Tin thế giới

QZ8501 gặp nạn vì hiện tượng “góc quan tài”?

Những thi thể đầu tiên của các nạn nhân trên máy bay QZ8501 đã được tìm thấy, song nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc này vẫn còn là bí mật.

Nhiều phán đoán cho rằng, máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia đã gặp nạn vì hiện tượng “góc quan tài” giống như máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France gặp nạn ở Brazil năm 2009.

máy bay, góc quan tài, Q Corner, tai nan, QZ8501
Vị trí xảy ra tai nạn của QZ8501.

Theo thông tin được các cơ quan hữu quan cung cấp, trước khi chiếc máy bay gặp nạn, phi công của chiếc QZ8501 đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu Indonesia đề nghị tăng độ cao của máy bay và rẽ trái để tránh một vùng thời tiết phức tạp.

Thế nhưng, chỉ vài phút sau, chiếc máy bay bất ngờ biến mất trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Jakarta.

Các chuyên gia ngành hàng không cho rằng, việc tăng độ cao lên mức trần cho phép của máy bay sẽ dẫn tới hiện tượng “góc quan tài” (Q corner) khiến máy bay bị “khựng” lại và rơi xuống theo chiều thẳng đứng. Đây có thể là lý do dẫn đến vụ tai nạn của chiếc máy bay QZ8501.

Theo đó, khi máy bay càng bay lên cao, không khí càng loãng trong khi diện tích cánh không đổi, khiến máy bay phải bay nhanh hơn để cánh có đủ lực nâng. Bay quá chậm, máy bay sẽ rơi.

Tuy nhiên nếu bay nhanh, lượng không khí trôi qua cánh sẽ đạt tốc độ gần hoặc cao hơn tốc độ âm thanh (trong khi máy bay vẫn bay ở tốc độ dưới âm thanh).

Ở tốc độ này, các sóng chấn động hình thành từ va chạm giữa luồng không khí với bề mặt cánh sẽ có xu hướng đẩy mũi máy xuống đất. Bay quá nhanh, máy bay sẽ cắm thẳng đầu xuống biển.

Tại các độ cao lớn, khoảng cách giữa hai thời điểm tốc độ quan trọng này càng thu hẹp dần. Và tại độ cao mà hai thời điểm này gặp nhau, máy bay sẽ mất kiểm soát và cắm đầu xuống biển. Người ta gọi hiện tượng này là “góc quan tài”.

máy bay, góc quan tài, Q Corner, tai nan, QZ8501
Mô tả về hiện tượng “góc quan tài” (Q corner hoặc Coffin Corner).

Vào năm 2009, chiếc máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France cũng được cho là gặp tai nạn do hiện tượng “góc quan tài” này.

Chiếc máy bay Airbus A330 của Pháp cũng đã tăng vọt độ cao khi gặp sự cố trong điều kiện mưa bão trước khi mất kiểm soát và đột ngột rơi xuống biển hôm 1/6.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, quyết định tăng độ cao của QZ8501 cũng làm tăng nguy cơ “va chạm” với những cơn bão hình thành ở độ cao 12.000 mét vốn rất nguy hiểm.

Dù tối tân đến đâu, không chiếc máy bay nào có thể bay qua những đám mây bão cực lớn bên trong tâm của những cơn bão. Những luồng gió thẳng đứng tại khu vực này có thể gây ra sức hủy diệt đối với cả những chiếc máy bay lớn nhất.

Thực tế, các radar thời tiết hiện đại ngày nay có thể giúp phi công bay vòng qua các cơn bão. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không giá rẻ đã buộc phải cắt giảm tính năng hiện đại này để đảm bảo lợi nhuận và không loại trừ AirAsia cũng làm điều này.

Hiện tại, những thi thể đầu tiên của các nạn nhân trong vụ tai nạn của chiếc máy bay QZ8501 đã được tìm thấy. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này có lẽ vẫn cần có thời gian để tìm câu trả lời.

L.V (Tổng hợp)/VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP