Trải qua cơn đau thập tử nhất sinh để thực hiện thiên chức làm mẹ, những người phụ nữ luôn cần có vòng tay yêu thương, cử chỉ quan tâm và những lời động viên chân thành từ người thân, gia đình.
Vì vậy hình ảnh những người chồng luôn sát cánh bên vợ, động viên, vỗ về khi người vợ bước vào cánh cửa phòng đẻ luôn khiến các y bác sĩ thấy ấm lòng.
Trong số những hình ảnh đẹp đó, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1991, khoa đẻ A2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội) từng rất ấn tượng với cách thể hiện tình cảm của một người chồng dành cho vợ.
Theo chị, đó là người chồng dũng cảm và tâm lý nhất mà chị từng gặp.
“Anh ấy vào phòng đẻ cùng vợ. Trong lúc người vợ ra sức rặn đẻ, anh ấy luôn miệng cổ vũ: “Vợ cố lên, gắng một tý nữa là được. Thằng bé này cũng như đứa trước thôi. Nó lỳ lợm, còn ngửa mặt lên trên để làm khó em.
Lúc nào con ra, anh sẽ mắng con một trận vì cái tội làm mẹ vất vả”, nữ hộ sinh nhớ về người đàn ông nhiều lời nhất trong phòng đỡ đẻ ngày hôm đó.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1991) cho rằng sự quan tâm, động viên của người thân là liều thuốc bổ cho các sản phụ trước khi vào phòng sinh. |
Theo nữ hộ sinh, những lời động viên của người chồng khiến các y bác sĩ trong ca đỡ đẻ phải bật cười. Tuy nhiên nó lại là liều thuốc bổ giúp người vợ vượt qua được cửa ải khó khăn.
“Đúng như lời ông bố trẻ tiên đoán, đứa trẻ đó khác với những đứa trẻ bình thường. Bé ngửa mặt lên phía trên nên người mẹ phải rất vất vả trong quá trình rặn đẻ”, Mai Linh nói.
Vẫn lời nữ hộ sinh, ông bố trẻ này lắm lời nhưng cũng rất sâu sắc. Khi đứa trẻ vừa chào đời, anh ta vội quệt tay lau nước mắt.
Sau đó, như sợ các y bác sĩ phát hiện, anh lập tức ồn ào trở lại: “Vợ ơi, em tuyệt vời quá. Nhưng công này có cả anh đấy nhé. Không có anh cổ vũ, em không đẻ được đâu”.
Nói rồi người chồng này kể lại với các y bác sĩ trong ca đỡ đẻ hôm đó rằng vài năm trước anh và vợ cũng từng đăng ký đẻ dịch vụ tại bệnh viện này. Đứa trẻ cũng lỳ lợm và có tư thế nằm khác thường. Anh phải ở bên cạnh động viên nên ca đỡ đẻ mới thành công.
“Ai cũng hiểu việc nhận công đó chỉ là cách nói vui để xóa đi bầu không khí căng thẳng nhưng cách nói hài hước và cả cách ông bố trẻ ấy động viên, cổ vũ vợ khiến chúng tôi thấy rất ấn tượng”, Mai Linh nhớ lại.
Lần khác, tại khoa đẻ A2, bác sĩ Đồng Thu Trang (SN 1986) cũng bị xúc động bởi sự quan tâm lo lắng của một người mẹ dành cho thai phụ.
Nữ hộ sinh trao con cho sản phụ. |
“Nhiều người không có niềm tin vào mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhưng với trường hợp này nếu không phải người trong cuộc sẽ không biết, hai mẹ con không phải máu mủ ruột rà”, BS Trang nhớ lại.
Trường hợp BS Trang nhắc đến là 1 thai phụ có hộ khẩu Hà Nội.
Sản phụ này quản lý thai tại bệnh viện từ những tuần đầu của thai kỳ. Lần nào đến khám thai, thai phụ cũng được mẹ chồng và chồng hộ tống.
Đến ngày sinh đẻ, người mẹ chồng cũng đi theo. Bà xin các bác sĩ cho con dâu được đẻ mổ vì cái thai được đánh giá nặng 3,7 kg. Nếu sinh thường sẽ rất vất vả và nguy hiểm. Tuy nhiên người con dâu không đồng ý.
“Trong suốt quá trình chờ sinh, người mẹ chồng liên tục gọi điện cho bác sĩ khóc lóc: “Tôi chỉ có mình nó là con dâu, nếu có vấn đề gì với nó, tôi không sống được nên xin bác sĩ thuyết phục con tôi đẻ mổ”, BS Trang cho biết.
Nữ BS kể tiếp các bác sĩ đã động viên bà bình tĩnh vì sản phụ đủ điều kiện đẻ thường.Tuy nhiên quá trình chuyển dạ và vượt cạn của thai phụ này diễn ra tương đối lâu nên người mẹ hồi hộp đến mức lên cơn đau tim.
Người thân phải đưa bà về nhà nghỉ ngơi, dưỡng sức. Nhưng khi vừa ổn định sức khỏe, bà lại bắt xe vào viện với con dâu.
“Nàng dâu vào viện từ sáng thì 6 giờ chiều mới lên bàn đẻ. Trong lúc chờ con dâu, bà cứ ngồi ở ngoài, mắt chong chong nhìn về phía phòng đẻ. Đến khi xe đẩy đưa con dâu bà ra ngoài, bà mới vội đứng lên để đi theo con”, BS Trang nhớ lại.
BS Đồng Thu Trang thăm khám cho sản phụ sau khi mổ đẻ. |
Nữ bác sĩ cho biết, sau ca đẻ đó, nhiều người chứng kiến cảnh bà mẹ chồng khóc lóc đã phải thốt lên: “Sao có nàng dâu may mắn thế”. Nhưng cũng có người dèm pha: “Đi đẻ chứ đi đâu mà khóc lóc”.
“Tôi cho rằng quá trình vượt cạn cũng là khoảnh khắc những người phụ nữ phải đi qua cửa sinh tử để đưa đứa trẻ đến với thế giới này. Vì vậy bên cạnh sự giám sát, hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ, đây là giai đoạn họ cần sự quan tâm nhất của chồng và những người thân trong gia đình.
Những lời động viên quan tâm của người thân chính là liều thuốc bổ vô cùng hữu hiệu để sản phụ có thêm sức mạnh. Vì vậy đừng nghĩ rằng, chuyện sinh đẻ là đơn giản mà làm tổn thương những người phụ nữ của mình”, nữ BS trải lòng.
Tác giả: Vũ Lụa - Diệu Bình
Nguồn tin: Báo VietNamNet