Trong nước

Xăng VN đắt hơn Mỹ: Doanh nghiệp cười, người tiêu dùng mếu!

Không có “cương” nào kìm được sự tăng giá của doanh nghiệp xăng dầu và “doanh nghiệp xăng dầu cười – người tiêu dùng mếu”… là chuyện thường!

GS TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho biết.

Tăng giá xăng: Dân chết, doanh nghiệp kinh doanh sống khỏe

PV: – Thưa ông, thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex cho biết, từ 20h ngày 23/6, giá xăng tăng 330 đồng, tương đương 25.230 đồng một lít RON 92 và 25.730 đồng một lít RON 95 (ở vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 92 và 95 lần lượt là 25.730 và 26.240 đồng một lít.

Nếu so với giá xăng tại Mỹ thì giá xăng tại Việt Nam đắt hơn đến hơn 4.000 đồng/lít. Ông bình luận thế nào và hiện tượng này có được coi là bất thường không?  

GS TS Đặng Đình Đào: – Đây là lần thứ 4 giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá xăng lên mức cao nhất vượt cả đỉnh điểm của ngày 28/3/2013 khi đó giá xăng Ron 92 là 24.550đ, còn mức giá lần này lên tới 25.230đ (ở vùng 1). Nếu so sánh với mức giá xăng dầu tại Mỹ – nước có mức thu nhập cao hơn Việt Nam (2011) lên tới 31,7 lần thì giá xăng dầu của Việt Nam còn đắt hơn cả Mỹ đến 4.400đ/lít.

Giá xăng Việt Nam đắt hơn Châu Âu
Giá xăng Việt Nam đắt hơn Châu Âu

Nhìn vào thị trường xăng dầu Việt Nam gần 30 năm đổi mới, từ những năm 90 có 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho nhu cầu nội địa và đến nay cũng chỉ có khoảng 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu và tất cả là doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu thuộc hệ thống Petrolimex, lại trực thuộc Bộ chủ quản của mình và cơ chế điều hành giá hiện nay lại dựa chủ yếu trên đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhà nước mặc dù có sự giám sát “kiểm tra chặt chẽ” của Bộ chủ quản của chính các doanh nghiệp xăng dầu!

Với một thị trường mang tính độc quyền cao như vậy, theo tôi, động thái tăng giá xăng dầu là không có gì bất thường, có lẽ là luôn được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tính toán trước, trong đó có cả Petrolimex không phải là ngoại lệ.

Vì những lần điều chỉnh giá, với hệ thống kinh doanh xăng dầu hàng năm nhập khẩu tới 13 triệu tấn, trong đó 60% là xăng và mỗi ngày bán ra trên 2 triệu lít/ngày, khi mà tồn kho xăng dầu thực tế trong hệ thống lại chưa được kiểm kê, đánh giá một cách chính xác, công khai, minh bạch và khách quan thì người hưởng lợi ở đây chính là người bán xăng dầu (các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu), có thể hưởng lợi một khoản thu nhập khổng lồ từ chênh lệch giá?.

Còn người bị thiệt trước hết là người tiêu dùng xăng dầu trong nước và cả hàng trăm nghìn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang phấn đấu vươn lên để vượt qua khỏi khó khăn kinh tế hiện nay.

Từ sự hưởng lợi này đã có ý kiến cho rằng “doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể sống đàng hoàng” nhờ mỗi lần điều chỉnh giá. Đối với người tiêu dùng mới là “bất thường”, “bị sốc” là vì ngành xăng dầu và cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu luôn cho rằng “điều hành giá phải theo cơ chế thị trường, bám sát hơn diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, hoạt động kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn, tránh tính độc quyền…” nhưng thực tế giá xăng dầu cứ liên tục tăng, đi ngược lại hoàn toàn quy luật của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh thì bao giờ cũng làm cho giá thị trường xăng dầu giảm xuống?

PV: – Vậy có thể lý giải hiện tượng này thế nào, thưa ông?

GS TS Đặng Đình Đào: – Như trên tôi đã đề cập về thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay và đồng tình với nhiều ý kiến của một số nhà kinh tế, nguyên nhân sâu xa làm cho giá xăng dầu Việt Nam cao quá như vậy. Thậm chí còn cao hơn cả giá xăng dầu của nước có thu nhập đầu người cao gấp Việt Nam đến gần 32 lần trước hết là do thị trường xăng dầu nước ta chưa phải là thị trường cạnh tranh đúng nghĩa của nó mà là một thị trường có tính độc quyền cao, nên khi thị trường độc quyền thì giá bao giờ cũng tăng và nó chỉ được giảm khi có sự cạnh tranh thực sự trên thị trường đó.

Theo Nghị định 84, giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường và đã theo cơ chế thị trường dù có sự quản lý của nhà nước thì phải do 2 chủ thể trên thị trường quyết định, đó là những người bán xăng dầu (các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu) và người tiêu dùng xăng dầu (hàng trăm nghìn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và hàng triệu người tiêu dùng).

Nhưng thực tế lại trái ngược, đối với thị trường xăng dầu Việt Nam, cung xăng dầu lại do chính các doanh nghiệp đầu mối với mạng lưới kinh doanh thuộc các doanh nghiệp nhà nước (chỉ có 10 đầu mối nhập khẩu) lại quyết định lượng xăng dầu tung ra thị trường và luôn ở thế quyết định về giá bán, còn hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và với hơn 90 triệu dân là những người tiêu dùng xăng dầu luôn ở thế phải chấp nhận kể cả khi xăng bẩn, xăng đong thiếu do gian lận thương mại.

Thứ hai là giá xăng dầu Việt Nam cao là vì cơ sở định giá còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, minh bạch và còn cứng nhắc, chưa phân biệt rõ giữa “giá cơ sở” và giá bán lẻ xăng dầu. Trước hết là giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu, sao lại bao gồm cả chi phí kinh doanh và cứ theo giá CIP, lấy giá Platt’s tại Singapore? Trong khi chúng ta đang chủ trương đa dạng hóa thị trường?

Thay đổi tập quán mua CIP bán FOB cũng là biện pháp có thể làm giảm chi phí cho khâu nhập khẩu xăng dầu, có năm nhập khẩu lên tới 13 triệu tấn, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Thực tế, chúng ta khó có thể kiểm soát cước phí vận tải khối lượng lớn như vậy để vận chuyển xăng dầu về Việt Nam khi chúng ta không có quyền định đoạt phương tiện vận chuyển?

Thứ ba là chi phí kinh doanh định mức trong cấu thành giá cơ sở: Đây là yếu tố phức tạp nhất, thường không rõ ràng, cần phải xác định chính xác và có cơ sở khoa học nhất để khi mỗi lần điều chỉnh giá mới thuyết phục được người tiêu dùng, người dân không phải đổ lỗi cho Chính phủ.

Điều mấu chốt ở đây để hình thành giá bán lẻ xăng dầu chính là chiết khấu xăng dầu ở các khâu kinh doanh xăng dầu và đến cả chiết khấu cho các đại lý. Chiết khấu thương mại nguyên tắc chung là phải bù đắp chi phí lưu thông (logistics, chi phí kinh doanh) và bảo đảm lãi định mức cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhưng thực tế ở Việt Nam, chiết khấu này chưa được xây dựng có cơ sở khoa học, thực tiễn, thiếu sự kiểm soát và không được cơ quan nhà nước thẩm định một cách chặt chẽ.

Và ngay cả định mức hao hụt tự nhiên về xăng dầu “thở lớn”, “thở bé” với 13 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu năm đều do doanh nghiệp đầu mối tự xây dựng, ban hành và thực hiện cho nên mới có chuyện là “doanh nghiệp xăng dầu có thể sống bằng chi phí hao hụt này?”, xảy ra tình trạng chạy ngầm về mức chi hoa hồng chia cho các đại lý thường diễn ra, có khi từ 200 đồng lên tới 700 – 800/lít xăng bán lẻ và tất cả đều đổ lên giá bán lẻ xăng dầu và cuối cùng là lên đầu người tiêu dùng.

Thứ tư là việc điều chỉnh giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường độc quyền lại dựa chủ yếu vào đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong khi họ đang chi phối thị trường này. Nghe đâu trong thời gian tới Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu lại còn cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự quyết định giá trong phạm vi 3% khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành.

Với giá cơ sở hiện nay còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, chưa có hệ thống chiết khấu xăng dầu hợp lý thì cần phải được cân nhắc tính toán kỹ hơn, phù hợp với thực tế thị trường xăng dầu hiện nay để tránh nguy cơ giá xăng dầu còn tiếp tục sẽ leo thang vì cơ chế trao quyền này. Đã có chuyên gia cho rằng, không có “cương” nào kìm được sự tăng giá của doanh nghiệp xăng dầu và “doanh nghiệp xăng dầu cười – người tiêu dùng mếu”… là chuyện có thể xảy ra!

Tất cả những điều này dự báo tín hiệu về thị trường xăng dầu trong tương lai chưa thể sáng sủa, vẫn là một thị trường chưa có sự cạnh tranh thực sự, ngay cả trong tình hình như hiện nay, Bộ chủ quản của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn còn kiến nghị với Thủ tướng chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá xăng dầu thì viễn cảnh thị trường xăng dầu còn sẽ chứng kiến nhiều bất ngờ hơn đối với người tiêu dùng.

Làm méo mó thị trường, nuôi dưỡng thêm độc quyền

PV: – Trong điều kiện kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập theo đầu người thấp, giá xăng dầu tăng cao như vậy, sẽ tác động thế nào tới sản xuất trong nước, thưa ông?

GS TS Đặng Đình Đào: – Từ trước tới nay và cả trong tương lai, xăng dầu luôn giữ vị trí rất quan trọng trong danh mục các loại vật tự kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho các nhu cầu của sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống. Sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực phụ thuộc rất lớn vào loại vật tư chiến lược này.

Tuy vậy, hiện nay xăng dầu Việt Nam mới chỉ sản xuất đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại 70% lại thuộc vào nguồn nhập khẩu và năm 2013 Việt Nam đã phải bỏ ra 7,4 tỷ USD để nhập các loại xăng dầu cho các nhu cầu trong nước. Do vậy, khi tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức ép lạm phát lớn, diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh … thì điều kiện giá xăng dầu tăng cao như hiện nay chắc chắn là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Xăng dầu là đầu vào quan trọng của các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng, các ngành sản xuất, xây dựng nên khi giá xăng dầu tăng cao sẽ làm cho chi phí sản xuất lên cao, kéo theo đó giá bán sản phẩm cũng sẽ phải thay đổi, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của mình, trong khi lượng tồn kho còn lớn, thị trường đầu ra ngày càng khó khăn hơn.

Đặc biệt là thị trường logistics, với giá xăng dầu cao như hiện nay sẽ đẩy chi phí logistics tăng cao làm cho các hàng hóa dịch vụ của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực và các doanh nghiệp của chúng ta sẽ còn tiếp tục chịu thua thiệt ngay chính trên “sân nhà” của mình, bất lợi cho Việt Nam trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế trên các tuyến hành lang kinh tế với các nước trong khu vực mà Việt Nam cam kết mở cửa theo lộ trình.

Còn đối với người tiêu dùng, các hộ sử dụng xăng dầu, giá xăng dầu cao như hiện nay sẽ làm cho cuộc sống khó khăn hơn nhiều, nhất là những người có thu nhập thấp, những người làm công ăn lương vì xăng dầu lên hệ lụy kéo theo giá cả sinh hoạt đều tăng theo, lạm phát lại có nguy cơ tăng… Nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đề ra trong năm 2014 lại càng khó thực hiện hơn, niềm tin về thị trường lại suy giảm.

PV: – Ông có hài lòng với cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu hiện nay không, tại sao? Theo ông, với cơ chế quản lý như hiện nay, nó sẽ dẫn tới hệ lụy gì? Và nếu muốn thay đổi thì phải làm sao, thưa ông?

GS TS Đặng Đình Đào: – Trong giai đoạn đầu của sự vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường ở nước ta, các yếu tố của một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa của nó chưa hình thành đầy đủ thì khó có một cơ chế hoàn hảo về vận hành, quản lý kinh doanh hàng hóa nói chung và nhất là mặt hàng xăng dầu có tính chiến lược và nhạy cảm nói riêng, đáp ứng được mọi yêu cầu mà phải dần từng bước hình thành, hoàn thiện cơ chế vận hành này.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách điều tiết và quản lý xăng dầu theo Nghị định 84, với cách điều chỉnh giá còn mang tính chủ quan của phía người bán, hệ lụy làm cho người tiêu dùng luôn phản ứng dữ dội mỗi khi tăng giá là hoàn toàn có cơ sở và tôi cho rằng, cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, cần được nghiên cứu một cách thận trọng, có tính hệ thống, khách quan và cần phải tính hết các yếu tố của cơ chế này.

Với cơ chế quản lý như hiện nay, chúng ta đã làm méo mó thị trường xăng dầu, nuôi dưỡng thêm cho tính độc quyền trên thị trường và thủ tiêu động lực cạnh tranh trên một thị trường hàng hóa rất quan trọng này và hậu quả là phía cầu của thị trường mà cụ thể là người tiêu dùng xăng dầu luôn phải thua thiệt và yếu thế, đáng lẽ ra phải có tiếng nói, có vai trò quan trọng trong việc hình thành giá xăng dầu. Muốn có sự hoàn thiện và thay đổi cơ bản cơ chế này, theo chúng tôi, cần có sự nghiên cứu giải quyết và làm rõ được một số vấn đề sau:

– Về mặt hàng xăng dầu, cơ chế mới cần xác định, làm rõ vai trò và các quyền của các chủ thể tham gia trên thị trường, đặc biệt là giới tiêu dùng xăng dầu (người mua xăng dầu), giới sản xuất, cung ứng xăng dầu (các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu) và cả “bàn tay” của nhà nước.

– Cần minh bạch và phân định rõ “giá cơ sở” với giá bán lẻ xăng dầu để khi có sự thay đổi về giá cơ sở thì có đầy đủ căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ vì hình như trong Nghị định 84 “giá cơ sở” và giá bán lẻ với các yếu tố của nó còn có sự nhập nhằng?

– Khi giá cơ sở đã rõ ràng, minh bạch thì giá bán xăng dầu thực chất lại là bài toán chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu mà ở đây chính là hệ thống chiết khấu trong các khâu kinh doanh xăng dầu có phân biệt theo hình thức bán, cần được xây dựng có cơ sở khoa học và có sự thẩm định của cơ quan có thẩm quyền. Không được để các doanh nghiệp tự mình định giá chiết khấu, hay là hoa hồng đại lý và cả vấn đề dự trữ xăng dầu, dự trữ quốc gia về xăng dầu và tồn kho thực tế xăng dầu cũng cần được tách bạch, rõ ràng, có cơ chế giám sát minh bạch.

– Chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở cũng cần được luận giải tách bạch rõ ràng để tránh hiện tượng khi chi phí kinh doanh tăng do quản lý và kinh doanh yếu kém mà đẩy giá cơ sở tăng để rồi lại điều chỉnh giá bán lẻ và mọi thứ lại đổ lên đầu người tiêu dùng hay nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp.

– Nghiên cứu cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá. Quỹ này cũng cần bổ sung nguồn trích lập không chỉ dựa vào người tiêu dùng, nhà nước mà bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải trích một tỷ lệ nhất định từ lợi nhuận cho quỹ này vì thực tế doanh nghiệp xăng dầu luôn ở thế hưởng lợi. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong kinh doanh, không thể đổ hết lên người tiêu dùng và không nên giao quỹ bình ổn giá cho doanh nghiệp xăng dầu tự quản lý mà nhà nước phải quản lý.

– Rào cản gia nhập thị trường xăng dầu cũng cần được xem xét lại để tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế tham gia thị trường xăng dầu để bảo đảm sự cạnh tranh thực sự, không để tình trạng gần 30 năm đổi mới mà thị trường xăng dầu Việt Nam chỉ có khoảng 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều là doanh nghiệp nhà nước.

– Cần sớm phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về xăng dầu với chức năng quản lý kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp. Trong khi chưa phân định rõ được 2 chức năng này thì trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, việc thêm quyền tăng giá xăng dầu cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải được cân nhắc và có lẽ chỉ nên trao quyền ở một mức độ nhất định mà phải tăng cường hơn nữa sự quản lý của nhà nước đối với thị trường.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Nguyễn Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP