Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi trái thanh long được Mỹ chính thức mở cửa vào năm 2008, đến nay, các thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới về kiểm dịch thực vật (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều mở cửa cho trái cây tươi của Việt Nam.
Chưa nghiên cứu kỹ thị trường
Mỹ đã cho phép nhập khẩu thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài; Úc mở cửa cho vải, xoài, thanh long; Nhật Bản nhập thanh long, xoài… Kết quả này góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường khác trên thế giới, góp phần đa dạng hóa thị trường và tạo động lực cho nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.
Trái cây Việt đã được nhiều nước nhập khẩu nhưng lợi nhuận thu được từ cơ hội này chưa cao |
Tại buổi đối thoại của doanh nghiệp (DN) với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được tổ chức tại TP HCM mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CLB Nông nghiệp Công nghệ cao, đề nghị lãnh đạo ngành nông nghiệp cần làm việc với DN về việc phối hợp mở cửa thị trường trái cây ở nước ngoài. Theo ông Bình, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm tại Mỹ cho rằng Việt Nam thiếu nghiên cứu khi mở cửa thị trường, như trường hợp trái vải xuất sang Mỹ được xem là không thành công.
Cục Bảo vệ thực vật cũng thừa nhận thời gian qua, việc đàm phán mở cửa thị trường cho một số trái cây tươi của Việt Nam chưa được nghiên cứu kỹ về nhu cầu tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh mà chủ yếu theo đề xuất của DN. Do vậy, nhiều khi thị trường đã mở nhưng DN lại không xuất khẩu được (trái thanh long bán cho Chile), quy mô thị trường nhỏ nên lượng xuất không đáng kể (xoài, thanh long ở New Zealand) hoặc không cạnh tranh được với các nước khác có lợi thế hơn (trái vải ở Mỹ).
Về nguyên nhân, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thừa nhận chủ yếu do "thiếu kinh nghiệm". Do đó, định hướng mở cửa sắp tới của ngành nông nghiệp là tập trung vào các thị trường có giá trị và nhu cầu cao. Về mặt hàng, sẽ chọn mở cửa những loại quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có diện tích và sản lượng lớn như thanh long, xoài, nhãn, bưởi… Ngành nông nghiệp rất cần ngành công thương nghiên cứu kỹ các thị trường trọng điểm về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng trái cây tươi để làm cơ sở đàm phán, thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường xuất khẩu hiệu quả hơn.
Lợi nhuận chỉ khoảng 7%
Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tình trạng chung của DN xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường khó tính nhiều năm qua là có lãi nhưng nhiều khi cũng phải chịu lỗ. Mức lợi nhuận bình quân của các DN trong lĩnh vực này chỉ khoảng 7%. Nguyên nhân do DN phải ký hợp đồng xuất khẩu với giá không đổi trong cả năm, trong khi giá nguyên liệu mua của nông dân thì thay đổi theo mùa. Nếu giá nguyên liệu thanh long hơn 20.000 đồng/kg, nhãn Ido hơn 30.000 đồng/kg, DN chỉ có thể hòa vốn hoặc lỗ. Điều DN lo lắng nhất là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm. Chỉ một lô vi phạm an toàn thực phẩm, DN thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công. Ngoài ra, DN đó còn bị tăng tần suất kiểm tra lên 50%-100%, thay vì 5% như bình thường, làm giảm sút chất lượng hàng hóa do thời gian chờ kết quả kiểm tra.
Chi phí để đưa trái cây xuất vào các thị trường khó tính là rất cao, làm đội giá thành. Trong khi giá mua nguyên liệu nhiều lúc chỉ cao hơn giá thị trường khoảng 1-2 USD/kg nhưng chi phí đóng gói, vận chuyển lên đến 4 USD/kg (đường hàng không), chưa kể chi phí chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng.
Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc còn yêu cầu cử chuyên gia sang Việt Nam giám sát xử lý từng lô hàng xuất khẩu. Các chi phí như lương, ăn ở, đi lại… cho các chuyên gia, DN trong nước phải chi trả. Riêng chi phí cho chuyên gia Mỹ, nhà máy chiếu xạ của Việt Nam phải tốn đến 8 tỉ đồng/năm và tất nhiên, khoản này sẽ được hạch toán vào từng kg sản phẩm chiếu xạ.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Cục Bảo vệ thực vật đã nỗ lực đàm phán để phía Mỹ có thể ủy quyền cho cán bộ kiểm dịch Việt Nam thực hiện giám sát nhằm giảm chi phí cho DN trong nước. Hiện phía Mỹ đã tập huấn cho cán bộ Việt Nam, thời gian chuyển giao sẽ được công bố trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam còn đàm phán với một số thị trường để bỏ khâu chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng. Việc kiểm soát dịch hại (chủ yếu là ruồi đục quả) có thể thực hiện bằng các giải pháp canh tác, thay vì xử lý sau thu hoạch như hiện nay.
Tìm lợi thế cạnh tranh Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, dự báo sản lượng vú sữa xuất khẩu sang Mỹ sẽ không lớn. Lý do, gần như chỉ có người Việt Nam biết đến loại quả này, muốn mở rộng ra cộng đồng người châu Á, cần có nhiều thời gian quảng bá. Trong khi đó, vùng nguyên liệu vú sữa tại Việt Nam không lớn, là loại quả theo vụ, không có quanh năm. Ngoài ra, loại quả này khó bảo quản, thời gian lưu trên kệ hàng ngắn, gây khó khăn cho khâu bán hàng. "Một số mặt hàng tuy Mỹ đã có nhưng Việt Nam vẫn có thể chen chân, như trái dừa tươi (không cần phải đàm phán mở cửa do không có nguy cơ cao mang dịch bệnh), trước đây hàng của Thái Lan chiếm lĩnh thị trường này nhưng khi dừa Việt Nam xuất hiện, thị phần gần như chia đôi. Nguyên nhân là dừa Việt Nam có độ ngọt, mùi vị phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Mỹ" - ông Tùng dẫn chứng. |
Tác giả: NGỌC ÁNH
Nguồn tin: Báo Người lao động