Sách Tiếng Việt 1 theo CGD được xây dựng và sử dụng khá rộng rãi từ thập niên 90 của thế kỷ XX, nhưng vào thập niên đầu thế kỷ XXI không còn được sử dụng vì cả nước chỉ dùng một chương trình và sác duy nhất, mãi cho đến năm học 2007 – 2008 Bộ GD&ĐT mới cho thử nghiệm trở lại sách Tiếng Việt 1 CGD ở một số trường miền núi, nơi có nhiều học sinh con em dân tộc ít người như ở Lào Cai và một số tỉnh khác. Đến năm học 2013 – 2014 Bộ cho phép sử dụng khá rộng rãi (37 tỉnh thành với trên 200.000 học sinh).
Vượt trên chương trình đại trà
Hằng năm có khoảng 1,5 triệu trẻ em trên cả nước vào lớp 1, trong số đó có nhiều em còn chưa nói sõi Tiếng Việt, nhiều em chưa qua lớp mẫu giáo lớn, có những em ở xa trường còn phải học lớp ghép.
Sách Tiếng Việt 1 CGD của GS. Hồ Ngọc Đại đã được nghiên cứu và qua thử thách trong nhiều năm, qua những bước thăng trầm. Nhìn vào cuốn sách đã định hình, ổn định, đã được sử dụng khá rộng rãi nhận thấy cái làm nên giá trị riêng độc đáo của cuốn sách.
Sách tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại theo công nghệ giáo dục được các tỉnh, thành đón nhận. Ảnh Xuân Trung |
Cơ sở lý luận vững vàng (cơ sở ngôn ngữ học, cơ sở triết học, cơ sở tâm lý học và một số khoa học có liên quan khác). Các nhà khoa học tham gia thẩm định, góp ý đều có nhận định khá tích cức về tính khoa học (tính hàn lâm) của cuốn sách. Thực tế ở các trường tiểu học khi áp dụng sách Tiếng Việt 1 CGD cũng khẳng định tính khả thi và giá trị thực tiễn của cách dạy và học này.
Tính ưu việt của Sách Tiếng Việt 1 CGD có được không chỉ thể hiện ở tính hàn lâm và tính hành dụng (vừa học vừa hành, hành trên cơ sở có lý luận, hành để học và đế sử dụng trong cuộc sống).
Cuốn sách Tiếng Việt 1 này đảm bảo được sự phân hóa học sinh qua nội dung được trình bày ở trang chẵn và trang lẻ (trang chẵn là nội dung bắt buột và trang lẻ là nội dung để phân hóa học sinh; ngoài 2 tập sách thể hiện toàn bộ nội dung chương trình học còn có tập 3 dành cho học sinh tự học (tổng luyện tập), giúp học sinh lưu giữ chắc chắn những gì đã học được trong chương trình Tiếng Việt 1.
Ngoài SGK dành cho học sinh còn có tài liệu (sách thiết kế và băng đĩa giới thiệu các bài dạy minh họa) dành cho giáo viên, có sách dành cho cha mẹ học sinh (giới thiệu về quan điểm giáo dục mới, về mục tiêu, nội dung chương trình, về cách dạy và cách học mới).
Năm học 2012-2013 có 70.000 học sinh lớp 1 học theo sách CGD trong đó có học sinh cả 3 miền thuộc địa bàn thành thị, nông thôn, miền xuôi, miền núi. Kết quả đề khả quan, vượt trội so với những năm học trước.
Năm học 2013-2014 Bộ GD&ĐT chính thức cho các địa phương được tự nguyện lựa chọn, sử dụng Tiếng Việt 1 CGD, đã có 200.000 học sinh với hàng nghìn lớp thuộc các địa bàn khác nhau trên phạm vi cả nước học theo phương án Tiếng Việt 1 CGD.
Học sinh lớp 1 học theo phương án CGD tối thiểu cũng đạt đạt chuẩn mới hình thành, cao hơn chuẩn hiện hành. Cụ thể, đọc trơn: 40 tiếng/phút, nghe đọc viết: 30 tiếng/12 phút; trong khi đó chuẩn dành cho học sinh đại trà chỉ ở mức, đọc: 30 tiếng/phút, tập chép (nhìn và chép lại): 30 tiếng/15 phút.
Điều đáng chú ý, học sinh học theo CGD đến cuối năm học thường đọc 80 – 90 tiếng/phút, viết chính tả (nghe đọc viết): 30 tiếng 10 – 11 phút, một khi học sinh đã đọc được là viết được, đã viết được là đọc được, không tái mù chữ. Số học sinh đạt loại giỏi chiếm đa số, còn lại học sinh khá, rất ít học sinh trung bình (đạt chuẩn).
Cùng với kỹ năng đọc, viết, họa sinh biết nói năng, giao tiếp khá thành thạo. Cùng với những kỹ năng này, học sinh có sự phát triển, được biểu hiện ở tính kỷ luật và trách nhiệm trong học tập, ở trình độ tư duy, ở tinh thần ham thích học tập. Với học sinh, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Đi học là hạnh phúc”.
Quan điểm “ba bước, ba mặt, ba nhân vật”
Việc dạy và học Tiếng Việt từ thời “Xóa nạn mù chữ” (năm 1945) đến thời kỳ thực hiện Luật phổ cập giáo dục tiểu học đã có một số cuốn sách khác nhau. Cho đến nay, Sách Tiếng Việt 1 CGD của GS. Hồ Ngọc Đại là cuốn sách ưu việt hơn cả.
Việc triển khai ứng dụng sách Tiếng Việt 1 CGD vạch ra một cách làm mới cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục. Đó là cách làm theo Đề cương 9 điểm do GS. Hồ Ngọc Đại phát hiện và theo đuổi từ trên 35 năm nay.
Theo đó, đề cương 9 điểm gồm: Ba bước, bước 1- nghiên cứu thiết kế ở trung ương (thực nghiệm dạy học); Bước 2 – thử nghiệm (ứng dụng thử) ở địa phương (mỗi địa phương một vài trường) nhằm góp phần hoàn thiện sách dành cho học sinh và thiết kế dành cho giáo viên và các tài liệu kèm theo; Bước 3 – triển khai có tính đại trà theo quy mô hợp lý (trên phạm vi huyện/quận, tỉnh/thành, cả nước). Bước 3 này chỉ được triển khai khi qua bước 2 cho thấy phương án đã đạt độ hoàn thiện, đảm bảo an toàn khi đưa triển khai rộng.
Ba mặt: Nghiên cứu – nhằm xây dựng sách và tài liệu của phương án dạy và học của từng môn học của cả cấp học, sau đó đưa thử nghiệm tiếp tục hoàn thiện; Đào tạo – thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, giáo viên thiết kế và thực thi phương án giáo dục mới (công nghệ giáo dục); Chỉ đạo, quản lý quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai đại trà.
Ba nhân vật: Học sinh – Thầy giáo – Cha mẹ học sinh và các nhân vật thứ ba khác. Trong ba nhân vật, học sinh là nhân vật trung tâm (vì học sinh là mục tiêu giáo dục mà nhà trường hướng tới); Giáo viên là người giữ vị trí then chốt, giữ vai trò có tính quyết định sự thành bại giáo dục; các nhân vật thứ ba là những nhân vật không tham gia trực tiếp vào quá trình dạy và học nhưng góp phần tích cực tham gia cùng nhà trường và giáo viên theo cơ chế phân công – hợp tác trong việc giáo dục học sinh.
Triển khai Tiếng việt 1 CGD với số lượng lớn, đủ đại diện các vùng miền trong năm học 2013 – 2014 đã cho kết quả làm mọi người yên tâm. Sự yên tâm của mỗi người có được vì có sự an toàn khi dạy và học theo sách Tiếng Việt 1CGD.
Theo phương án này, nếu giáo viên đã được tập huấn sẽ dạy được và khi giáo viên dạy được học sinh sẽ học được – “học đến đâu được đến đó, học đên đâu chắc đến đó”.
Sự phát triển an toàn bền vững khi dạy và học theo sách Tiếng Việt 1 CGD diễn ra có tính quy luật, năm đầu dạy và học theo phương án này, giáo viên khá vất vả (nhất là trong 2 tháng đầu), về sau giáo viên dạy đảm bảo hơn và đến cuối năm học thì tất cả các lớp đều đảm bảo kết quả khả quan (kết quả đều vượt trội hơn những năm trước và hơn các lớp có thể coi là lớp đối chứng).
Nơi nào dạy đến năm thứ hai giáo viên quen hơn, đỡ vất vả hơn, từ năm thứ ba giáo viên đã có “tay nghề”, dạy thành thục hơn, học sinh học cũng nhẹ nhàng hơn, kết quả tốt hơn, đảm bảo ổn định, chắc chắn.