Sinh năm 1989, cao 1m65, Nguyễn Thị Hương, tốt nhiệp đại học ngành Xã Hội học và đã tham gia vào Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ – thuộc 62 huyện nghèo.
Cho đến thời điểm hiện nay, Hương đã làm cương vị Phó chủ tịch xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) được 5 tháng. Hương đang hoàn thiện đề án xây dựng mô hình trang trại nuôi lợn cỏ trên địa bàn xã, dự kiến đến đầu năm 2013 sẽ tiến hành triển khai thực hiện.
Hương chia sẻ, hiện tại cô vẫn chưa lập gia đình và điều giúp cô tham gia Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã xuất phát từ gia đình. Hương tâm sự về công tác tại xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là niềm hạnh phúc và động lực lớn để cô chứng tỏ bản thân.
“Khi tôi vừa về nhận công tác được một tháng thì ở xã xảy ra dịch bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò. Tuy không được phân công phụ trách mảng kinh tế, nhưng tôi vẫn cùng đoàn tham gia vận động bà con tiêu hủy trâu bò.
Hôm đó, gần hết giờ làm việc, tôi nhận được điện thoại của trưởng thôn Cộc Chẻ báo ở trong thôn có con trâu chết, và đang có lái buôn đến thỏa thuận mua. Xuống đến nơi, lái buôn đã cột trâu lên xe, nhưng chúng tôi kiên quyết giữ lại và tuyên truyền cho người dân phải tiêu hủy con trâu này vì đây là dịch bệnh rất nguy hiểm.
Việc thuyết phục họ tiêu hủy con trâu rất khó khăn vì hộ gia đình đó nghèo và họ đã phải vay tiền ngân hàng để mua trâu. Sau hồi lâu thuyết phục, gia đình cũng đồng ý”.
Khi mới về, một số người cũng có vẻ nghi ngờ khả năng của Hương và băn khoăn liệu có làm được việc hay không.
Sau một thời gian công tác, cô gái trẻ cảm nhận được người dân đã bắt đầu tin tưởng và quý mến mình hơn. Đến nhà trò chuyện với bà con, chị cảm thấy rất thân mật và chân thành. Những kế hoạch mà Hương đưa ra đều được người dân đồng tình, ủng hộ và thực hiện.
Hiện tại, nữ chủ tịch xã chuyên tâm vào công việc và đây là dự án lớn nhất mà chị dồn tâm sức để thực hiện. Còn “dự án” lớn thứ hai của cuộc Huơng là lập gia đình. Tuy nhiên, hiện tại, chị chưa sẵn sàng cho việc lập gia đình.
Khi quyết định đăng ký tham gia dự án, bố mẹ cũng khuyên chị nên suy nghĩ kỹ lưỡng vì con gái một mình lên vùng núi sẽ khó khăn và nguy hiểm. Nhưng Hương đã cố gắng để thuyết phục bố mẹ hiểu và đồng ý. Thời gian đầu khi mới xa nhà, bố mẹ cũng rất nhớ và thương con gái nên thường xuyên liên lạc và còn lên tận nơi để động viên, thăm hỏi, khích lệ tinh thần cho Hương.
Đến nay, gia đình luôn song hành và là nguồn động viên lớn lao đối với cô gái trẻ này để chị để yên tâm công tác. Ngoài những khó khăn chung như điều kiện sinh hoạt thì phụ nữ xa gia đình cũng có những khó khăn riêng.
Trong công việc, Hương là người lãnh đạo nhưng vì tuổi đời còn rất trẻ nên còn thiếu những kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng quản lý, điều hành và đôi khi không tránh khỏi việc được để mắt và bị trêu đùa. Địa hình xã cũng phức tạp nên thường xuyên phải leo đồi núi, đi bộ và lội suối để vào với bà con.
“Là phụ nữ chân yếu tay mềm nên có phần hạn chế, tuy nhiên tôi cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ. Mỗi khi phải đi xa vào nhà dân, đều được lãnh đạo cử thêm một cán bộ đi cùng để hỗ trợ đảm bảo an toàn cho mình”, Hương chia sẻ.
Tiền Phong