Xã hội

Thợ săn biến thành hồn ma vất vưởng trong rừng vì hổ trả thù tàn khốc

Nơi ông đánh nhau với hổ không ai dám vào, bởi họ tin rằng hồn ma ông lúc nào cũng cư ngụ ở đó.

Kỳ 5: Thợ săn mất mạng

Dù là thợ săn thiện nghệ, không ngại đối đầu với thần hổ xám, song ông Đinh Văn Riệc lo lắng cho tính mạng gia đình, nên đã quyết định rời thung lũng giữa khe đồi Vạn Sát và núi Bộc Tổ Gà, nơi tổ tiên khai hoang, lập bản, để chuyển ra ngoài sinh sống. Chỗ ông Riệc di dời ra giờ là làng Yên Sơn 2 (Thành Yên, Thạch Thành, Thanh Hóa), nơi con trai ông, là ông Đinh Văn Trinh hiện đang ở.

Nhắc đến ông Đinh Văn Riệc, các cụ già xứ Mường Thành Yên đều biết tiếng tăm ông, là thợ săn hổ tài ba. Người dân kể về ông như huyền thoại. Ông Riệc cao tới 1,8 m, nặng 80 kg, sức khỏe vô địch.

Năm 1955, ông Đinh Văn Riệc là tổ trưởng tổ lương thực của xã. Thời điểm đó, ông phụ trách việc xây dựng kho lương thực. Tuy nhiên, ông bàn giao công việc cho anh em, còn bản thân ông thì ngày ngày đặt bẫy, vác súng vào rừng săn hổ, vì hổ ngày đêm quấy phá gia đình.

Ngoài súng hỏa mai, súng kíp, ông được cấp thêm một khẩu súng hạt nẻ. Gọi là súng hạt nẻ vì khi bóp cò, cò súng mổ vào hạt nẻ, hạt nẻ sẽ nổ, đẩy viên đạn chì to bằng quả cau ra khỏi nòng. Thời kỳ đó, loại súng này có sức công phá rất mạnh, bắn một phát có thể giết hổ lớn, thậm chí giết voi trong tích tắc. Năm đó, ông Trinh cũng đã 23 tuổi, là công an xã. Ông Trinh cũng sở hữu mấy khẩu súng, cùng cha ngày đêm ủ mưu diệt hổ.

Khoảng tháng 4/1955, chiều xuống, thần hổ xám gầm rú ngoài rừng, nhưng một con hổ thường lại xông vào tận nhà ông vồ con chó khoang tha đi. Ông Riệc đuổi theo bắn chết con hổ tại chỗ. Bầy hổ không sợ, tiếp tục đến bắt lợn. Ông Riệc đặt bẫy ngay đầu cầu thang lên nhà. Ông kéo thân cây võng xuống đất làm bẫy, rồi đặt lẫy gỗ ngay đầu cầu thang. Con hổ hơn 1 tạ định mò lên nhà, vướng vào bẫy, bị tóm sống.

Ông Đinh Văn Trinh đau buồn kể chuyện bố mình bị hổ ăn thịt, biến thành ma trành

Đích thân ông Riệc dùng dao chọc tiết con hổ này, phanh thây, gọi cả bản đến ăn. Thịt hổ ăn chẳng ngon gì, luộc tới 4 lần nước mà vẫn không hết mùi tanh, hôi, nhưng mọi người cứ ngấu nghiến ăn vì rất thù hổ. Theo lời ông Trinh, nước luộc thịt hổ đổ ra bãi cỏ trước nhà, vài hôm sau hàng vạn con sâu lạ bò lổm ngổm từ đất lên nhìn rất hãi.

Ông Đinh Văn Trinh nhớ lại: “Ngay khi nhà tôi giết con hổ đãi cả bản cùng ăn, thì một thầy cúng đi qua, bỗng ghé nhà tôi, gọi cả tôi lẫn bố tôi lại bảo: “Nhà này có cái rây bị hổ vồ. Ông nên thờ cúng hổ cẩn thận, đừng sát hại hổ nữa, kẻo sẽ mất mạng mà biến hết thành ma trành”. Lúc đó, gia đình tôi lo sợ, tin lời thầy cúng lắm, nhưng bố tôi thì vẫn không sợ. Hổ đã ăn thịt chị gái tôi, cùng nhiều người trong họ. Hổ ăn thịt ai, thì người đó biến thành ma trành, không siêu thoát được. Chỉ có cách giết hổ, thì những ma trành bị hổ ăn thịt mới được đầu thai”.

Ông Đinh Văn Trinh trước ngôi đền thờ "thần hổ"

Vài hôm sau khi ông thầy cúng ghé qua phán vậy, thì có một thông tin kinh hoàng ập đến: Cách làng Yên Sơn buổi sáng đi bộ (ông Trinh áng chừng khoảng 15 km), sâu trong rừng già, có 3 thợ sơn tràng bị hổ ăn thịt. Ngay lập tức, mấy bố con ông Riệc, gồm cả ông Trinh, cùng các thợ săn thiện nghệ trong bản tìm vào khu vực đó.

Ngay cạnh hang đá, chỗ cây đa khổng lồ là một xưởng xẻ gỗ lim. Những súc gỗ lim đã được xẻ thành hộp, nằm vương vãi. Cạnh đó là 3 xác người đã bị mất phần giữa. Con hổ tàn ác đã giết cả 3 người, phanh bụng, moi ruột ăn trước. Cả 3 người xấu số đều bị hổ ngoạm gẫy cổ, móc toác họng. Dấu hiệu mà thần hổ xám để lại trên xác chết là một bên mắt của nạn nhân đã bị móc mất.

Nhìn cảnh ấy, ai cũng kinh hãi, dựng hết tóc gáy, không đủ can đảm đối mặt với thần hổ xám. Ông Riệc yêu cầu mọi người về bản, để lại một mình ông tìm cách tiêu diệt thần hổ xám. Mấy anh em ông Trinh khóc lóc ghê lắm, đòi cha cho ở lại cùng giết hổ, nhưng ông không đồng ý. Ông bảo rằng, khi nào dân làng nghe thấy tiếng súng nổ, vài tiếng sau không thấy ông về, thì mọi người hãy vào rừng tìm ông.

Khi đó là giữa tháng. Các cụ đồn rằng, hổ ăn thịt người thường nhìn trăng. Mặc dù có thể giết nhiều người một lúc, nhưng nó lại ăn làm nhiều lần. Vào những ngày trăng tròn, tức ngày rằm, thì nó sẽ ăn phần giữa cơ thể. Đầu tháng thì nó ăn đầu người. Cuối tháng thì ăn chân. Khi đó đang là giữa tháng, nó xé bụng, phanh ngực ăn phần nội tạng. Chắc chắn, nó sẽ quay lại ăn tiếp phần giữa thi thể 3 sơn tràng này.

Ông Riệc chắp tay trước ngực, hướng mắt về phía 3 thi thể đã bốc mùi khấn vái lầm rầm, mong linh hồn 3 người xấu số phù hộ ông để tiêu diệt con hổ khổng lồ, trừ hậu họa cho dân lành.

Bấy giờ đang là tuần trăng. Xác 3 thợ đi rừng nằm ở chỗ quá rậm rạp nên ông Riệc kéo xác 3 người xấu số dịch ra phía ngoài, chỗ bãi đất trống. Ông nhìn trời đất, đoán hướng gió, rồi làm giàn bắn trên một thân cây cổ thụ cách chỗ xác người chừng 20 mét. Đó là một cây lớn, bám trên đá. Xung quanh thân cây có nhiều cành xòe ra bảo vệ, cản đường con thú hung dữ lao lên khi bị thương.

Loài hổ có mùi rất hôi và nặng. Nó xuất hiện ở chỗ nào, lập tức xung quanh khu vực rất hôi hám. Nhiều chỗ nó đi qua, người thính mũi, đến hôm sau vẫn còn thấy mùi hôi đặc trưng của hổ. Giống hổ tinh mắt, nhưng lại thính mũi. Vì thế, phải phục kích nó ở xuôi chiều gió, để mùi cơ thể người không bay đến mũi nó, mà chính mùi hôi nồng nặc của nó sẽ đánh thức thợ săn.

Ông Riệc chọn một cành to làm đà ngang, chặt thêm những thanh gỗ, vít lại làm giàn chắc chắn. Làm giàn xong, ông dùng dây thừng bện từ sợ cây móc rất dai buộc thi thể các nạn nhân vào tảng đá lớn, để hổ không tha đi được. Ông vững tâm chờ đợi con hổ đến khi đêm xuống, kể cả có ngủ quên cũng không sao...

Đêm đầu tiên, rồi đêm thứ hai, đêm thứ ba, ông Riệc ôm một khẩu hạt dẻ, một khẩu súng kíp trong tay, thiu thiu ngủ dưới ánh trăng miền sơn cước. Bầy muỗi rừng to như ruồi tha hồ hút máu, ông cũng mặc kệ. Trong tâm trí ông, chỉ có một suy nghĩ duy nhất là giết thần hổ xám trả thù cho những sinh linh xấu số.

Đêm thứ 4, đang thiu thiu ngủ, ông bị đánh thức bởi những tiếng động liên tục, nặng nề. Ông Riệc nhổm dậy rất nhẹ nhàng. Trăng treo lơ lửng giữa trời, ánh sáng bị sương khuấy ra nhợt nhạt. Ông Riệc thấy rõ ràng, qua cái khe đặt nòng súng trước mặt do thân cây chỗ đó tõe ra làm đôi, một khối xám xám lấp loáng dưới ánh trăng. Một con mắt đỏ rực của thần hổ xám đang cắn thi thể một người lắc đi lắc lại để dứt thịt ra ăn.

Cánh đồng mang tên Ruộng Ông Riệc

Qua nòng súng, ông Riệc thấy đầu nó cúi xuống và đối diện với nòng súng. Ông Riệc bóp cò. Tiếng nổ đinh tai vang lên. Con thú gầm lên giận dữ. Nó lao thẳng về phía gốc cây vả vào thân cây roang roác khiến gốc cây rung lên dữ dội. Ông Riệc tiếp tục gí nòng khẩu súng kíp nhả đạn. Tuy nhiên, viên đạn trúng tảng đá dưới gốc cây. Loáng một cái, con hổ đã mất hút trong rừng. Tiếng nó “uồm uồm” lồng lộn vang dậy cả cánh rừng. Tiếng gầm nhỏ dần rồi mất hút.

Chờ tiếng con hổ mất hẳn, ông Riệc khoác súng tụt xuống tìm về làng. Đi đến giữa đường, thì thấy con cháu, người dân đốt đuốc tìm vào. Hôm sau, ông Riệc cùng mọi người vào rừng mai táng 3 thợ rừng xấu số, rồi lần theo dấu máu tìm con hổ. Tuy nhiên, đến bờ suối thì dấu máu mờ dần rồi biến mất. Phát đạn chỉ trúng phần mềm nên không giết được nó.

Theo lời ông Trinh, khu vực 3 người xẻ gỗ bị hổ ăn thịt chỉ mình ông dám vào. Người ta tin rằng, 3 người bị hổ ăn thịt đã biến thành ma trành oan khuất ngự ở đó. Hàng năm, vào ngày giỗ cha, ông Trinh vẫn cuốc bộ khoảng 15 km vào đó thắp hương cho cha. Ông vẫn can đảm đi qua chỗ 3 thợ rừng bị hổ ăn thịt. Chỗ đó giờ cỏ cây mọc rậm rạp, những xúc gỗ lim xẻ dở vẫn còn đó, mốc đen, bị cỏ cây mọc trùm lên.

Sống ở vùng rừng thẳm, ai cũng hiểu rằng, con hổ bị thương sẽ biến thành con hổ dữ, hay bắt người. Hổ thương càng nặng thì càng dữ dằn. Đặc biệt, nếu hổ bị thương bởi con người, thì cả đời nó sẽ tìm cách ăn thịt người. Khi đã ăn thịt người quen mùi, nó không ăn thứ gì khác ngoài con người.

Hổ là loài nhớ dai, thù lâu, nên nó sẽ trả thù đến tận cùng, đến tàn khốc. Vậy nên, lần bắn thương con hổ này càng khiến gia đình ông Riệc thêm lo lắng. Gia đình mời thầy mo đến cúng bái, nhưng thầy mo đều lắc đầu bảo không còn cách nào khác, rằng thần hổ xám sẽ tiếp tục trả thù.

Vợ ông Riệc cúng bái ở miếu Vó Ấm, xin thần hổ tha mạng, nhưng ông Riệc thì vẫn quyết tâm diệt hổ. Chỉ có giết thần hổ xám, thì con gái ông, những người trong họ bị hổ xám ăn thịt mới thoát kiếp ma trành.

Những ngày sau đó, cứ hễ ở đâu có tiếng hổ gầm, ở đâu có dấu chân hổ, là ông Riệc vác súng vào rừng săn tìm, không cần quan tâm đến an toàn tính mạng. Nghe một số người đi rừng bảo, hổ xám khổng lồ có mặt ở đuôi dãy Bộc Tổ Gà, cách nhà nửa buổi đi bộ, ông Riệc đã vác súng lên đường ngay.

Ông Trinh vẫn nhớ rõ, hôm đó là ngày 14/10/1955, ông Riệc dắt dao găm cùng khẩu súng hạt nẻ, dẫn cậu con trai Đinh Văn Bổ vào rừng. Ông Bổ là em trai ông Trinh, khi đó mới 13 tuổi. Thời gian đó, ông Trinh đang công tác ở xã khác, nên không theo được cha. Đi hết dãy Bộc Tổ Gà, thì đến thung lũng, có bãi cỏ gianh bên bờ suối.

Ông Riệc quan sát thấy nhiều dấu chân hổ vẫn còn mới. Nhìn vết chân hổ khổng lồ, ông Riệc biết thần hổ xám đang cư ngụ ở khu vực này. Ban ngày, hổ kiếm chỗ kín đáo nằm ngủ, chiều xuống mới đi săn, nên ông Riệc chọn địa điểm ngắm bắn, rồi tranh thủ xuống suối mò cá. Con suối nước cạn, cá nhiều, nên hai bố con mò một lúc đã được khá nhiều cá. Quanh khu vực, lại có nhiều cây trám, nên hai bố con ông Riệc tranh thủ lấy nhựa trám. Lấy một lúc đã được cả chục kg nhựa.

12 giờ trưa, ông Riệc bảo con: “Tao có súng và dao ở đây là yên tâm rồi, mày mang cá và gùi nhựa trám về đi. Tối nay tao phục hổ. Trưa mai sẽ về đến nhà”.

Ông Bổ gùi nhựa trám trên lưng, xách sâu cá lững thững theo đường mòn về làng. Vừa đi một đoạn, ông nghe tiếng hổ gầm vang, tiếng hét của ông Riệc. Ông Bổ vứt gùi nhựa trám chạy lại. Đứng trên mỏm đá nhìn xuống, thấy bố đang quần nhau với hổ. Ông Riệc nằm dưới, hổ chồm lên trên, liên tục lát, cắn, xé. Chỉ một lát sau, ông Riệc đã nằm im, toàn thân vấy máu.

Hổ xám khổng lồ cắn xác ông quăng xa, rồi nó lại chồm đến cắn xé. Con hổ quái ác cứ cắn người thợ săn rồi lại tung lên như mèo vờn chuột. Nhìn cảnh tượng ấy, người con đau xót gào khóc, nhưng không dám lại gần. Ông Bổ chạy một mạch về làng thông báo với mọi người.

Ông Thử, ông Sáng, ông Rạng, ông Trinh và hai người em, đều là những thợ săn kỳ cựu đã vác súng tìm vào rừng. Dấu tích trận đánh nhau kinh thiên động địa vẫn còn rõ rệt. Cỏ cây táp đi. Những vết máu đã thâm sì. Khẩu súng hạt nẻ lên đạn vẫn treo ở gạc cây trám, chứng tỏ chưa được sử dụng.

Ông Trinh dẫn phóng viên vào nơi thờ thần hổ

Ở thân cây bên cạnh, con dao găm cắm vào. Lưỡi dao dính máu và nhúm lông hổ. Điều này chứng tỏ ông Riệc đã đâm trúng hổ. Tuy nhiên, nhát đâm tiếp theo thì trượt, dao cắm phập vào thân cây. Sau cú đâm đó, ông Riệc đã mất mạng bởi hổ.

Nhìn dấu chân hổ, rồi khẩu súng treo trên cây, mọi người biết rằng ông Riệc đã bị hổ tấn công bất ngờ. Có thể, nhân lúc ông Riệc đang lấy nhựa trám, thần hổ xám khổng lồ đã tấn công từ phía sau. Cú tát đầu tiên của nó không hạ được người thợ săn dũng cảm. Tuy nhiên, vì bị tấn công bất ngờ, nên ông Riệc hoàn toàn yếu thế. Ông đã bị nó đoạt mạng chỉ trong giây lát.

Cuộc tìm kiếm diễn ra khá lâu, song không thấy xác ông Riệc đâu. Ông Trinh cùng mọi người ghé vào làng Muồng, cách đó không xa, chỉ có vài nóc nhà nghỉ tạm. Đêm nghe tiếng hổ xám gầm vang rừng, mà mọi người không dám đối đầu với nó.

Sáng hôm sau, mọi người tiếp tục dò tìm theo dấu máu, thì phát hiện xác ông Riệc ở một gốc cây, cách chỗ hổ tấn công giết hại ông khoảng 500 mét. Nhìn thân thể ông Riệc, ai cũng xót xa. Ông Trinh và 2 người em đã khóc rống, ngất xỉu. Thần hổ xám đã cắn nát mặt, xét toang lồng ngực, bụng và ăn sạch nội tạng. Ông Trinh chỉ có thể nhận ra cha mình qua chiếc áo rách tướp loang lổ.

Ông Trinh cùng mọi người gom thi thể ông Riệc, quấn vào chiếc chăn, đẵn cây làm cáng khiêng về chôn ở mảnh ruộng giữa khe núi Bộc Tổ Gà và đồi Vạn Sát. Khu ruộng rộng mênh mông dưới thung lũng giờ được chia cho nhiều hộ gia đình canh tác. Người dân ở Thành Yên vẫn gọi cánh đồng ấy là Ruộng Ông Riệc, nhằm tưởng nhớ người thợ săn dũng cảm đã bỏ mạng dưới móng vuốt kinh hồn của thần hổ xám.

Thời kỳ đó, người Mường đồn rằng, thi thoảng họ vẫn gặp hồn ma ông Riệc ở cánh đồng. Người ta thấy bóng dáng vạm vỡ của ông với khẩu súng trên vai. Nơi ông đánh nhau với hổ không ai dám vào, bởi họ tin rằng hồn ma ông lúc nào cũng cư ngụ ở đó. Chỉ đến khi, thần hổ xám bị tiêu diệt bởi một thợ săn được ví như Võ Tòng của miền tây Thanh Hóa, giải thoát cho hàng trăm oan hồn, thì câu chuyện về ông cũng như những ma trành mới không còn nữa.

Tác giả: DƯƠNG PHẠM - NGỌC VY

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG