Tin láng giềng

Tấm bằng loại Giỏi của nữ sinh xứ Nghệ làm thêm để học đại học

Học chưa hết lớp 7 ở miền quê xứ Nghệ, ra Hà Nội giúp việc, em Hồ Thị Thắng được chủ nhà thương tình cho đi học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Vừa học vừa làm thêm đủ các việc, Thắng tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 và giờ đây cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại Giỏi.

hatinh24h hatinh24h 01

Gần 10 năm qua, em Hồ Thị Thắng làm các việc từ giúp việc gia đình, đến đi làm tại quán ăn, bán cà phê… Em không nề hà việc gì miễn là có tiền để học. Cô gái tần tảo ấy vừa tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội với tấm bằng loại Giỏi.

anh-1-6aa26

Hồ Thị Thắng trong dịp đi thực tế tại Nhà hát múa rối Thăng Long – Hà Nội.

Nhà nghèo, lớp 7 đã phải nghỉ học

Chúng tôi vừa tìm về xóm Văn Đông, xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một ngày cuối tháng 8 nắng như thiêu như đốt. Từ ngã tư chợ xã rẽ về hướng tay phải, chạy theo con đường bê tông rải nhựa tít tắp. Ngôi nhà của Thắng nằm cạnh rìa đồng, liền kề với biển.

Cô gái thu hút ánh nhìn của người khác bởi khuôn mặt hiền lành và đôi mắt sáng, linh hoạt. Thắng dẫn tôi vào nhà vừa bảo, căn nhà này cha mẹ em xây cất đúng vào năm em được sinh ra, năm 1991. Trải qua bao mùa mưa nắng, gió bão, ngôi nhà giờ đây như chùng xuống, xập xệ, một góc tường bị nứt bong ra từng mảng vôi vựa, trần nhà ngói bị bể lỗ chỗ phải căng bạt vá víu.

Gian buồng kế bên chiếm trọn một gian lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, Thắng tâm sự đã từ lâu gia đình em không còn dùng đến gian ấy nữa vì nó bị hư hỏng nặng. Nhưng cũng chính từ trong ngôi nhà ẩm thấp, dột nát, vẫn còn đó rất nhiều những tấm giấy khen, bằng khen của cô học trò nghèo hiếu học.

Hồ Thị Thắng là con thứ 6 trong một gia đình có đến 7 người con. Bố em là Hồ Xuân Hợp (năm nay 61 tuổi), sau thời gian đi bộ đội, ông trở về xây dựng gia đình với bà Đậu Thị Cầu (năm nay 60 tuổi). Cả hai ông bà là người cùng làng, đến với nhau từ hai bàn tay trắng. Khi 7 đứa con lần lượt ra đời, vài ba mảnh ruộng nhiễm mặn và công việc chài lưới khó nhọc của ông Hợp không thể duy trì việc ăn học cho các con.

anh-2-5b10f

Thắng tham gia tổ chức xây dựng chương trình văn nghệ “Giai điệu quê hương” tại Vĩnh Phúc (tháng 4, năm 2014).

Trong ký ức của Thắng tuổi thơ là những tháng ngày đói quay quắt. Để có được lưng cháo qua ngày, em và các anh chị của mình phải băng qua mấy cánh đồng mót khoai đem về cho mẹ bán, hết mùa khoai lại quay sang cào nghêu, mò ốc… Thắng trải lòng, em không thể nào quên được những đêm vượt đường mòn băng rú đi đưa cơm cho cha đang chài lưới ngoài biển. Chân bị vấp đá chảy máu, đau nhưng không khóc, vậy mà nước mắt cứ chảy ròng khi nhìn thấy cha lả đi vì đói vẫn phải dầm mình trong dòng nước mặn mòi.

Vì gia cảnh quá khó khăn các anh chị em của Thắng lần lượt phải nghỉ học từ rất sớm, tất tả ngược xuôi, Thắng cũng không phải là ngoại lệ. Suốt những năm theo học ở trường làng, cô bé nhà nghèo Hồ Thị Thắng luôn là học sinh giỏi trường, giỏi huyện. Nhưng chỉ vì thương cha mẹ héo hon, sức cùng lực kiệt, Thắng đã quyết định nghỉ học khi đang học dở lớp 7. Dù cha mẹ hết sức khuyên ngăn, bà con lối xóm lựa lời góp ý, Thắng vẫn một mực nuốt nước mắt vào trong, gác lại giấc mơ con chữ, ra Hà Nội bươn chải kiếm tiền phụ cha mẹ.

anh-3-03879

Thắng rạng rỡ trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.

Ngày đầu tiên với công việc rửa chén bát ở cửa hàng ăn diễn ra với em thật nặng nề. Cảm giác mỏi mệt trong từng tế bào, em hiểu được như thế nào là bát cơm nhà người. Nỗi nhớ nhà kéo đến càng thấu tận tim gan, Thắng ngồi trước gương và em đã bật khóc, khóc nức nở… Nhưng nghĩ tới cha mẹ cực khổ ở quê, Thắng lại cắn răng chịu đựng.

Một tháng sau, khi Thắng đã dần thích nghi với công việc thì nhận được tin ông nội qua đời. Về quê đưa tang ông, Thắng quay trở lại chỗ làm cũ thì bị sa thải. Qua trung tâm giới thiệu việc làm, số phận run rủi đưa em tới giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội (gốc Hà Giang).

Làm đủ việc để có tiền đi học lại

Tính tình vốn thật thà, chịu khó, Thắng được bà chủ nhà yêu thương như con. Bà có cô con gái bằng tuổi Thắng cũng đang học lớp 7, mến Thắng như chị em. Thấy Thắng có tố chất thông minh lại ham học hỏi nhưng sớm phải chịu thiệt thòi, bà chủ khuyên Thắng nên tiếp tục đi học, bà sẽ tạo điều kiện để em thực hiện ước mơ của mình.

“Tới bây giờ em vẫn không thể nào quên được cái cảm giác hạnh phúc khi bà chủ hỏi: Con có muốn được đi học không?. Em những tưởng đời mình mãi mãi không còn được cắp sách tới trường nữa…”, Thắng rưng rưng xúc động nhớ lại khoảnh khắc ấy.

anh-5-5fdfe

Mỗi dịp nghỉ lễ, Thắng lại trở về đỡ đần cha mẹ làm việc đồng áng.

Và thế là một năm sau ngày em từ giã ngôi trường làng, nơi đất khách quê người, Thắng lại có thể viết tiếp ước mơ của mình. Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đống Đa – Hà Nội trở thành ngôi trường quen thuộc của em trong suốt 4 năm (2007 – 2011).

Để có thể trang trải cho việc học tập, Thắng không nề hà việc gì từ giúp việc gia đình đến bán hàng, phục vụ nhà hàng, rửa chén bát… Bằng nghị lực của bản thân, vừa học vừa làm Thắng đã tốt nghiệp cấp hai rồi cấp ba. Theo đuổi giấc mơ vào giảng đường, Thắng quyết định nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, ngành Chính sách văn hóa.

Biết kết quả đậu vào đại học, em mừng rơi nước mắt. Niềm vui chưa kịp cất cánh, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã ập tới. “Bố mẹ ngày một già yếu. Các anh chị đều đã lập gia đình cả, nhưng ai cũng chẳng lấy gì khấm khá để có thể hỗ trợ cho em. Sau em còn đứa em gái út lúc này vẫn đang đi học. Em phân vân không biết nên vào đại học hay đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình”, Thắng nhớ lại.

Lúc ấy, người bạn thân đã đến và động viên Thắng, hãy cứ vừa học vừa làm như trước tới giờ Thắng đã làm được, đừng từ bỏ ước mơ của mình! Vậy là lại một lần nữa, cô học trò nghèo lên đường ra với thủ đô. Hành trang em mang theo chỉ mấy bộ quần áo cũ sờn, đôi bàn tay trắng và tờ giấy báo nhập học!

Và tấm bằng giỏi đẫm nước mắt hạnh phúc

Để tiết kiệm tiền, Thắng cùng bạn thuê phòng cách xa trường gần chục cây số. Hằng ngày ngoài giờ lên lớp, em tranh thủ nhận thêm việc pha chế ở quán cà phê, từ 14h30’ tới 23h để nhận được số tiền 2 triệu đồng mỗi tháng, trang trải cho các khoản như nạp học phí, ăn, ở, đi lại, mua sách vở…

Cứ như thế ròng rã suốt hai năm trời, Thắng như con thoi mải miết học và làm việc. Bước vào năm học thứ ba, lịch học dày hơn, đi sâu vào chuyên môn, để tập trung học, em nghỉ việc ở quán cà phê, nhận làm theo giờ như giới thiệu sản phẩm, phát tờ rơi, rửa chén bát…

anh-4-68f54

Thắng (ngoài cùng bên trái) trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.

Dù phải vật lộn bươn chải để kiếm tiền ăn học nhưng Thắng vẫn nhận được 5 kỳ học bổng của trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Khóa học 2011 – 2015, Thắng vinh dự là một trong 6 sinh viên xuất sắc được chọn bảo vệ, và em đã bảo vệ thành công luận văn của mình với điểm số ấn tượng 9,8.

Khả năng nắm bắt cơ hội cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, sau 8 năm trời phấn đấu Thắng không chỉ lấy được tấm bằng THCS, THPT mà còn cả tấm bằng đỏ đại học.

“Ước muốn lớn nhất của em là ra trường xin được việc làm đúng chuyên môn, dù là miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Em nguyện sẽ cống hiến hết khả năng, tâm huyết của mình phục vụ quê hương”, cô nữ sinh hiếu học đầy quyết tâm.

Anh Hồ Trọng Bình, một thành viên trong ban liên lạc họ Hồ tại Hà Nội chia sẻ: “Thắng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông con, các anh chị em không ai học hết cấp hai… Nhưng bằng nỗ lực của bản thân, em đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định chính mình. Em là một người cầu tiến, một cô gái giàu nghị lực, tôi rất khâm phục em”.

Quãng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai thử thách, mong rằng Thắng sẽ có đủ niềm tin tưởng, giữ vững lòng quyết tâm thực hiện giấc mơ, hoài bão của mình!

Nguyễn Hòe/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP