(Ảnh minh hoạ) |
Theo Bộ Công an, trong những năm gần đây, các tổ chức phản động và số chống đối trong và ngoài nước đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Lo sợ mất đi không gian hoạt động và không triển khai được các biện pháp vốn đang được sử dụng hiện nay, các tổ chức phản động như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và số đối tượng chống đối ráo riết và quyết liệt triển khai các hoạt động chống phá Luật An ninh mạng trước và sau khi Quốc hội thông qua.
Ngay sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, hoạt động chống phá Luật càng trở lên quyết liệt, các tổ chức phản động và số đối tượng chống đối liên tục tự tổ chức quay các video, clip, trích dẫn thông tin sai lệch, lồng ghép, xuyên tạc nội dung phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, hô hào, kích động quần chúng nhân dân phản đối Luật An ninh mạng.
Bộ Công an nhấn mạnh: Theo quy định của Luật An ninh mạng, cá nhân được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu, độc, xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 16, Luật An ninh mạng quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, cũng như yêu cầu lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để loại bỏ các thông tin vi phạm pháp luật.
“Điều này có nghĩa là người dân đã có công cụ rõ ràng hơn để bảo vệ mình khi bị các thông tin xấu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp”- Bộ Công an nêu rõ.
Bên cạnh đó, Điều 17 Luật An ninh mạng sẽ giúp bảo vệ người dân trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.
Điều 26 Luật An ninh mạng “gia cố” thêm công cụ để bảo vệ người dân khỏi các thông tin xấu độc bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm loại bỏ những nguồn phát tán thông tin xấu thông qua việc không hoặc ngừng cung cấp dịch vụ cho những đối tượng này. Đồng thời, giúp bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật cá nhân của người dân, tránh bị thu thập và lạm dụng (trường hợp dữ liệu cá nhân người dùng Facebook bị lạm dụng vào hoạt động chính trị).
Theo Bộ Công an, với việc yêu cầu một số doanh nghiệp nước ngoài đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, tức là có pháp nhân tại Việt Nam sẽ giúp người dân có quyền được quản lý, sử dụng và khiếu nại về dữ liệu của mình.
Bộ Công an khẳng định, Luật An ninh mạng không gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không tạo giấy phép con. |
Không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân
Trước các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, Bộ Công an khẳng định yêu cầu bảo đảm cơ sở, điều kiện để điều tra, xử lý nhanh chóng, hiệu quả của lực lượng bảo vệ pháp luật là cần thiết, cấp bách, trong đó có trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước.
Thông tin của cá nhân có hoạt động vi phạm pháp luật là một trong những loại dữ liệu quan trọng để lực lượng bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Điểm a, khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định: Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
“Như vậy, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, có nhiều thông tin trên không gian mạng cho rằng, Luật An ninh mạng yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư cho cơ quan chức năng là không chính xác”- Bộ Công an cho hay.
Hơn nữa, các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Công an cũng nhấn mạnh, Luật An ninh mạng không gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không tạo giấy phép con.
Trong 7 quy định liên quan tới trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng trong Luật An ninh mạng, không có quy định nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng không có quy định nào yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải có giấy phép con mới được phép hoạt động.
Ngoại trừ việc phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và một số trách nhiệm được quy định cụ thể trong Điều 41 liên quan tới cảnh báo, khắc phục, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các doanh nghiệp không phải chấp hành nghĩa vụ nào khác đối với hoạt động kinh doanh của mình.
“Không có quy định nào về an ninh mạng trong Luật An ninh mạng quy định về hoạt động thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư, mua bán, kinh doanh của doanh nghiệp”- thông tin từ Bộ Công an cho hay.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí