TP Hà Tĩnh

Vụ án tham ô tài sản tại Công ty Cao su Hà Tĩnh: Giấy tờ “ma” và khoản đền bù khống 5,2 tỷ đồng

Được giao rừng để triển khai dự án trồng rừng cao su nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Hà Tĩnh (Công ty Cao su Hà Tĩnh) lại móc nối với một doanh nghiệp khác lập khống hồ sơ đền bù cho người dân để hưởng khoản đền bù 5,2 tỷ đồng.

Thương vụ làm ăn” trên của Công ty cao su Hà Tĩnh và Công ty chế biến xuất khẩu gỗ Đại Phát (Công ty Đại Phát) bị phát lộ sau khi người dân xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) gửi đơn đến các cơ quan chức năng và Báo Đời sống & Tiêu dùng đề nghị xác minh việc những người dân nơi đây bị người khác sử dụng tên tuổi, thủ tục nhận tiền đền bù, hỗ trợ.

Theo đó, người dân xóm 1 và xóm 4 xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm 2010, Công ty cao su Hà Tĩnh nhận đất trồng cao su với chủ trương thu hồi đất của dân, thanh toán tiền đền bù sòng phẳng. Trên giấy tờ thể hiện người dân đã được thanh toán, hộ nhiều nhất là 405 triệu, hộ ít nhất là 18 triệu… nhưng thực tế, người dân chưa nhận được đồng xu nào!”.


Người dân xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên bức xúc vì bị làm khống hồ sơ để rút tiền.

Theo tài liệu mà phóng viên Đời sống & Tiêu dùng thu thập được, mặc dù được thuê đất trồng cao su của nhà nước, cụ thể là diện tích đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên nhưng Công ty cao su Hà Tĩnh lại lập hồ sơ thanh toán tiền cho Công ty Đại Phát với số tiền 5,2 tỷ đồng (trong đó có trên 2,5 tỷ đồng là tiền đền bù cho các hộ dân).

Ngày 10/5/2010, đại diện Công ty cao su Hà Tĩnh có biên bản làm việc thống nhất việc thuê đất trồng cây cao su trên đất đã giao BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên.

Văn bản có nội dung: “Hai bên thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền cho Công ty Cao su Hà Tĩnh làm thủ tục khảo sát thuê đất để trồng cây cao su diện tích 1.178 ha đất tự nhiên; trong đó: xã Cẩm Quan 417 ha, tại Tiểu khu 310: 150 ha, Tiểu khu 311: 267 ha; xã Cẩm Mỹ” 762 ha: Tại tiểu khu 314b: 621 ha; Tiểu khu 315: 141 ha (đã được thống nhất giữa Công ty Cao su Hà Tĩnh với Công ty CP CB gỗ xuất khẩu Đại Phát ngày 17/4/2010).

Ngày 5/01/1011, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – ông Lê Đình Sơn đã ký Quyết định số 25/ QB-UBND về việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp tại xã Cẩm Quan và Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên.

Nội dung quyết định ghi rõ: Cho phép chuyển 924,56 ha rừng và đất chưa có rừng, gồm 146 lô, nằm trên địa bàn hành chính 2 xã Cẩm Quan và Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, hiện đang do Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên Quản lý (thuộc quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 – 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt) sang trồng cây cao su cho Công ty cao su Hà Tĩnh làm các thủ tục tiếp theo, trong đó: diện tích chưa có rừng 279,98 ha; diện tích có rừng 644,67 ha, gồm: ngân sách nhà nước đầu tư 269,0 ha (trong đó dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất 83,9 ha); Ban tự trồng và liên doanh, liên kết 142,11 ha, hộ nhận khoán 233,85 ha.

Trong Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, không hề có thông tin nào liên quan Công ty Đại Phát, cũng như không có diện tích đất rừng của Công ty Đại Phát tại rừng thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Cẩm Xuyên quản lý.

Thế nhưng trước đó, ngày 12/5/2010, Công ty Cao su Hà Tĩnh có biên bản thỏa thuận đền bù 5,2 tỷ đồng cho Công ty Đại Phát.

Theo thỏa thuận, “Công ty Đại phát nhất trí chuyển giao toàn bộ diện tích đất mà Công ty Đại Phát được hợp tác trồng rừng nguyên liệu với Ban quản lý Rừng phòng hộ Cẩm Xuyên theo Giấy chứng nhận đầu tư số 28121000035 ngày 09/09/2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, nay trùng với quy hoạch trồng cây cao su của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020, có diện tích 762 ha (tại Tiểu khu 314b: 621 ha; Tiểu khu 315: 141 ha) thuộc địa giới hành chính xã Cẩm Mỹ cho Công ty cao su để làm thủ tục thuê đất trồng cao su với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.


Nguyễn Văn Hà và Ngô Đăng Khoa phải “tra tay vào còng” để phục vụ công tác điều tra.

Đồng thời nhất trí để Công ty cao su làm việc với BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên và các cơ quan chức năng về việc tổ chức trồng cây cao su tại vùng đã lập dự án Đại Phát nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt cấp phép đầu tư tại giấy chứng nhận đầu tư số 28121000035 ngày 09/09/2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, diện tích 417 ha thuộc địa giới xã Cẩm Quan.

Công ty cao su Hà Tĩnh nhất trí trả cho Công ty Đại Phát 5,2 tỷ đồng là chi phí cơ hội đầu tư và chi phí của công ty Đại Phát đã bỏ ra trong quá trình hoạt động làm các thủ tục cần thiết để được cấp phép đầu tư trên diện tích rừng trùng với diện tích trồng cao su”.

Thỏa thuận đã rõ ràng nhưng tại sao nguyên nhân về sự thỏa thuận này chắc chỉ lãnh đạo Công ty Cao su Hà Tĩnh và Công ty Đại Phát mới hay biết!

Theo nội dung đã thống nhất, Công ty cao su Hà Tĩnh đã thanh toán chuyển số tiền 5,2 tỷ đồng cho Công ty Đại Phát thông qua 3 lần chuyển tiền từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2011. Trong đó có “chi phí đầu tư trên diện tích thu hồi các hộ dân giao khoán trồng rừng nguyên liệu” là 2,52 tỷ đồng.

Liền sau đó, Công ty Đại Phát bắt đầu làm thủ tục đền bù, hỗ trợ cho người dân trong khu vực. Các giấy tờ liên quan thể hiện người dân đã nhận tiền dần được thiết lập, con số chi đền bù lên đến hàng tỷ đồng… nhưng lạ thay, người dân không hề hay biết rằng mình được nhận đền bù chứ chưa nói đến việc họ cầm được một xu tiền đền bù hỗ trợ!

Trên thực tế, thời điểm đó công ty Đại Phát chưa đầu tư gì trên diện tích trồng rừng nguyên liệu tại địa phương này. Số diện tích đất này do người dân xã Cẩm Mỹ trực tiếp trồng rừng và bảo vệ rừng theo các dự án trồng rừng nguyên liệu và dự án trồng rừng 661 của nhà nước, thuộc BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên quản, bảo vệ.

Rõ ràng, Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ giao thu hồi rừng phòng hộ Cẩm Xuyên giao Công ty cao su Hà Tĩnh thuê chứ không phải là Công ty Đại Phát.

Thế nhưng trong quá trình thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đại Phát lại xuất hiện trong một thỏa thuận, nhận hàng tỷ đồng mà nhẽ ra, số tiền đó là khoản đền bù, hỗ trợ cho người dân được giao khoán trồng rừng hay Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên.

Tại sao lại có “thương vụ làm ăn” giữa Công ty Cao su Hà Tĩnh và Công ty Đại Phát? Số tiền 5,2 tỷ đồng chênh ra từ việc lập khống hồ sơ đã được sử dụng như thế nào hay rơi vào cá nhân nào, Tập đoàn Cao su Việt Nam có buông lỏng quản lý để công ty thành viên cố tình làm trái pháp luật?

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Clip phản ánh Vụ án tham ô tài sản tại Công ty Cao su Hà Tĩnh của VTV.

Ngày 31/7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Tham ô tài sản, quy định tại điều 278 Bộ luật hình sự , xảy ra tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh.

Ngày 22/8, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam có thời hạn 4 tháng đối với 2 bị can: Nguyễn Văn Hà (SN 1971), Giám đốc Công ty Đại Phát, quê huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và Ngô Đăng Khoa (SN 1973), nguyên Trưởng BQL Rừng phòng hộ Cẩm Xuyên, quê huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An về tội “Tham ô tài sản” được quy định tại điều 278, Bộ Luật hình sự

Tổng Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh xảy ra sự việc trên là ông Trần Ngọc Sơn. Hiện ông này đã được điều chuyển công tác về làm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Ông Sơn vẫn đang tiếp tục công tác và chưa bị truy cứu trách nhiệm về những sự việc xảy ra trên đây.

Nhóm PV điều tra Đời sống & Tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP