Tâm sự

Tết xưa trong ký ức người xa quê

Tết xưa trong ký ức của thế hệ 6X 7X và 8X là những cái Tết nghèo, có lẽ chính vì nghèo nên cái ăn, cái mặc luôn khiến cho họ nhớ mãi.

Tết Nguyên đán là dịp để người thành phố gốc nông thôn về quê sum họp gia đình, ai không về được cũng không thể nào quên cái không khí Tết nơi quê nhà, nhất là những ký ức về Tết xưa.

Ông Nguyễn Đức Trọng (51 tuổi), quê Hải Hậu, Nam Định, là người có hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với ông Trọng, tuổi thơ gian khó của ông gắn liền với những cái Tết quê, dù mộc mạc, đơn sơ nhưng đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in.

“Gần Tết, anh em chúng tôi thường nghỉ học để lo làm một số việc cho bố mẹ, như lo việc đồng áng cho xong trước Tết, rồi dọn dẹp nhà cửa để đón xuân… Làm thì làm nhưng từ 25 Tết là người ở nhà nhưng tâm hồn để ở ngoài chợ phiên cuối năm.

Tiếng pháo nổ đùng đoàng là nỗi ám ảnh của cha mẹ chúng tôi, nó như lời nhắc nhở phải cố mà trả nợ cho xong trước khi sang năm mới. Nhưng với mình thì sướng vô cùng. Chỉ cần nghe tiếng pháo là biết pháo của ai bán, pháo của xã nào…

Nhà tôi ngay cạnh chợ, vụt một cái đã hòa vào đám bạn quây quanh hàng pháo, nghe nổ thử. Nhếch nhác mưa phùn, nhưng đứa nào cũng sướng, mùi thuốc pháo thơm thơm…Sau này mình mới biết nó độc, chứ hồi ấy cứ muốn hít thật sâu.

Chợ quê tểt thì vui ơi là vui, ồn ào tới tận chiều 30 Tết.  Tết đến nhà ai cũng náo nức, tiếng lợn kêu râm ran khắp xóm. Tết quê sao mà vui thế…,” ông Nguyễn Đức Trọng bồi hồi nhớ lại.

Ảnh minh họa.

Theo anh Trần Thành Văn – 36 tuổi, quê ở Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định – dù đã xa quê 17 năm và có gia đình tại Hà Nội, nhưng cũng như bao gia đình có gốc ở nông thôn khác, Tết là dịp để gia đình anh sum họp tại quê nhà, năm nay cũng không ngoại lệ.

Nhắc đến kỷ niệm Tết quê thời thơ ấu, anh Văn cho biết: “Cứ đến 29 Tết là cả đêm ngủ thấp thỏm chờ sáng sớm tinh mơ ngày 30 Tết xem người lớn đụng lợn để còn nhận phần đuôi. Sáng 30 ngồi giúp mẹ sửa soạn lá dong cho bố gói bánh chưng, thế nào cũng phải kiếm được mấy cái bách cóc bé bé xinh xinh, thích lắm. Nhưng háo hức nhất vẫn là đêm Giao thừa chờ được đốt pháo, rồi mong chờ được mừng tuổi, có người mừng tuổi một vài đồng tiền lẻ, có người mừng tuổi cho cái bánh khảo, mấy cái mứt dừa hoặc mứt gừng… Tết xưa đơn giản nhưng vui lắm.”

Cũng là thế hệ 8X, chị Đinh Thu Hiền – 35 tuổi, quê Gia Viễn, Ninh Bình – cho biết, gia đình chị ở thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình), ngày còn nhỏ chỉ mong đến Tết để được bố chở xe đạp về quê, mang hương hoa về thắp hương mời các cụ về nhà mình ăn Tết.

“Chỉ cách chưa đầy 30 km thôi nhưng hồi đó đường khó đi, lại không có phương tiện đi lại nên lúc nào cũng cảm thấy xa xôi về mặt quãng đường, vừa ngồi sau xe đạp vừa ngủ gật.

Đó cũng là dịp hiếm hoi trong năm được bố mẹ cho về quê. Được bà nội cho đi chợ quê nhưng phải ngủ dậy từ tờ mờ sáng để mua lá dong, không khí chợ quê đến giờ vẫn không thể quên được, mỗi khi nhớ đến là thấy ấm áp trong lòng. Trẻ con chỉ mong được một chút quà nào đó trong những phiên chợ này, hồi đó được bà nội mua cho ít bánh kẹo ngày Tết là thích lắm, mà ở quê chỉ có loại bánh kẹo rẻ tiền thôi nhưng hồi đó như thế là sang lắm rồi. Lại còn được theo chúng bạn trong xóm nghịch pháo tép”.

Trong ký ức của chị Hiền, cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, không mấy gia đình trong khu tập thể nhà chị có điều kiện mua đào hay quất, thay vào đó là những chậu hoa thược dược, hoa cúc, hoa violet….được mua về từ phiên chợ cuối năm. Theo mẹ đi chợ sắm Tết cũng là niềm vui con trẻ thời đó.

“Không khí nhộn nhịp lắm. Chợ Tết đông chen chúc nhau, trời thì mưa rét, nhưng cứ thích đi theo mẹ. Tết thì tất nhiên trẻ con ai cũng thích được ăn kẹo bánh, mừng tuổi, phụ mẹ rửa lá dong, ngâm gạo nếp, đợi bánh chưng chín,… trong thời gian chờ đợi thì nghỉ ra đủ trò cùng chúng bạn, trong đó có trò làm ướt tờ giấy màu hồng gói bánh khảo rồi thấm lên môi cho đỏ. Lớn hơn một chút thì theo mẹ đi lễ chùa vào đêm Giao thừa, sau đó về chúc Tết mọi người. Cả nhà quây quần chúc nhau những điều tốt đẹp nhất,” Chị Đinh Thu Hiền kể.

Theo anh Trần Xuân Thủy – 40  tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng – cứ gần đến dịp Tết là anh cùng bạn bè trong xóm lại huy động các loại giấy đã tích cóp cả năm trời để… cuộn pháo Tết. “Có lần nghe người ta nói phải rang thuốc pháo để nổ cho giòn nên nghe theo, chẳng may bùng cháy, may mà kịp chạy thoát thân, nhưng mà vui khi ai cũng cố cuốn cho mình quả pháo cối to nhất,” anh Thủy nói.

“Hồi đó bố tôi là bộ đội đóng quân xa nhà, cứ đến gần Tết là mẹ lại liên tục động viên chị em chúng tôi cố chờ đến Tết bố về sẽ được ăn cơm với thịt lợn. Chả là hồi đó cơ quan bố nuôi lợn, cuối năm lại mổ lợn chia cho anh em trong đơn vị mà. Ngày Tết có các chú bác ở miền Nam về ăn Tết, mừng tuổi cho các cháu những quả bóng bay, những kỷ niệm đó chẳng thể nào quên được.”

Tết xưa trong ký ức của thế hệ 6X 7X và 8X là những cái Tết nghèo, có lẽ vì nghèo nên cái ăn, cái mặc luôn khiến cho họ nhớ mãi. Tuy nhiên, với họ đó là những cái Tết thật ấm áp tình người khi. Khi mặt bằng chung xã hội đều khó khăn, Tết cũng khiến cho người ta cảm thấy không hề có hố sâu cách biệt giàu nghèo.

Trong khi đó, nhìn nhận về cái Tết thời hiện đại, chị Thu Giao (Tp. Hồ Chí Minh) tỏ ra ngao ngán: “Đã là phụ nữ, dù có hạnh phúc mấy, thì mỗi năm, đều vẫn phải đối mặt với Tết.

Ít nhất có ba tuần náo động vì lo ăn uống, ăn gì mà ăn lắm, cứ như cả năm không được ăn. Tủ lạnh sẽ chất đầy đồ ăn, dù chả mời ai đến nhà. Thức ăn dù đắt, chắc chắn sẽ bị bỏ phí, mà không mua thì không được.

Tết, là phải ăn. Ăn cho có không khí. Tết, ai cũng sẽ bận, ai cũng sẽ kêu than, ai cũng chán nản, ra đường thì chật chội loè loẹt, vô vàn thứ xấu xí bày ra trước mắt. Các bà mẹ vất vả đủ ba ngày tết để lo mâm cơm cúng. Sau Tết là đi lễ ở khắp các đền chùa, đừng có nói chuyện công việc gì ít nhất hai tuần sau tết!”

Ngân Giang

  Từ khóa: người xa quê , Tết xưa , Ký ức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP