Trao đổi với phóng viên, xung quanh vấn đề xả thải ra môi trường của Formosa Hà Tĩnh liên hệ đến chính sách thu hút đầu tư của các địa phương nói chung, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đây là “tiếng chuông dữ dội” cảnh báo về hậu quả môi trường trong quá trình phát triển.
Vị chuyên gia cho rằng, việc theo đuổi tăng trưởng là cần thiết, nhưng không phải là bằng cách đánh đổi hay tăng trưởng bằng mọi giá. Trên thực tế, không có ngành nào là hoàn toàn không ô nhiễm và ngược lại, kể cả những ngành rủi ro ô nhiễm cao như dệt nhuộm thì vẫn đều xử lý được chất thải. Quan trọng là khâu xử lý chất thải được thực thi như thế nào.
“Đây là khâu quan trọng nhất nhưng lại thường bị bỏ qua, không được chú ý một cách nghiêm túc trong quá trình thu hút đầu tư”, ông Thành nhận xét. Đã đành là nhà đầu tư gian lận ở vấn đề này vì chi phí cho xử lý chất thải rất cao, nhưng một phần nguyên nhân để xảy ra hậu quả lớn như trường hợp Formosa là sự buông lỏng của cơ quan quản lý.
Thực tế chỉ ra rằng, sai lầm của một số địa phương là vì áp lực tăng trưởng nên đã dung túng cho những hành vi sai trái của các nhà đầu tư. “Chúng ta nghĩ rằng nếu tăng chi phí bảo vệ môi trường lên quá thì nhà đầu tư họ không vào nữa, trong khi chúng ta cần dự án, cần tăng trưởng”, ông Thành đánh giá.
Theo Viện trưởng VEPR, địa phương không nên cực đoan đến mức từ chối tất cả các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, không nên cấm đoán hay loại hồ sơ dự án ngay từ đầu nhưng phải đặt ra những điều kiện đầu tư, những tiêu chuẩn về môi trường một cách nghiêm ngặt. Lúc đó, bản thân chủ đầu tư sẽ xem xét, cân nhắc, nếu họ tự cảm thấy không đáp ứng được thì họ sẽ tự rút lui.
“Riêng về trường hợp Formosa, nếu đội ngũ cơ quan quản lý thực sự có năng lực trong việc kiểm soát vấn đề môi trường thì phải giám sát chặt chẽ dự án, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng theo cam kết. Nếu ở lại, Formosa buộc phải tuân thủ nguyên tắc mà đã cam kết với chúng ta về vấn đề môi trường. Ngược lại, nếu cho rằng chi phí cho việc xử lý chất thải và những vấn đề môi trường khác quá lớn, họ có thể tự đóng cửa, rút lui chứ không cần bất cứ mệnh lệnh hành chính nào”, ông Thành phân tích.
Chuyên gia Phạm Sỹ Thành cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam luôn tái diễn và trầm trọng đó là năng lực thực thi giám sát hạn chế.
Khi chủ đầu tư cam kết sử dụng công nghệ hiện đại (loại A), vấn đề là cơ quan quản lý phải giám sát được thực tiễn liệu nhà đầu tư có thực hiện đúng như cam kết hay không, hay là âm thầm đưa vào công nghệ “fake” loại B, loại C vào sử dụng?
“Vấn đề là chúng ta phải giám sát được quá trình thực hiện của dự án, ngăn chặn được rủi ro môi trường chứ không phải là chờ đến khi dự án đó xả thải ra môi trường, khiến môi trường ô nhiễm rồi thì mới phát hiện ra, rồi kiểm điểm trách nhiệm và xử phạt” – TS. Phạm Sỹ Thành nhận xét.
Ngoài ra, TS. Phạm Sỹ Thành cũng đánh giá, “chúng ta thiếu người và thiếu kinh phí để giám sát đã đành, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, không ít đơn vị chức năng còn tình trạng qua loa đại khái chỉ nhằm báo cáo hành chính cho xong việc; chức năng kiểm tra, giám sát còn chồng chéo giữa các cơ quan khác nhau”.
Nhận xét quản lý môi trường là vấn đề rất khó, cần có năng lực, công nghệ và sự nghiêm túc, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cho rằng, tuyệt đối không được tư lợi cá nhân, không thể vì trục lợi mà “vẽ đường cho hươu chạy”, bao che cho những hành vi sai trái.
Ông Nguyễn Đức Thành cũng cảnh báo, nếu chỉ vì thành tích thu hút đầu tư mà không bảo đảm được một cơ chế bảo vệ môi trường hữu hiệu, không xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm thì thiệt hại cho xã hội và người dân là rất lớn, đe dọa cuốn trôi những nỗ lực tăng trưởng và ổn định kinh tế – xã hội.
Mặc dù chưa thực hiện một ước lượng nghiêm ngặt về những tổn thất này, VEPR ước tính sơ bộ mức tổn thất vượt qua rất nhiều so với con số 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường.
Theo đánh giá của VEPR, tác động về mặt kinh tế của hiện tượng cá chết hàng loạt sẽ thông qua hai kênh. Thứ nhất, hiện tượng này tác động trực tiếp tới những ngành có liên quan như nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, nghề muối và ngành du lịch. Thứ hai, trong trung và dài hạn, nhiều ngành khác trong nền kinh tế sẽ chịu tác động lan tỏa dây chuyền sau những tác động trực tiếp.
Ngoài ra, những thiệt hại về môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, uy tín chỉ dẫn địa lý, sinh kế người dân và gắn kết xã hội là lâu dài, to lớn và rất khó đánh giá.
Trước đó, theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp. Trong đó, riêng Quảng Bình ước tính bị thiệt hại trực tiếp khoảng 2.655 tỷ đồng sau ba tháng, dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng đến hết năm 2016.
Nói về con số 500 triệu USD, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp. Còn thiệt hại lớn hơn nhiều như tổn tương tâm lý, các hệ lụy khác… vẫn chưa tính được.
Bích Diệp