Dự án cấp bách, 5 năm mới hoàn thiện
Là một trong những hộ dân có nhà ở ngay trong vùng “rốn lũ”, từ năm 2017 khi chính quyền có chủ trương xây dựng khu TĐC ở vùng đất mới, cao ráo hơn để tránh ngập, ông Ngô Xuân Giáp (SN 1977), trú tại thôn Trung Thượng, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã háo hức gửi đơn xin được cấp đất tại nơi ở mới.
Hạng mục duy nhất hoàn thiện ở khu tái định cư là công trình nhà văn hóa. |
Anh Giáp kể, lý do anh muốn chuyển đến nơi ở mới là vì hằng năm, cứ đến mùa lũ là gia đình 6 nhân khẩu của anh lại tất tả chạy lũ, đỉnh điểm như trận lũ lịch sử năm 2010, lũ ngập đến tận nóc nhà, cả gia đình phải di chuyển lên nhà thờ để tránh lũ. Cũng không riêng gì gia đình anh Giáp, hơn 200 hộ dân của xã khi nghe tin có dự án, cũng đã gửi đơn xin được cấp đất để di chuyển về nơi ở mới.
Trước nhu cầu cấp thiết đó của người dân, tháng 10/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho nhân dân xã Phương Mỹ” (nay thuộc xã Điền Mỹ). Dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, triển khai trên diện tích sử dụng đất 21,6ha thuộc khu vực Cồn Hội, xã Điền Mỹ. Tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng từ ngân sách và một phần vốn hợp pháp do UBND huyện Hương Khê huy động. Dự án do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc và Công ty CP Xây dựng Sông Ba, cùng có trụ sở tại thị trấn Hương Khê đảm nhận thi công.
Mặc dù có hơn 200 hộ dân đăng kí xin cấp đất, song quy mô dự án chỉ giải quyết 165 hộ dân thường xuyên bị ngập lũ của 2 thôn Trung Thượng và Ấp Tiến, xã Điền Mỹ. Theo đó, các hạng mục chính của dự án là san lấp hạ tầng, đầu tư xây dựng 9 tuyến đường với tổng chiều dài gần 3km và khoảng 2,6km mương thoát nước; đầu tư hệ thống điện với các đường dây trung áp, trạm biến áp và đường dây hạ áp; Xây dựng nhà văn hóa…
Mỗi hộ dân thuộc diện di dời sẽ được cấp 1 suất đất miễn phí để xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ với diện tích từ 360 - 390m2. Theo dự kiến, đến năm 2019 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thế nhưng, dự án đến cuối năm 2020 mới triển khai thực hiện và đầu năm 2023 thì cơ bản hoàn thiện và bàn giao cho địa phương.
Trong quá trình mòn mỏi chờ đợi dự án, do ám ảnh mùa mưa lũ, cộng với việc nhìn thấy quá nhiều bất cập trong việc thực hiện dự án, cùng với đó là những điều kiện bất hợp lý đi kèm từ chính quyền đặt ra, hàng trăm hộ dân ở vùng lũ đã đồng loạt “quay lưng”. Dẫn đến nghịch lý trước khi tiến hành khảo sát để xây dựng, phần lớn người dân đều có đơn đến nơi ở mới, nhưng khi hạ tầng khu tái định cư xây dựng xong, thì tất cả cũng đã xây dựng xong nhà vượt lũ kiên cố tại nơi ở cũ, dẫn đến khu TĐC đứng trước nguy cơ không có người đến TĐC.
Vì sao người dân đồng loạt “quay lưng” với nơi ở mới?
Ông Nguyễn Văn Giao (SN 1967), một người dân xã Điền Mỹ thuộc diện di dời đến nơi ở mới cho rằng, khu TĐC được xây dựng ở khu Cồn Hội, trước đây là khu vực nghĩa trang, khiến nhiều người e ngại khi đến sinh sống. Ngoài ra, thời điểm này nước sạch cũng chưa có, hạ tầng không đảm bảo khi chỉ hạ cấp đất đồi chứ không tiến hành làm kè sạt lở, nguy cơ sạt lở đất khi mưa lũ là điều hiện hữu.
Điều đáng nói, để về nơi ở mới, mỗi người dân được UBND xã soạn sẵn cho cái gọi là “Đơn đăng ký tái định cư và cam kết ở ổn định lâu dài tại vùng tránh lũ Cồn Hội”. Trong đó, yêu cầu các hộ gia đình tự bố trí kinh phí để tháo dỡ nhà cửa, các công trình phụ trợ tại nơi ở cũ để đến xây dựng nhà ở kiên cố, lâu dài tại nơi ở mới. Sau khi nhận bàn giao thực địa ở khu tái định cư, buộc phải bàn giao sổ đỏ tại nơi ở cũ để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất sản xuất trồng cây lâu năm. Trong thời gian 2 năm tại nơi ở mới, chính quyền yêu cầu người dân phải hoàn thành xây nhà ở kiên cố đảm bảo 3 cứng: mái cứng, khung cứng và nền cứng thì mới được cấp bìa đỏ.
Những quy định này, theo người dân là bất cập và hết sức vô lý. Đơn cử như khu vườn của ông Ngô Xuân Giáp ở hiện tại, có diện tích hơn 2.000m2, hệ thống nhà cửa và công trình phụ trợ xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho 6 nhân khẩu. Chuyển đến nơi ở mới, gia đình ông buộc phải tháo dỡ toàn bộ, bỏ chi phí ra để xây dựng mới trên diện tích đất chưa đến 400m2 là quá tốn kém và chật hẹp để sử dụng. Do đó, ông đã chọn phương án bỏ tiền ra xây nhà tránh lũ kiên cố, và chọn phương án ở lại chốn cũ. Lựa chọn của ông cũng là cách làm của hàng trăm hộ dân Điền Mỹ khác, dù trước đó đã có đơn xin được cấp đất ở tại khu TĐC.
Đầu tháng 2/2023, có mặt tại dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho nhân dân xã Phương Mỹ”, phóng viên ghi nhận, những lo ngại của người dân về chất lượng công trình và những bất cập có thể phát sinh trong quá trình sử dụng là có cơ sở. Để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã san phẳng hơn nửa quả đồi, phù hợp với tiêu chí tránh lũ, song dự án hạ cấp nhưng chỉ bạt mái taluy chứ không tiến hành kè chống sạt lở, cũng không làm hệ thống mương thoát nước chảy từ phía trên đỉnh núi.
Hệ quả là chỉ sau một vài trận mưa, đất đá từ trên núi cao đã đổ xuống, lấp đầy mương thoát nước chưa có nắp đậy, buộc đơn vị thi công phải tiến hành nạo vét, tại một số vị trí đã xảy ra sạt lở đất. Ngoài ra, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được đầu tư hệ thống nước sạch, công trình duy nhất tồn tại là nhà văn hóa được xây dựng khang trang, nhưng chưa một lần được sử dụng. Những bất cập đó khiến người dân vùng rốn lũ e ngại, quyết định nói không với nơi ở mới khi cho rằng, tuy tránh được lũ nhưng cuộc sống sẽ bất ổn.
Ông Trần Tiến Chương, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cho biết, thời điểm hiện tại chỉ mới có 15 hộ dân đủ điều kiện và chấp nhận đến nơi ở mới, khi các hộ này chưa có nhà tránh lũ. Đến tháng 1/2023, chủ đầu tư mới tiến hành bàn giao mặt bằng cho địa phương. Hiện, xã đang phối hợp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hương Khê phân lô, cắm mốc.
Dự kiến, trong thời gian tới khi thực hiện xong việc cắm mốc mặt bằng, sẽ tiến hành di dời đợt 1 đối với 15 hộ dân đủ điều kiện. Ông Chương cũng thừa nhận, nếu thực hiện việc di dời cả một khu dân cư đến vị trí TĐC thì chắc chắn sẽ không thực hiện được, mà xây dự án là để phục vụ lâu dài, dành cho các đối tượng phát sinh sau này.
Đại diện chủ đầu tư là UBND huyện Hương Khê cho rằng, dự án không triển khai theo đúng tiến độ đề ra là do quá trình sáp nhập địa giới hành chính xã, cùng với đó trong quá trình thi công, một số hộ dân trồng cây lâm nghiệp trên đất, không chịu bàn giao mặt bằng buộc phải tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công.
Bỏ ra số tiền hơn 41 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước để xây dựng khu TĐC tránh lũ nhưng nguy cơ không có người ở đang hiện hữu, là sự lãng phí ngân sách không hề nhẹ. Cần xem xét trách nhiệm của các nhà thầu khi để việc thi công quá chậm, kéo dài trong nhiều năm đã khiến dự án về đích chậm tiến độ. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần giám sát chặt chẽ các khâu, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh để quá trình thực hiện dự án này đạt được mục tiêu đề ra.
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân