Thế giới

Tham vọng quyền lực mềm không thành của Trung Quốc tại hội nghị APEC

Hội nghị cấp cao APEC cuối tuần qua dường như đã không thể trở thành cơ hội để Trung Quốc thỏa mãn tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea. (Ảnh: Reuters)

Với việc Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga đều vắng mặt tại hội nghị cấp cao APEC năm nay tại Papua New Guinea, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ trở thành tâm điểm tại hội nghị diễn ra cuối tuần qua và qua đó tăng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc đã cho các quốc đảo Thái Bình Dương vay ít nhất 1,3 tỷ USD, trong đó 590 triệu USD dành riêng cho Papua New Guinea, nước chủ nhà hội nghị APEC năm nay.

Với chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Papua New Guinea trùng với dịp diễn ra hội nghị APEC, Trung Quốc đã cam kết cấp vốn 4 tỷ USD giúp Papua New Guinea xây dựng mạng lưới đường bộ quốc gia đầu tiên. Tuy nhiên, chuyến đi không mang lại kết quả như những gì Bắc Kinh kỳ vọng.

Lần đầu tiên trong 25 năm lịch sử hình thành của APEC, hội nghị ở Papua New Guinea đã không đưa ra được tuyên bố chung. Bắc Kinh cũng "muối mặt" bởi thông tin nói rằng 4 quan chức Trung Quốc đã bị cảnh sát chặn lại khi cố tìm cách vào bên trong văn phòng Ngoại trưởng Papua New Guinea với ý định được cho là tác động nhằm thay đổi dự thảo tuyên bố chung của hội nghị. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Với Trung Quốc, đáng lẽ hội nghị APEC lần này phải là một thắng lợi ngoại giao, nhưng rốt cuộc lại là thất bại một phần khi giới chức Trung Quốc ngăn cản phóng viên quốc tế tham dự buổi họp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước Thái Bình Dương, thay vào đó chỉ cho phép phóng viên thuộc các hãng truyền thông quốc gia Trung Quốc. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra là do không gian có giới hạn và lo ngại vấn đề an ninh.

Mỹ và phương Tây thách thức ảnh hưởng

Ngoài sự cố ngoại giao, Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự thách thức từ Mỹ và đồng minh trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Ngày 17/11, bộ ba đối tác Mỹ-Nhật-Australia đã ra một tuyên bố chung tuyên bố hợp tác chung trong các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực. Mỹ và 3 nước đồng minh gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand cũng công bố kế hoạch trị giá 1,7 tỷ USD để cung cấp hệ thống điện và internet cho Papua New Guinea.

Trong khi đó, trong bài phát biểu tại hội nghị APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã ngầm chỉ trích "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc ở khu vực. Ông Pence nói, Mỹ mang lại cho các nước "lựa chọn tốt hơn, chứ không nhấn chìm các đối tác vào biển nợ hay buộc họ thỏa hiệp".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm, Mỹ sẽ cùng với Australia, Papua New Guinea lập một căn cứ hải quân chung trên đảo Manus mặc dù hồi tháng 8, tin truyền thông nói rằng, Trung Quốc có thể sẽ giành được hợp đồng để tái khai thác một cảng ở đảo Manus.

Một căn cứ quân sự ở đây được cho là có ý nghĩa chiến lược cực lớn bởi đó là cảng nước sâu cho phép các tàu sân bay và hàng trăm tàu hải quân đồn trú, neo đậu.

Đây từng là một trong những căn cứ quan trọng cho hạm đội của Mỹ ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Hiện giờ nó có thể trở thành hàng phòng thủ thứ hai nếu hải quân Trung Quốc phá vỡ tuyến phòng thủ thứ nhất qua quần đảo Kuril, Nhật Bản, Đài Loan, bắc Philippines, bán đảo Malaysia.

Những diễn biến xung quanh hội nghị cấp cao APEC cuối tuần qua cho thấy, cuộc họp kinh tế quan trọng nhất của khu vực đã không mang lại cơ hội "tỏa sáng" cho Trung Quốc. Ngược lại, nó cho thấy nhiều nước tỏ ra lo ngại với các tham vọng của Bắc Kinh.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP