Với thông điệp “Không có người mua – Không có kẻ giết” chương trình nhằm nâng cao ý thức về nạn săn bắn tê giác và kêu gọi người dân Việt Nam không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn từ sừng tê giác. Chiến lược của chương trình nhằm tăng cường ý thức của người dân về tác dụng thực sự của sừng tê giác, từ đó nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, mua sản phẩm từ sừng tê giác.
90% sừng tê giác tại Việt Nam là sừng trâu |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, cam kết sẽ hỗ trợ chiến dịch thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, góp phần thay đổi hành vi, bổ trợ kiến thức pháp luật cho người dân về các loài động vật nguy cấp. Đồng thời cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ những loại động vật này vì sự cân bằng của hệ sinh thái trái đất.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý lãnh đạo các báo đài từ trung ương đến địa phương phải tăng cường truyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, xây dựng đạo đức môi trường phù hợp.
Cũng tham dự buổi lễ công bố của WildAid, GS.TS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam lên tiếng khẳng định những cách hiểu sai lầm về tác dụng của sừng tê giác được đồn thổi lâu nay. Theo GS.Nguyễn Lân Dũng trong khoảng 2-3 năm trở lại đây nhiều thông tin được người dân truyền tai nhau về tác dụng của sừng tê giác như chữa khỏi ung thư, giải rượu, tăng khả năng tình dục nam giới, giải độc…
Tuy nhiên GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng những thông tin đó hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, việc sử dụng sừng tê giác còn có thể gây ngộ độc. “Sừng tê giác không phải thần dược chữa được bách bệnh, mà còn có thể gây ngộ độc, nhưng nhiều người biết vẫn dùng chỉ vì muốn chứng tỏ đẳng cấp, để ra oai” GS Nguyễn Lân Dũng nhận định.
Đưa ra con số khiến nhiều người kinh ngạc, ông Peter Knights – Giám đốc Điều hành Tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid cho biết: “90% lượng sừng tê giác bán tại Việt Nam thực chất là sừng trâu hoặc các loại sừng khác”.
Theo thống kê năm 1970 trên thế giới có khoảng 75.000 cá thể tê giác, đến năm 2012 chỉ còn 28.000, năm 2013 là năm nạn săn bắn tê giác lấy sừng tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết (chỉ tính riêng tại Nam Phi). Trong khi đó tính từ đầu năm 2014 đến ngày 20/2 đã có 145 con tê giác bị săn bắn trộm tại Nam Phi.
(Theo GDVN)