Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Thạch Khê) luôn được xếp vào một trong 2 trường có chất lượng đào tạo đứng đầu huyện |
Trường THCS Đỉnh Bàn cũng không khá hơn khi thầy và trò phải học trong dãy nhà cấp 4 được xây dựng vào năm 1970 đã xập xệ, nứt nẻ. Khi tỉnh có chủ trương cho xây dựng trở lại, nhà trường đã vận động làm một dãy nhà 2 tầng, 12 phòng để kịp cho học sinh (HS) bước vào năm học mới.
Là ngôi trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, nhưng cô và trò Trường Mầm non Thạch Khê đang phải học trong một dãy nhà cấp 4 ẩm thấp với 7 phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng. CSVC của trường là tài sản “thừa kế” từ trường tiểu học trước đây. Trường cũng không có sân chơi cho trẻ, không có mái che…
Trường Tiểu học Thạch Đỉnh cũng đang nằm trong tốp trường có CSVC yếu, thiếu nhất của huyện Thạch Hà. Đến nay, các phòng chức năng đều chưa có, dãy nhà hiệu bộ, phòng y tế bị nứt nẻ, bong tróc. Ngồi trong căn phòng ẩm thấp, cũ kĩ, thầy Hồ Đăng Thiên – Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: “CSVC của trường giờ kém lắm, ngay như dãy nhà văn phòng cũng nứt nẻ khắp nơi, mưa to là nước chảy lênh láng”.
Ngay như Trường THCS Lê Hồng Phong (Thạch Khê) được đánh giá là ngôi trường có CSVC tốt nhất trong các trường vùng mỏ cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, trường chưa có hệ thống các phòng chức năng phục vụ dạy học. Khu nội trú thì xiêu vẹo. Trong cơn bão số 11 vừa rồi, trường phải dỡ bỏ một dãy vì sợ bị sập. Hiện còn lại một dãy cũng đang ở trong tình trạng xuống cấp.
Éo le nhất là tình cảnh của Trường Mầm non Thạch Bàn khi có lớp phải mượn nhà văn hóa thôn để học. Ngồi trong văn phòng chỉ rộng chừng 15m2, cô Nguyễn Thị Kỷ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường chỉ có 4 lớp học trong phòng đủ diện tích, 4 lớp còn lại thì 3 lớp học tạm ở các nhà kho, 1 lớp học nhờ nhà văn hóa thôn; các phòng chức năng cũng chưa có. Trường đang sử dụng trạm y tế xuống cấp để làm văn phòng, còn khi nào họp thì các cô phải ngồi ngoài hành lang lớp học”.
Dạy học trong tình cảnh thiếu thốn đang là thực trạng chung của hầu hết các trường trong khu vực quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê từ nhiều năm nay. Thầy giáo Trần Quang Cảnh – Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Hà cho biết: “Các trường đều thuộc xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Hà, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn nên công tác đầu tư, xã hội hóa giáo dục rất hạn chế. Các trường đều nằm trong vùng quy hoạch mỏ sắt, mọi dự án đầu tư, nâng cấp, kiên cố hóa trường học đều bị ngưng nên trường lớp nay lại càng yếu và thiếu trầm trọng”.
Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng giáo dục vùng mỏ vẫn đạt được những thành tích đáng tự hào và là ngọn cờ đầu trong hoạt động giáo dục của huyện Thạch Hà. Nhiều năm qua, tỉ lệ chuyên cần tại các trường vùng mỏ đạt cao, hiếm xẩy ra tình trạng HS bỏ học. Các trường vùng mỏ cũng là những đơn vị dẫn đầu về chất lượng mũi nhọn của giáo dục huyện Thạch Hà với hàng chục em đạt HS giỏi huyện, tỉnh.
Trường Tiểu học Thạch Khê là một điển hình. Hàng năm, trường luôn có khoảng 80% HS khá, giỏi và là một trong 5 trường dẫn đầu về chất lượng mũi nhọn của huyện. Với những thành tích xuất sắc đó, 7 năm liên tục, trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
Hay như Trường Tiểu học Thạch Bàn có tới 60% HS khá, giỏi và luôn nằm trong tốp đầu của huyện với 15-25 HS giỏi huyện, tỉnh mỗi năm. Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Thạch Khê) luôn được xếp vào một trong 2 trường có chất lượng đào tạo đứng đầu huyện. Hàng năm, tỉ lệ HS đậu vào các trường THPT và Trường Chuyên Hà Tĩnh đứng thứ nhì huyện.
Việc đầu tư nâng cấp CSVC phục vụ công tác dạy và học cho các trường vùng mỏ là điều cấp thiết. Hiện nay, các trường cũng đã được phép xây dựng CSVC, vì vậy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục cần nhanh chóng vào cuộc khảo sát để hỗ trợ các trường nâng cấp CSVC, bảo đảm chất lượng dạy và học.
Phúc Quang