Nông Thôn Hà Tĩnh

Tín hiệu vui từ mô hình nuôi Cá Chẽm ở Lộc Hà.

Tận dụng ưu thế của địa phương có luồng lạch, cửa biển, nhiều hộ gia đình ở Lộc Hà đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá Chẽm bằng lồng.

Kết quả kinh tế từ loại hình nuôi trồng thủy sản này cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, nuôi cá Chẽm bằng lồng sẽ mở hướng thoát nghèo cho bà con nông dân vùng biển cửa.


Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Hà xóm Mai Lâm (Mai Phụ) sống bấp bênh, phụ thuộc vào sự nay đây, mai đó của nghề đi biển. Sau một chuyến đi biển dài ngày ở miền nam, anh nghe người dân trong đó kể về nuôi các Chẽm. “Ban đầu nghe thì thấy ngờ ngợ, vì chưa một ai ở địa phương nuôi trồng loại hình này”- anh Hà cho hay.


Năm 2009, được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao KHCN Lộc Hà, anh Nguyễn Văn Hà – xóm Mai Lâm ( Mai Phụ) đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá Chẽm bằng lồng. Với diện tích lồng hơn 80m2, anh Hà thả 3.000 con giống (kích cỡ 5cm/con). Sau 7-8 tháng thả nuôi, kích thước của cá đạt 0,8 -1 kg/con. Vụ nuôi đầu tiên gia đình anh thu hoạch hơn 2 tấn cá Chẽm thương phẩm. Với mức giá bình quân 100.000 đ/kg, trừ chi phí mỗi vụ nuôi gia đình anh lãi ròng hơn 60 triệu đồng. Sau ba mùa nuôi, mô hình nuôi cá Chẽm trong lồng đã mang cho gia đình anh Hà những lợi ích kinh tế rõ nét. Anh Hà đang dự tính huy động thêm nguồn lực, xây dựng lồng, bè mở rộng diện tích nuôi thêm cá Hồng Mỹ, cá Chim vây trắng.


Qua tìm hiểu được biết, cá Chẽm rất dễ nuôi, lại không bị dịch bênh. Chỉ cần lựa chọn vị trí đặt nuôi phù hợp, ít sóng to gió lớn, lưu lượng dòng chảy đều đặn thì vật sẽ sinh trưởng, phát triển bình thường. Theo kinh nghiệm nuôi cá của anh Hà, thông thường một dàn lồng có kích thước cỡ 6x6x3m và được thiết kế thành 4 ô để làm thành 4 lồng riêng biệt, mỗi lồng sẽ có kích cỡ 3x3x3. Như thế sẽ thuận lợi cho việc thả giống đồng loạt cho từng lồng. Đồng thời giành một lồng không nuôi cá để thay lồng khi xử lý bệnh cá, hay xử lý rong to bẩn đóng trên lồng. Mặc dù lồng có thể làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng theo đa số hộ nuôi ở Mai Phụ, lồng các chỉ nên làm bằng khung gỗ, khung đáy lòng dùng ống nước có kích thước 15/21 được mạ kẽm để gia tăng tuổi thọ. Kích thước của mắt lưới dùng quấn lồng có thể thay đổi theo kích cở của cá.

Tín hiệu vui từ mô hình nuôi Cá Chẽm ở Lộc Hà.

Người dân tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá chẽm

Thông thường, để nâng khung gỗ của lồng, các hộ nuôi chủ yếu dùng thùng nhựa làm phao, để tránh bị cuốn trôi, lồng nuôi được cố định bằng các gốc neo. Theo kỹ sư Hà Minh Đức – Trung tâm ƯDKHKT&BV Cây trồng vật nuôi Lộc Hà, để con giống kịp thích nghi với nhiệt độ và nồng độ muối, trước khi thả và lồng, người nuôi cần phải thuần hóa con giống bằng cách cho vật nuôi từ từ tiếp cận lồng nuôi. Các hộ nuôi nên phân cỡ cá giống theo từng nhóm để thả nuôi với mật độ thích hợp. Cũng theo Kỹ sư Hà Minh Đức, với đặc tính tạp ăn của vật nuôi nên các hộ gia đình nuôi cá Chẽm ở Lộc Hà tận dụng được nguồn thức ăn cá tạp số lượng lớn được các tàu đánh cá cập cảng Thạch Kim cung cấp.


Theo Phó chủ tịch UBND xã Mai Phụ Phạm Trọng Hợp, tận dụng ưu thế về tự nhiên của địa phương, nhiều hộ gia đình đã tập trung nguồn lực, phát triển loại hình nuôi cá Chẽm bằng lồng với diện tích ngày một lớn. Tuy nhiên theo như trăn trở của phó chủ tịch UBND xã, cũng như nghêu Bến Tre, do chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm nên bà con nhân dân vẫn chưa mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi trồng.


Tuấn Phương

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Mai phụ , mô hình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP