải buộc nhổ cây keo, nhưng thực tiễn thì rất khó hành động, không ai nỡ lòng đi nhổ được”.

Đã có trường hợp xảy ra như vậy. Cách giải quyết là kiểm lâm buộc chủ rừng vi phạm phải cam kết đến khi cây keo đạt tuổi thu hoạch thì chặt và trồng lại cây lâm nghiệp bản địa.

Chính vì sự “thỏa hiệp” này mà hiện nay nhiều chủ rừng cố làm liều để đạt được mục đích “ít nhất cũng được một vụ keo”. Hậu quả là hàng trăm héc ta rừng tự nhiên đang bị chính chủ rừng bức tử bằng chiến thuật chặt tỉa đốt dần.

Nếu những cánh rừng này bị cạo trắng thì đập Khe Táy sẽ đứng trước nguy cơ cạn kiệt nước vào mùa hè và gây lũ cho hạ nguồn vào mùa mưa


Điều đáng quan tâm nhất sau những vụ phá rừng này là chính quyền, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh phải có phương án, đối sách cụ thể để bảo vệ rừng có hiệu quả về lâu dài, chứ không phải chạy theo từng vụ việc và “kêu khó” khi xử lý.

Để giải quyết tận gốc rễ thực trạng này, Hà Tĩnh cần phải nhìn thẳng vào sự bất cập của Quyết định 3952 khi giao rừng cho dân nhưng không được phép chuyển đổi rừng tự nhiên, không được phép cải tạo rừng khi rừng đã nghèo kiệt. Vấn đề này Một Thế Giới sẽ chuyển tải ở một bài viết khác.

Tác giả: Quang Cường

Nguồn tin: 1thegioi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP