Ảnh minh họa |
Suy nghĩ tiêu cực và trầm cảm
Nhận thấy ở môi trường bạo lực và chọc ghẹo phổ biến, học sinh giảm hứng thú với các hoạt động tập thể, hiệu quả học tập thấp, hai giảng viên Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Hoàng Anh Vũ (ĐH Hoa Sen TP.HCM) đã khảo sát ngẫu nhiên 256 sinh viên các trường ĐH tại TP.HCM về trải nghiệm bạo lực học đường. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc được 46 trường hợp trả lời rằng mình có những sang chấn tâm lý.
Hầu hết các hình thức bạo lực học đường mà các nạn nhân phải chịu đựng là bị đánh, tát; bị trêu chọc dưới hình thức xô đẩy, ngáng chân; bị đe dọa; bị bịa chuyện nói xấu và tạo tin đồn; bị dè bỉu, bình phẩm ác ý về giới, ngoại hình; bị cô lập…
Nghiên cứu cho thấy, tần suất bạo lực học đường ở nhóm có sang chấn cao hơn nhóm không có sang chấn. Sinh viên là nạn nhân của bạo lực học đường có nguy cơ cao mắc phải lo âu, trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe và khả năng thích nghi xã hội. Nghiêm trọng hơn, những vấn đề này kéo dài cho đến khi nạn nhân trưởng thành. Hầu hết các đối tượng ở nhóm có sang chấn khi mô tả lại đều có những biểu hiện của các rối loạn như trầm cảm, stress và nữ sinh bị tổn thương nặng hơn nam sinh.
Bạn H.T.T (ĐH Sư phạm TP.HCM) mô tả: “Khi sự kiện cứ mãi quẩn quanh trong đầu thì không thể tập trung vào việc khác. Lúc bạn vui thì không có gì xảy ra, những lúc buồn, bỗng dưng mọi chuyện lại ùa về. Đêm xuống có lúc không ngủ được vì phải suy nghĩ chuyện gì đã xảy ra”.
Bạn N. (ĐH Khoa học tự nhiên) cho biết, hậu quả của bạo lực học đường là “rất nặng nề, trở nên đa nghi, thù ghét cuộc đời và tất cả mọi người, có ham muốn trả thù hoặc trở nên bi quan tự trách mình, tệ hơn là có ý định tự tử”.
Bạn T.T.L. (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Tôi bây giờ căm ghét sự xấu xa bên trong mỗi con người, tôi không mở lòng với ai, không bạn bè, xa lánh mọi người xung quanh. Tôi nghĩ một mình là đủ rồi, nghĩ đến ai cũng có mặt xấu xa chưa được thể hiện ra, tôi lại thấy kinh tởm và không muốn tiếp xúc với họ. Tôi tự hỏi liệu tôi có tự sát ngay và luôn không…”
Nghiên cứu cũng nhận ra rằng, khi nạn nhân có những sang chấn tâm lý, họ cũng có thể là một nguồn để khởi phát bạo lực học đường. Những học sinh trải qua sang chấn của bạo lực học đường, trong một số tình huống, họ sẽ chọn giải pháp đối đầu lại hoặc dùng bạo lực trả đũa. Lúc này, vai trò của tư vấn tâm lý học đường, của giáo viên và phụ huynh là rất quan trọng.
Phụ huynh muốn gì từ tư vấn học đường?
TS Nguyễn Thị Hằng Phương (Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cho biết, đã có rất nhiều nghiên cứu về tham vấn học đường với học sinh, nhưng chưa có nghiên cứu nào từ góc độ phụ huynh hiểu gì, cần gì với tham vấn học đường trong khi để hoạt động tham vấn học đường hiệu quả, nhất định cần có sự hợp tác thống nhất giữa học sinh, giáo viên, nhà trường và đặc biệt là phụ huynh.
Nghiên cứu ngẫu nhiên trên 405 phụ huynh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, TS Nguyễn Thị Hằng Phương nhận thấy, 56,41% phụ huynh cho rằng trẻ có nguy cơ bị bạo hành nhưng có đến 35,9% phụ huynh thấy không đáng lo ngại, có người chia sẻ: “Con nhà tôi không đánh ai bao giờ nên tôi nghĩ cháu sẽ không gây gổ với người khác, nên tôi không lo chuyện bạo lực”.
Tuy nhiên, có hơn 50% phụ huynh nhận định đúng về những vấn đề học sinh phải đương đầu như vấn đề học tập, tâm lý, về các mối quan hệ, bị đánh giá thấp, bị trêu chọc… Khảo sát về mong đợi của phụ huynh đối với nhân viên tư vấn tâm lý học đường cho thấy, phụ huynh cần nhà tâm lý học đường hỗ trợ cho con cái ở trường, đồng thời họ cần được tư vấn về những vấn đề của con như tìm hiểu tâm lý từng lứa tuổi, muốn biết cách tương tác với con như thế nào cho hiệu quả hoặc có kỹ năng giao tiếp hiệu quả với con.
TS Nguyễn Thị Hằng Phương nhận định, phụ huynh mong đợi chuyên viên tư vấn học đường là người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, tổ chức được các buổi trò chuyện, chia sẻ cho cả học sinh và phụ huynh nhằm mục đích họ hiểu con hơn để giáo dục con tốt hơn. Vì thế, việc có một phòng tham vấn tốt, có chuyên viên tâm lý học đường là vô cùng cần thiết trong các trường học.
Tác giả: Bạch Dương
Nguồn tin: Báo Infonet