“Ai về Thống Nhất, Ba Giang/Quê hương nón trắng tơ vàng là đây”… Xã Phù Việt (Thạch Hà) hàng trăm năm nay đã nổi tiếng với nghề làm nón; trong đó, sản phẩm của người dân 2 thôn Thống Nhất, Ba Giang từng được biết đến không chỉ là dụng cụ che mưa, che nắng trong lao động, sản xuất mà còn được xem như một món đồ trang sức và đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Cuộc sống của người dân ở đây gắn liền với chiếc nón lá giản dị nhưng ẩn chứa những nét đẹp thầm kín của nền văn hóa Việt Nam.
|
Vật dụng chính để làm nón là tre, nứa, chỉ và quan trọng nhất là lá tơi. Lá tơi được lấy từ rừng, nhưng người dân Phù Việt chủ yếu sử dụng nguồn từ một số hộ ở xã Thạch Khê thu gom, bán lại. Công đoạn đầu tiên là làm lá, tuy có vẻ đơn giản nhưng thật ra lại đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, bởi lá tơi được hơ trên lửa nên khi vuốt, là thẳng bằng tay rất dễ bị rách, gãy… |
|
Khung nón được làm từ 18-20 vành tùy loại. Những chiếc nan tre được vót nhỏ một cách cẩn thận, ghép uốn rồi bỏ vào khung. |
|
Những sợi chỉ tăm tắp được khâu bởi bàn tay khéo léo của những người thợ. Mũi khâu tuy chỉ được ước lượng bằng mắt, bằng cảm giác mà vẫn đều đặn như được đo lường kĩ lưỡng. |
|
Tuy đã 80 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Niên vẫn xâu chỉ rất chính xác. Bà cho hay: “Mỗi người thấy một công đoạn có cái khó riêng của nó. Theo tôi thì xoay lá là công đoạn khó nhất vì nếu xoay lá không đều thì không thể có chiếc nón đẹp. Nhờ mấy chục năm làm trong nghề rồi nên không thấy khó nữa”. |
|
Chị Trần Thị Xuân ở tổ 1, thôn Thống Nhất có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ nhưng đã vượt lên số phận, tự nuôi sống bản thân bằng nghề làm nón. |
|
... Trước đây, nghề làm nón ở Phù Việt được gọi là để “chạy gạo” như lời kể của ông Bùi Văn Nhân, tổ 3, xóm Thống Nhất. Cuộc sống nghèo khó khiến người dân ở đây chỉ biết bám trụ vào nghề nón mà sống, làm bữa trưa kiếm ăn cho bữa tối, cuộc sống cứ thế quay vòng, lay lắt theo nghề. Những vòng xoay của nón cũng như những con người nơi đây luôn phải chống chọi với những khó khăn trong cuộc sống mà vẫn giữ gìn được nghề truyền thống này. |
|
Thời gian trước, làng Phù Việt làm nón rất nhiều. Có xóm, cả nhà đều làm nón. Trẻ em không làm được công đoạn khó thì vuốt lá giúp bố mẹ. Giờ đây, do thị trường tiêu thụ khó khăn, người dân bỏ nghề chuyển sang làm công nhân, thợ nề… nên làng nghề chỉ còn tồn tại nhỏ lẻ trong một số gia đình. |
|
Những câu ví phường nón gắn với một làng nghề truyền thống từng được mệnh danh là “làng Đỏ” trong những năm 30-31 nay vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều thế hệ. Đây là một trong những nét độc đáo, riêng biệt của làng nón Phù Việt mà ít nơi nào có được. (Trong ảnh là nghệ nhân Nguyễn Thị Giang – 81 tuổi, ở thôn Thống Nhất , xã Phù Việt vừa đan nón vừa hát những điệu ví đã gắn bó với bà từ những năm tháng ấu thơ. |
Linh Châu (theo Báo Hà Tĩnh)
Em ngồi may nón trước thềm
Mắt anh say đắm gửi vào nhạc nhiên
Bàn tay em có phép tiên
Tình đời dan díu dệt nên trăng rằm
Nón Ba Giang tự ngàn năm
Anh mê dáng nón xăm xăm tìm về
Đạn bom mọt thuở ê chề
Lặng trong mưa nắng vọng về yêu thương
Thì ra tiếng lá măng rừng
Lời thủy chung đọng trong từng giấc mơ
Bao giờ cho đến bây giờ
Lúng liếng gương nón dây dưa nỗi niềm
(thơ N.V.M)