Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tông thống Mỹ Barack Obama |
Mở đầu bài viết, tác giả bài báo liệt kê một loạt sự kiện lớn được Việt Nam kỷ niệm trong năm nay, đó là kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên bang Nga (1955-2015); 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975); 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và hiện đang tiến tới Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9. Sự kiện Việt Nam kỷ niệm 70 năm lập quốc cũng trùng với dịp thế giới kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nên ý nghĩa của nó rất to lớn.
Bài báo nhắc đến sự kiện ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước của tầng lớp công – nông đầu tiên tại Đông Nam Á.
Theo báo Độc lập, trong một loạt sự kiện lớn, sự kiện kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ được Hà Nội rất xem trọng. Sự kiện này được đánh dấu bằng Nghị định ký ngày 11/7/1995, khi đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong lịch sử thời hậu chiến. Sau đó, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, mở cửa cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, góp phần phát triển thương mại song phương cũng như các quan hệ văn hóa với Việt Nam.
Đáng chú ý là cách đây hai năm, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (tháng 7/2013), hai bên đã nhất trí nâng quan hệ Việt-Mỹ lên thành đối tác toàn diện, tạo điều kiện cho sự phát triển quan hệ song phương tốt đẹp hơn nữa.
Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm chính thức Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi lời mời Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Washington, và lên kế hoạch cho Tổng thống Mỹ Obama thăm Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi đầu tháng Bảy vừa qua là một thành công lớn. Tại Nhà Trắng, các bên ghi nhận sự tiến bộ trong việc phát triển các mối quan hệ song phương là thực sự ấn tượng.
Sau Hiệp định thương mại hai nước ký năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hàng chục lần và năm 2014 đạt 36 tỷ USD, chiếm 22% tổng doanh thu thương mại của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó hơn 80% là hàng Việt Nam xuất khẩu. Trong năm 2015, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Và đến năm 2020, dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ đạt 57 tỷ USD.
Liên quan đến đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, đến nay Mỹ đã đầu tư hơn 11 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư lớn vào Việt Nam. Trong khi đó, Nước Nga chỉ đứng ở vị trí thứ 15 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ với 2 tỷ USD, và kim ngạch thương mại hai chiều Nga-Việt chỉ đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong khi đầu tư của Việt Nam vào Nga là hơn 2,5 tỷ USD.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về lượng du học sinh theo học tại Mỹ với hơn 17.000 học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh. Tất cả số này đều được nhận học bổng từ các quỹ đặc biệt của Mỹ. Trong khi đó, tại các trường đại học ở Nga chỉ có gần 1.000 sinh viên Việt Nam theo học. Tuy nhiên, các sinh viên này đều theo học trên cơ sở thương mại.
Ngoài ra, tiếng Anh cũng đang từng bước được phổ cập giáo dục ở Việt Nam, trong khi tiếng Nga hầu như đã không còn được giảng dạy ở các trường phổ thông như trước kia, và không ai trong số các nhân viên lễ tân tại khách sạn hiểu khi bạn nói câu “Здравствуйте! – Xin chào”. Điều này khác hẳn trước đây. Nói chung, Việt Nam đang thay đổi tích cực!
Trong lĩnh vực hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Washington, theo bài báo, trong quá khứ, Mỹ đã tuyên bố gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí, và một vài tháng trước (đầu tháng 6 vừa qua), Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký tuyên bố chung về “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương”.
Ở khía cạnh này, Nga chiếm 92,5% thị phần tại thị trường vũ khí Việt Nam và năm 2015, hai nước dự định tăng con số này lên đến 98%, song điều này đang gặp một số trở ngại.
Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama |
Hai năm về trước, trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhà lãnh đạo Việt Nam đã đặt vấn đề gỡ bỏ cấm vận vũ khí. Khi đó, Tổng thống Obama đã ‘giả vờ như không nghe thấy’ và chỉ đáp lại lời mời thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng ông “sẽ làm tất cả mọi thứ có thể” mà không hứa hẹn cụ thể điều gì, thì trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7 vừa qua, mọi sự dường như đã trở nên rõ ràng hơn.
Vào giữa tháng 11 tới, Tổng thống Obama sẽ có chuyến công du một loạt các quốc gia. Chặng dừng chân đầu tiên của ông Obama là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong các ngày 15-16/11. Tiếp theo, ông Obama sẽ tới thủ đô Manila (Philippines), nơi sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), sau Manila, ông Obama sẽ tới Malaysia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 10 vào các ngày 21-22/11, và cuối cùng, ông Obama sẽ đến thăm Hà Nội.
Theo báo cáo, chuyến thăm của ông Obama tới Hà Nội lần này nhằm đánh dấu mốc kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt. Trước đó, ngày 7/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry cũng đã đến Hà Nội để tiền trạm cho chuyến thăm sắp tới của ông Obama.
Dự kiến, tại các cuộc đàm phán ở Hà Nội sắp tới, hai bên sẽ thảo luận về triển vọng hợp tác song phương. Dự kiến, các doanh nghiệp Việt Nam và các Tập đoàn, công ty Mỹ như Boeing, Westinghouse, General Electric sẽ ký hợp đồng nhiều triệu USD liên quan đến việc các công ty này sẽ cung cấp máy bay, thiết bị hàng không và công nghệ hạt nhân cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ cũng sẽ đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nhân đạo.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ bài báo của tác giả Boris Vinogradov – nhà báo quốc tế, đăng trên tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo điện tử có số lượng truy cập lớn nhất tại Nga.