Đề án một đằng, thực hiện một nẻo
Thanh Lộc là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng được xem là vùng đất “màu mỡ” của những tay “đầu nậu” chuyên săn lùng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy gạch Thuận Lộc nằm kế bên. Và để hợp thức hóa việc bán đất, năm 2013, UBND xã Thanh Lộc đã lập tờ trình kèm phương án cải tạo một số vùng đất trồng lúa trình UBND huyện Can Lộc phê duyệt. Căn cứ cho việc “hạ độ cao” này là cải tạo những vùng đất cao, khó khăn về nguồn nước tưới tiêu, nhằm giúp bà con thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng…
Theo phương án đã được UBND huyện Can Lộc phê duyệt, quy trình cải tạo gồm: Thu gom lớp đất mặt dày 20 cm tập trung tại góc ruộng để sau đó hoàn trả lại. Độ sâu của phần bóc tách đến điểm phù hợp với hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu trung bình khoảng 40 cm. Trong quá trình hạ độ cao, lượng đất xúc đi dùng để đắp bờ vùng, bờ thửa, chỉnh trang kênh mương phục vụ giao thông nội đồng, nếu còn dư thừa phải đổ đúng nơi quy định; phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm rơi vãi đất, không dùng các phương tiện có tải trọng lớn gây ảnh hưởng đến hệ thống kênh mương nội đồng.
Ngay sau khi có được văn bản đồng ý của UBND huyện Can Lộc, lãnh đạo xã Thanh Lộc lập tức bán cho “đầu nậu” với giá từ 7.000 – 10.000 đồng/m3 tùy theo địa điểm và chất lượng đất. Và thay vì thực hiện đúng theo phương án của UBND huyện, hàng nghìn m2 đất trồng lúa của 5 xóm đã bị các “đầu nậu” đào bới một cách không thương tiếc. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại tất cả các điểm cải tạo cho đến bây giờ dù xong từ lâu, đã được hoàn trả mặt bằng nhưng thay vì tạo nên những đám ruộng màu mỡ thì nó lại biến thành những cái ao “khổng lồ”, sâu hoắm.
Đơn cử tại xóm 5, khu vực vừa được cải tạo, trước đây vốn là một thửa ruộng rộng gần 17.000 m2. Theo người dân, dù có cao hơn một chút so với mặt bằng chung, có đôi chút khó khăn về nước, nhưng từ bao đời nay, họ vẫn canh tác trên đó, chẳng sao cả. Thực tế cho thấy, hàng năm sản lượng lúa các hộ thu hạch được cũng không “thua chị, kém em” so với những đám khác là mấy. Thậm chí, nếu bỏ thêm chút công sức chăm chút thì “ăn đứt” nhiều nơi khác. Vấn đề cơ bản là chất lượng thóc giống cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất sẽ quyết định năng suất. Thế nhưng, sau khi cải tạo xong, toàn bộ số diện tích này không thể canh tác được và đành bỏ hoang.
|
Ruộng biến thành ao với độ sâu gần 3m |
Ruộng biến thành ao, ai chịu trách nhiệm?
Có mặt tại xứ đồng Cồn Trạm, xóm Thanh Sơn, chúng tôi vô tình thấy một người đàn ông đang bơi giữa hồ nước rộng mênh mông, vốn trước đây là ruộng lúa. Tiện thể nhờ người này cầm chiếc sào để đo, có chỗ mực nước sâu hơn 2,5 m, chỗ thấp nhất cũng chừng 2 m. “Họ lừa dân để bán đất chứ cải tạo kiểu gì thế này. Để có một đám ruộng phải trải qua hàng nghìn năm với biết bao công sức của người nông dân, vậy mà chỉ trong mấy ngày xe, máy rầm rập đào bới là xong. Cũng có nhiều đoàn đến kiểm tra, nhưng rồi chẳng thấy ai nói gì. Còn người dân chúng tôi “thấp cổ bé họng”, dù thấy xót xa nhưng biết kêu ai bây giờ”. Người đàn ông tên T. ngậm ngùi nói.
Qua tìm hiểu được biết, theo thỏa thuận giữa các hộ dân và chính quyền xã, số tiền thu được từ việc bán đất tài nguyên như trong phương án cải tạo sẽ trích một phần trả tiền đền bù cho các hộ có ruộng tính trên sản lượng thu hoạch lúa một vụ/năm. Số còn lại sẽ đưa vào xây dựng các công trình phúc lợi của thôn. Tuy nhiên, khối lượng đất tính theo phương án so với thực tế chênh lệch rất lớn. Vì vậy, số tiền thu được từ sự chênh lệch này đang khiến nhiều người thắc mắc không biết nằm ở đâu. “Những hộ có ruộng thuộc khu vực cải tạo như chúng tôi không được xem hợp đồng đền bù đất, giá đất cụ thể như thế nào? UBND xã thông báo đền bù 1 vụ, còn bây giờ đất không cấy lúa được nữa thì ai chịu trách nhiệm?”, bà Nguyễn Thị T., xóm Thanh Sơn bức xúc nói.
Trao đổi về vấn đề bồi thường, ông Lê Văn Nhiếu, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cho biết: “Đối với đất cải tạo trên địa bàn xã chỉ có hai mức giá: 7.000 nghìn đồng/m3 đối với diện tích đất hoang không có trong sổ đỏ (thuộc xóm Thanh Tân) và 10.000 nghìn đồng/m3 đối với diện tích đất có trong sổ đỏ (các xóm còn lại). Ở xã này không thể có dân phản ánh chuyện bồi thường được, vì dân đã đồng thuận cao. Xã đã chia tiền đền bù thành 2 khoản: Chia cho người dân có ruộng và chi vào các công trình phúc lợi. Cụ thể, xóm Thanh Sơn được 104 triệu đồng, chi 74 triệu đồng cho các hộ dân có ruộng, còn 30 triệu đồng chi cho xây dựng công trình phúc lợi, kênh mương. Còn xóm Thanh Tân thì đem vào ủng hộ nhà văn hóa 100%…”.
Liên quan đến việc khai thác đất không đúng theo phương án cải tạo đã được phê duyệt, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc thừa nhận có sai, nhưng cho biết, trong quá trình thực hiện, xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. “Tôi có thể khẳng định, chỗ cải tạo đất sâu trên 1 m là những bãi đất hoang thuộc xóm Thanh Tân, không phải ruộng của dân”. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra những chứng cứ để chứng minh tất cả các điểm cải tạo đều lấy đất sâu hơn 2 m thì ông Nhiếu thông báo sẽ có phương án tối ưu để người dân sử dụng được số diện tích đó. Chẳng biết phương án của ông Chủ tịch là gì, nhưng để tạo ra được những thửa ruộng như ban đầu, theo người dân là không thể.
Lấy danh nghĩa cải tạo đất nhưng thực chất là lợi dụng để bán tài nguyên một cách bất hợp pháp, hậu quả từ việc làm sai trái này của UBND xã Thanh Lộc đã biến hàng trăm nghìn m2 đất trồng lúa thành ao hồ và không thể phục hồi nguyên trạng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân khi mất ruộng mà còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo địa phương. Thiết nghĩ, các cấp thẩm quyền ở Hà Tĩnh cần có những chấn chỉnh kịp thời và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể đã để xảy ra sai phạm.