Nhan nhản cho thuê, bán nhà
Cách đây chỉ vài năm, có lẽ, trên cả nước không đâu như Kỳ Anh, cảnh tắc đường lại xảy ra thường xuyên tại những xã nghèo như Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, dưới chân đèo Ngang này. Các nhà thầu từ khắp nơi túa về phục vụ đại công trường Formosa, đỉnh điểm đến 50 nghìn người. Tan ca, công nhân ra đường đông như trẩy hội.
Cùng với đó, hàng quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị (thậm chí, hệ thống siêu thị điện máy có tiếng tại TPHCM cũng về đây mở điểm bán), điểm hát karaoke, chơi game, massage … mọc lên như nấm bao quanh cổng Formosa, đặc biệt là địa bàn các phường Kỳ Liên, Kỳ Phương (sau khi lập thị xã Kỳ Anh, hai xã này đã được lên phường). Hầu hết các biển bảng dịch vụ tại đây đều ghi thêm các dòng chữ bằng tiếng Trung để phục vụ khách Trung Quốc và Đài Loan.
Nay đi dọc tuyến quốc lộ 1 xuyên qua các khu vực này, khung cảnh tấp nập đó đột ngột mất đi. Anh S – chủ hệ thống Karaoke CT nổi tiếng ở Kỳ Phương, trước cổng Formosa nói: Hệ thống Karaoke 3 tầng do anh đầu tư lúc thịnh nhất buổi trưa, chiều, tối đều kín phòng. “Có hôm, nhân viên chưa kịp dọn, khách mới đã ùa vào. Mỗi ngày doanh thu vài chục triệu, mỗi tháng kiếm 500- 600 triệu đồng bỏ túi là hết sức bình thường”- anh S nói. Đến nay, mỗi đêm, hệ thống của anh chỉ vài tốp khách vào hát, doanh thu chỉ đủ để duy trì, trả lương nhân viên. Tích cóp tiền, anh S mới xây dựng thêm khách sạn 5 tầng, lớn nhất Kỳ Phương nhưng khách khứa ra vào lác đác.
Chỉ vào những toà nhà đồ sộ phía trong Formosa, anh S nói: “Anh nhìn xem, họ xây hẳn nhà ở, khách sạn trong đó, nghe nói còn có cả khu giải trí. Thử hỏi, dân chúng tôi sao địch nổi. Ngoài này, hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán hát, dân không biết cứ cắm đầu đầu tư. Giờ hoạt động cầm chừng, có nhà bỏ không muốn làm, bán đi không được”.
Các hàng ăn, quán nhậu cũng chịu sức ép lớn nhất từ những thay đổi của Formosa. Trinh Tuyết là một trong những quán bia đông khách nhất ở Kỳ Phương, trước đây, mỗi lần mở hàng, hơn hai chục bàn ăn gần như lập tức đầy khách. Hết tốp khách này đến tốp khác, thay nhau ăn nhậu từ chiều đến đêm khuya. Bà chủ quán còn thức thời, nấu các món ăn Đài Loan để phục vụ các khách là chuyên gia, kỹ sư của họ.
Ảnh hưởng nặng nề nhất là hệ thống 18 nhà nổi bán hải sản tươi sống ở cảng Vũng Áng. Từ ngày có sự cố cá chết đến nay, các quán nổi này hầu như không có khách. Từ chỗ ngày bán vài tạ mực nhảy, nay cả hệ thống chưa bán nổi chục kg. Chúng tôi vào quán Anh Tiến giữa giờ ăn trưa, ông chủ quán vẫn nằm trên võng trong tiếng kẽo kẹt phát ra xung quanh nhà mỗi khi sóng vỗ.
Dọc Quốc lộ 1 A qua thị xã trẻ hơn 1 tuổi (thậm chí nhiều bài hát đã được sáng tác đề cập đến một thành phố Kỳ Anh trong tương lai) những ngày này có nhiều bảng biển cho thuê, bán nhà. Anh H, một nhà đầu tư đất tại Hà Tĩnh cho hay, hai tháng trước, anh lỡ xuống tay đấu giá hai mảnh đất tại xã Kỳ Liên 1,5 tỷ đồng.
Nay, sau sự cố cá chết, rao bán 800 triệu đồng chưa có người mua. Vào thăm ông giáo già ở phường Sông Trí, trung tâm thị xã Kỳ Anh, cách Formosa gần 15 km, ông nói: Tới đây hàng loạt cột khói của Formosa hoạt động, để tránh ô nhiễm, ông cũng tính bán nhà chuyển theo con ra Hà Nội.
Formosa tuyển công nhân Việt thạo tiếng Trung
Để hình thành một đô thị, đặc biệt là đô thị gắn với công nghiệp, điều đầu tiên phải tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho dân cư. Tuy nhiên, Formosa với vai trò là trung tâm công nghiệp của Khu kinh tế Vũng Áng, mở rộng ra là thị xã Kỳ Anh đang có nhiều rào cản lớn đối với con em bản địa.
Hỏi nhiều người dân Kỳ Anh về việc con em họ có được vào làm việc cho Formosa dài hạn hay không đều chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nguyên nhân vì Formosa đặt ra yêu cầu tuyển người, kể cả công nhân đều phải biết tiếng Trung. Vì không biết tiếng, sau một thời gian từ miền Nam và miền Bắc về làm cho Formosa, thanh niên trai tráng của Kỳ Anh lại lục tục kéo nhau ra Bắc vào Nam mưu sinh.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, số lao động chính thức làm cho chủ đầu tư Formosa tính đến cuối tháng 6/2016 là 6.300 người; trong đó có đến hơn 1.200 người nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan). Đây là một tỷ lệ không hề bình thường so với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Trong số hơn 5.000 lao động Việt Nam, việc con em ở Kỳ Anh có được việc làm tại Formosa đã, đang và sẽ không hề dễ.
Để chuẩn bị từ trước bước chuyển nghề cho người dân Kỳ Anh, từ nguồn vốn trung ương, tỉnh Hà Tĩnh và xã hội hoá, Trường Cao đẳng nghề Hà Tĩnh, phân hiệu Vũng Áng đã được đầu tư bề thế với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng (đã triển khai giải ngân được khoảng 200 tỷ đồng). Phòng học, nhà xưởng thực tập đã xong nhưng trường luôn rơi vào cảnh thiếu học viên. Ông Trần Quốc Hoàn, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho hay có các cơ quan chức năng vào làm việc với Formosa nhưng số lượng học viên được đào tạo, gắn với giải quyết việc làm rất ít.
“Họ nói sẵn sàng hợp tác nhưng thực tế khi tuyển dụng lại khác, không được mấy học viên được nhận vào làm việc. Cái khó nhất của họ đặt ra là trình độ công nhân cũng phải biết thạo tiếng Trung. Chúng tôi lập chương trình đào tạo tiếng Trung nhưng công nhân thấy khó, không theo học. Đến cả nhà máy Samsung ở Thái Nguyên, họ tuyển công nhân cũng chỉ tốt nghiệp phổ thông, không cần biết tiếng Anh hay tiếng Hàn, việc Formosa đặt ra yêu cầu này như bắt bí công nhân”.
Ông Hoàn cho hay, với quy mô lao động 50.000 người dân bản địa tại thị xã Kỳ Anh, trong điều kiện nghề biển khó khăn sau sự cố môi trường, việc chuyển đổi nghề hết sức cấp bách. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm việc với Formosa để họ đưa ra tiêu chí đào tạo nghề cụ thể và ký cam kết nhận lao động. Giờ lao động ở đây được tỉnh hỗ trợ học phí, nếu chúng tôi đào tạo không đạt như yêu cầu của Formosa, sẵn sàng trả lại phí lại cho tỉnh. Riêng tiếng Trung không nên yêu cầu với trình độ công nhân. Nếu không làm ngay, con em Hà Tĩnh vốn có đặc tính thích đi làm ăn xa sẽ tiếp tục ra đi” – ông Hoàn nói.
________________
(Còn nữa)
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch thị xã Kỳ Anh thừa nhận, đời sống của người dân xung quanh Formosa giờ đang hẫng khi công trình Formosa hoàn thiện, các nhà thầu rút đi. Tâm lý người dân bất ổn sau sự cố môi trường. Ông Thịnh cho biết, tới đây, thị xã phải sẽ khảo sát lại tình hình- kinh tế xã hội để đưa ra những quy hoạch, khuyến cáo cho người dân trong đầu tư, làm ăn, tập trung chú trọng đến công tác chuyển đổi nghề.
Thị xã Kỳ Anh được công bố thành lập vào ngày 16/5/2015. Theo đó, thị xã Kỳ Anh có tổng diện tích 28.025,03 ha, 85.508 nhân khẩu gồm 6 phường (Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh và phường Sông Trí) và 6 xã (Kỳ Hà, Kỳ Hoa, Kỳ Hưng, Kỳ Lợi, Kỳ Nam, Kỳ Ninh). Ngày công bố quyết định, ông Võ Kim Cự – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói: “Đây không chỉ là vinh dự lớn lao của Hà Tĩnh, của thị xã Kỳ Anh mà còn là tiền đề quan trọng để tăng tỷ lệ đô thị hóa, thúc đẩy KT – XH phát triển, tạo điều kiện để các địa phương phát triển nhanh hơn, gắn phát triển nông nghiệp – nông thôn với công nghiệp – dịch vụ – đô thị. Dù là thị xã mới thành lập nhưng đây là địa phương tập trung hầu hết các dự án lớn của tỉnh, là trọng điểm thu ngân sách nên tỉnh quyết tâm, nỗ lực hết mình để đầu tư, hỗ trợ, xây dựng “đầu tàu” này phát triển toàn diện, bền vững, đúng định hướng, tạo vóc dáng mới…”.
Sỹ Lực – Đức Anh