Trong nước

Tình mẫu tử qua 60 bức thư của chàng lính trẻ hy sinh ở tuổi 20: "Ngày chiến thắng trở về, con sẽ sống với mẹ đến trọn đời"

Sau 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 60 bức thư của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng được giới thiệu như mở ra một góc nhìn khác của chiến tranh, ở đó vẫn khốc liệt vẫn gian khổ nhưng đầy ắp tình yêu thương của những đứa con xa nhà.

Gần 50 năm trước có một người cha đã tìm đến nhà văn Nguyễn Công Hoan để mượn ông đặt tên cho cuốn sách lưu lại 60 lá thư của người con trai vừa hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Người cha tên Phạm Ngọc Xứng (SN 1921) và 60 lá thư chân phương chứa đựng muôn vàn yêu thương của cậu con trai Phạm Ngọc Hùng đã khiến nhà văn không khỏi cảm động.

Vài ngày sau, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã tìm đến sở làm của ông Xứng nhưng không gặp, ông cất công đến nhà nhưng vẫn không có duyên, vì vậy ông đã mượn tờ giấy rồi để lại vài chữ cho người cha:


Kính gửi ông Xứng,

Tôi đến phòng tìm ông, thấy nói ông nghỉ ở nhà. Tôi về nhà, ông lại đi vắng. Thật tiếc.

Hôm nọ, ông cho biết về việc cháu Hùng. Nhiều thư của cháu , ông cho nghe, tôi rất cảm động. Và khi ông cho tôi biết tiểu sử của cháu, tôi càng quý cháu. Vì vậy tôi mới nói với ông là nên chọn chữ của cháu mà đề tên cuốn sách. Nhưng nay tôi còn ý kiến nữa, định đề nghị với ông, là ông nên viết kỹ tiểu sử của cháu, những đức tính của cháu, nhất là những đức tính ấy đã có ảnh hưởng đến các bạn đồng ngũ của cháu. Ông nên viết tỷ mỷ, kể cả lần cháu thả bức thư theo dòng nước.

Đời cháu, những việc làm, ý nghĩ của cháu sẽ là tấm gương sáng cho các anh em cháu noi theo.

Tiểu sử ấy, ông sẽ đóng lên đầu sách thì trân trọng lắm.

Thân ái

23/2/73

Nguyễn Công Hoan

Lá thư trôi theo dòng nước

Lá thư được thả theo dòng nước mà nhà văn Nguyễn Công Hoan nhắc đến là một trong hàng trăm cách mà những chiến sĩ trẻ như Phạm Ngọc Hùng đã nghĩ ra để chuyển thư về với gia đình giữa năm tháng lửa đạn chia cách. Hùng đã từng viết một bức thư bỏ trong lọ thuốc bằng thuỷ tinh rồi thả theo dòng suối khi đang chiến đấu ở Kon tum, với hy vọng mong manh rằng sẽ có ai đó vớt được lá thư và chuyển giúp về nhà ở Hà Nội.

Thật diệu kỳ là bức thư đã được tìm thấy và đã đưa về đến gia đình Hùng ở Hà Nội, nhưng đó cũng là lúc người chiến sĩ trẻ mãi mãi nằm lại ở chiến trường Tây Nguyên.

Chân dung liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng.

Tôi - một người trẻ sinh ra trong thời bình, chưa từng bước qua ngày tháng bom đạn, chiến tranh hay nếm trải sự thiếu thốn của thời bao cấp. Thế nên chẳng thể nào thấu hiểu trọn vẹn những mất mát đã đánh đổi để có được ngày bình yên hôm nay.

Câu chuyện về anh hùng liệt sĩ, nỗi đau của cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại tưởng chừng chỉ hiển hiện trong cuốn sách lịch sử khô khan, giáo điều thì bỗng một ngày trở nên đầy chân thật. Chính bức thư được thả xuống dòng suối vô định của chàng lính trẻ đầy ắp yêu thương ngày đó đã thôi thúc tôi tìm đến những lá thư còn lại.

Lần theo những manh mối ít ỏi có được tôi tìm gặp em gái của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng - hoạ sĩ Phạm Thị Kim Anh hiện đang sinh sống ở Sài Gòn.

Hàng chục năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước ngừng tiếng súng, kỷ vật của liệt sĩ vẫn được gia đình gìn giữ như báu vật vô giá. Hơn 60 bức thư úa màu được đánh số thứ tự theo thời gian nằm trong cuốn sổ bọc vải nhung đỏ thắm là tất cả tâm tư mà Hùng đã tự sự với gia đình trong hơn 2 năm quân trường khốc liệt.

Nhà thơ Thanh Thảo có dịp xem qua tập thư và đã thốt lên: "Đó là kỷ lục, kỷ lục của tình yêu thương, của lòng hiếu thảo". Bởi giữa những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, thông tin liên lạc vô vàn khó khăn mà hơn 60 lá thư đã được chuyển đi, những cánh thư không mỏi.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng sinh năm 1951, hy sinh năm 1971 tại chiến trường Kon tum khi vừa bước qua tuổi 20. Đáng ra ở tuổi của tôi phải gọi liệt sĩ là ông, là bác nhưng trong bài viết này tôi xin phép được gọi bằng tên: Hùng. Bởi tôi tin dù 5 năm, 10 năm hay rất nhiều năm về sau nữa Hùng vẫn sẽ mãi trẻ và đẹp như cái tuổi 20 của mình.

Gửi cậu mợ kính yêu nhất đời con!

Cậu mợ thương nhớ của con!

Đêm nay con đã đi ngủ nhưng không tài nào chợp mắt nổi. Đại bác địch đêm nay bắn gần và nhiều quá, nằm nghe súng nổ con nhớ đến cậu mợ - anh chị và các em ngoan của con. Hình ảnh đầm ấm - hạnh phúc của gia đình lại dần dần hiện lên trước mắt, tuyệt nhiên không thấy hình ảnh của một người bạn bè nào cả vì bây giờ gia đình đối với con là lớn hơn tất cả...

28/4/71

Cậu mợ kính thương nhất đời con!

Lá thư trước viết cho cậu mợ vẫn chưa biết gửi cho ai cả. Con lại viết tiếp lá thư này không biết những dòng tình cảm khô khan và ít ỏi này có nói được hết nỗi lòng nhớ thương cậu mợ của con không? ...

22/8/71


Mẹ ạ! Trong hành trình này nhiều lúc đi đường con buồn lắm, nhớ nhà vô cùng mà lại vất vả nữa. Nhưng con luôn đấu tranh tinh thần, lúc này lùi lại một bước là sa ngã ngay. Vì vậy trong khi đi đường con luôn nhớ đến hình ảnh của mẹ dặn dò trước khi đi và lúc nào nghỉ thì con lại lấy thư của mẹ ra đọc để tự động viên tinh thần mình.

20/9/69

Nhiều đêm trở dậy thấy đầu võng ướt hết mới biết đêm qua mơ thấy ngày trở về gặp mẹ và nước mắt cứ trào ra. Muốn nhắm mắt lại để mơ tiếp nhưng không được nữa, cả một sự thật phũ phàng trả lời. Ra đi mà không hẹn ngày trở lại...

15/4/70

Mộc mạc mà thắm đượm nỗi nhớ nhung da diết, từng con chữ viết vội của cậu con trai mới lớn khiến người ta không khỏi bất ngờ về cái suy nghĩ có phần "già dặn" hơn tuổi mười tám đôi mươi của Hùng. Trong hơn 2 năm tập luyện và chiến đấu cam go, hễ có thời gian là Hùng lại ngồi viết thư về cho gia đình. 60 bức thư gửi về tuyệt nhiên không hề nhắc đến chuyện tình cảm lứa đôi cũng chẳng nói đến đau thương của lửa đạn, quá nửa trong số đó là gửi cho bố mẹ (cậu mợ), động viên bố mẹ đừng lo lắng và đợi ngày chiến thắng trở về.

Hùng vốn là niềm tự hào của cả gia đình khi vừa học rất giỏi lại vừa điển trai nhất nhà. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cùng lúc anh nhận được 2 tờ giấy: giấy gọi nhập ngũ và giấy báo trúng tuyển của trường Đại học sư phạm ngoại ngữ.

Sao con không đi học đại học đã? - mẹ hỏi Hùng khi anh quyết định xếp bút nghiêng lên đường chiến đấu.

Hùng nói với mẹ: Mẹ cất tấm giấy gọi đại học này đi cho con, chiến thắng con trở về học tiếp mẹ à. Con tiếp thu nhanh và con thích học lắm chứ!

Mùa thu năm 1969 Hùng lên đường nhập ngũ. Cũng từ ngày đó bố mẹ anh đêm nào cũng thao thức chẳng an, hơn ai hết ông bà hiểu chiến tranh tàn khốc đến thế nào. "Xưa nay chinh chiến mấy ai về".

Thấu hiểu những trăn trở đó nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào Hùng cũng cố gắng tỏ ra lạc quan, khoẻ mạnh để gia đình yên tâm.

Mẹ kính yêu! Hôm nay, có bạn về Hà Nội con tranh thủ viết thư về cho mẹ. Mẹ ạ! Dạo này con béo ú, khoẻ lắm. Mặc dù cuộc sống mới có vất vả hơn trước nhiều.

13/10/69

Mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ gì về con nhiều quá mà ảnh hưởng sức khoẻ mẹ ạ! Mà mẹ thì già yếu rồi, làm việc bình thường thôi đừng quá sức mẹ nhé và buổi tối mẹ đi ngủ sớm đừng muộn mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Còn con hiện nay thì không thiếu thốn gì cả, chỉ buồn thôi cho nên mẹ chỉ cần gửi thư cho con và không cần gửi tiền hay bánh kẹo gì cả khi nào thiếu thốn gì con sẽ biên thư về sau.

17/10/69


"Trường đại học bách khoa" của Hùng và đồng đội

Những câu chuyện thời chiến qua con chữ của Hùng hồn nhiên và lạc quan đến lạ thường. Vẫn còn đó sự thiếu thốn trong từng bữa ăn, nỗi vất vả trên từng chặng đường hành quân dài thăm thẳm, nhưng chàng lính thủ đô vẫn tìm cho mình niềm vui tưởng chừng rất đỗi đơn sơ.

Bố, mẹ ạ! Ở đây con được bầu làm tổ trường 3 người, tổ của con có Thanh ở 26 Nam Ngư và có Thọ, vì làm tổ trưởng cho nên con được giữ khẩu tiểu liên AK của Liên Xô, khẩu này nặng khoảng 4kg, vác cũng tương đối nặng. Còn nhà cửa, giường chiếu chúng con tự tạo ra hết, nguyên liệu thì vào rừng kiếm và nhờ những bàn tay khéo léo mà dựng lên hết. Chúng con thường nói đùa rằng không được học đại học thì vào đây được học trường "Đại học bách khoa" mà thật vậy cái nào cũng phải hiểu, cũng phải biết như lúc đun bếp không khói, ỉa không thối, đi không vết...rồi được đóng vai của tất cả các nghề, lúc thì làm chuyên viên chăn nuôi cho lợn ăn, lúc là kỹ thuật viên nấu nướng, rồi là thợ nề, thợ mộc, nhưng nghề nghiệp chính vẫn là làm bạn với cây súng bộ binh khi nằm dài trên bãi cỏ xanh rờn, mắt ngước lên trời trong mà nhớ đến quê hương thân yêu, đến gia đình ấm cúng.

16/11/69

Anh ạ! Bây giờ em kể cho anh nghe về cái cảm giác lần đầu tiên khi vào rừng sâu lấy nứa nhé: Sáng qua trời mưa tầm tã - dai dẳng, dưới chân chúng em đất rừng nhão ra như bị cầy lên, những đoạn dốc đá thì trơn nhầy, muốn khỏi ngã thì phải kiếm những cây gậy chắc hay tìm những hốc đá khe đá mà bám chân vào chúng. Em vác những bó nứa rất nặng (nặng nhất từ hồi đi đến nay) dò dẫm từng bước đến tối mới về nhà. Hơn nữa đường đi lại hẹp và lầy, dốc cao chân người trước là đầu người sau rồi, nhìn xuống kẽ chân ứa máu hoá ra là những chú vắt con tua tủa bám vào chân gạt đi không kịp. Kinh hoàng và sợ hãi, em cùng những người lính trẻ Thành Đô phải thét ầm ĩ lên. Thật là buồn cười vì cái cảm giác bỡ ngỡ và ngây thơ đó. Tổng cộng số lần vồ ếch của em như vậy: 5 lần, đau ê ẩm anh ạ. Nhưng chúng em vô cùng thú vị vì được ngắm cảnh thần tiên của núi rừng. Vì mỗi lần dừng chân ở lưng đèo, buông tầm mắt ra 4 hướng mà miệng phải thốt lên: "Ôi đẹp quá!". Những căn nhà sàn nhỏ bé dưới chân núi bốc khói nghi ngút càng làm cho em nhớ đến cảnh gia đình, cảnh quê hương. Những vườn hoa thiên tạo mà không một vườn hoa nào ở Hà Nội sánh kịp lộ ra trước mắt, những cánh hoa rừng trắng vàng xen lẫn màu nâu tím của hoa sim chen chúc nhau để lộ những sắc màu tuyệt trần.

29/10/69

Hùng viết: "Nếu cứ ở Hà Nội mãi thì tiếc lắm vì không thể nhìn ngắm những phong cảnh tuyệt đẹp". Và rồi chuyến hành quân tưởng chừng gian khổ bỗng thành cuộc phiêu lưu tuổi trẻ đầy lý thú. Hùng là một chàng trai sống tình cảm, trong rất nhiều bức thư gửi về gia đình lúc nào anh cũng thăm hỏi tình hình sức khoẻ, công việc, học tập của anh chị em trong nhà, luôn không quên gửi lời hỏi thăm đến các cô, các bác hàng xóm láng giềng.

Tác giả ảnh: Đoàn Công Tính

"Ngày chiến thắng trở về, con sẽ sống với mẹ đến trọn đời"

Tôi đồ rằng những chàng trai khi viết thư cho người yêu thì rất mùi mẫn, diễm tình nhưng đến lúc nhắn nhủ với bố mẹ thì ít ai đong đầy tình cảm. Nhưng Hùng là trường hợp ngoại lệ. Tôi ấn tượng với bức thư mà anh viết vào ngày sinh nhật tuổi 19 giữa cao nguyên hùng vĩ đất Lào.

Bố mẹ thương nhớ! Ngày hôm nay - ngày mừng sinh nhật của con. Thế là đã trọn 19 tuổi rồi. Bố mẹ ạ! Rõ ràng là con đã trưởng thành nhiều rồi, 19 tuổi chưa lấy gì làm cao mà cuộc đời của con đã phong ba sóng gió nhiều. Ở nơi đây con đang dùng những sức lực của tuổi xuân để chống lại những buổi mưa rừng gió rét - hay những tia nắng gay gắt của nắng Hạ Lào hoặc những đỉnh cao chót vót của dốc núi vùng cao nguyên Bô - lô - ven này.

Con buồn nhiều và thương bố mẹ lắm. Bây giờ con mới thấy hết được nỗi lòng của mẹ. Con hiểu lắm. Cuộc sống gian khổ thực tại này của bọn con giờ đây ai là người thương cảm nhất. Mẹ ơi! Chỉ có mẹ thôi còn ai mà khác được nữa. Hình như mẹ hay khóc thầm vì thương nhớ con phải không? Con linh cảm như vậy. Mẹ đừng buồn nhé. Sau này chiến thắng trở về chỉ có con và mẹ thôi nhé - con hứa với mẹ đấy, trở về con sẽ sống với mẹ đến trọn đời.

3/4/70

Lời hứa tuổi 19, không cần lấy vợ chỉ cần được sống với mẹ đến trọn đời nghe vừa ngô nghê mà vừa thương không thể tả. Sự nuối tiếc có phần muộn màng của Hùng bỗng thành lời nhắc nhở cho chính thế hệ chúng tôi - những con người bị vòng xoay công việc cuốn đi quá nhanh để rồi thờ ơ với giây phút được cạnh bên mẹ cha.

Chiến tranh tàn nhẫn, hai bờ chiến tuyến dù bên nào chiến thắng cũng để lại những nỗi đau không bao giờ lành. Trước một trận chiến quan trọng Hùng đã viết: "Nhưng trong cuộc chiến sắp tới, ai là người biết trước số phận của mình được nhỉ? Không biết rằng ước mơ đó của con có thực hiện được không? Hay là xa mẹ - xa mãi mãi. Mẹ! Mẹ có buồn không mẹ?"


Lá thư cuối cùng

Mùa thu năm 1971 gia đình nhận được lá thư cuối cùng của Hùng. Nhiều tháng sau đó mẹ Hùng vẫn ra trước ngõ để ngóng tin của người đưa thư, nhưng vô vọng. Bà tìm đến nhà những người có con đi chiến trường Tây Nguyên để thăm hỏi và hay tin Hùng đã hy sinh trong một trận tập kích.

"Ngôi nhà nhấn chìm trong thinh lặng. Mẹ không dám báo tin cho bố vì sợ bệnh tình của bố nặng thêm. Ông nhìn bà, bà nhìn ông, lặng lẽ không dám nói với nhau lời nào. Mỗi lần bố đi làm là mấy mẹ con lại ôm nhau khóc. Nhưng thật ra bố tôi đã biết tin anh Hùng mất vào cuối năm 1971, nhưng không dám báo cho mẹ vì sợ mẹ không chịu nổi. Cứ thế đau buồn nhấn chìm cả gia đình. Hai năm sau bố tôi qua đời cũng vì suy nghĩ quá nhiều. Mẹ tôi cũng suy sụp. Mọi người cứ nghĩ đi bộ đội hy sinh là chuyện đơn giản, nhưng phải thử trong hoàn cảnh mất đi một người thân mới cảm thấy nặng nề thế nào" - cô Kim Anh tâm sự.

"Con trai mẹ mãi không về

Mẹ ngồi tựa cửa, mẹ chờ bao năm

Chờ từ khi gió nồm nam

Tới gió tây thổi rát ran mặt mày

Heo may thêm chiếc áo dày

Cứ thế mẹ đợi năm này, năm qua".

- Bài thơ của tác giả Trần Giảo Kim, một cựu chiến binh ở Hà Nam

Trong thời gian đi chiến đấu Hùng có viết một cuốn nhật ký và hứa sẽ tặng lại cho mẹ trong ngày trở về, nhưng lời hứa chưa hoàn thành thì anh đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường xa xôi. Trước lúc nhắm mắt, Hùng nhờ bạn bè lấy giúp tấm ảnh của bố mẹ mà anh luôn đặt trong túi bên ngực trái để anh chào vĩnh biệt. Hùng xin lỗi bố mẹ vì đã không thể trở về như đã hứa ngày chia tay. Anh giao lại quyển nhật ký cho một đồng đội tên là Cường và nhờ Cường chuyển về cho mẹ, nhưng không may hai ngày sau đó láng trại bị địch tập kích, Cường hy sinh và quyển nhật ký cũng không còn.

Tác giả ảnh: Đoàn Công Tính.

Trong lá thư cuối cùng gửi về gia đình Hùng viết: "Những dòng mực ghi trên mảnh giấy nhỏ bé này nói sao được hết tình cảm của người lính xa nhà nhỉ?".

Thật vậy những dòng chữ ít ỏi trong bài viết này hôm nay chẳng thể nào kể hết được tình cảm thiêng liêng mà Hùng đã dành cho gia đình và tổ quốc. Chỉ mong rằng bản thân thế hệ chúng tôi sẽ trân trọng hơn ngày bình yên hiện tại, bởi hoà bình được đánh đổi bằng muôn ngàn hy sinh.

Tác giả: Toàn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP