Nông Thôn Hà Tĩnh

Ngư dân 4 tỉnh miền Trung tiếp tục ra khơi bám biển

Sau một thời gian dài với bao nỗi khó khăn, cực nhọc của hàng ngàn hộ ngư dân vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế do sự cố môi trường biển, ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ có văn bản về việc tạm cấp 3.000 tỷ đồng từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây nên cho 4 tỉnh miền Trung để ngư dân khắc phục hậu quả môi trường biển, tiếp tục ra khơi đánh bắt, bám biển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trực tiếp chỉ đạo việc đền bù cho ngư dân do sự cố môi trường biển tại Lộc Hà.

Theo số liệu thống kê, hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra là rất lớn. Trong đó, đã gây ảnh hưởng cho 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 lao động trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7ha, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7ha nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10ha nuôi cua bị chết. Tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố, tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm 40-50% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%.

Thiệt hại về môi trường đã được công bố vào đầu tháng 8/2016. Sơ bộ, diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450ha, tại một số điểm khảo sát ban đầu đã được ghi nhận trung bình 40- 60% rạn san hô bị phá huỷ. Ngoài ra còn là các hậu quả về xã hội, an ninh chính trị.

Để giúp ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, bám ngư trường, tạo công ăn việc làm, sớm ổn định cuộ sống, Chính phủ đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, trong đó Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên – Huế 400 tỷ đồng.

Để giúp ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, bám ngư trường, tạo công ăn việc làm sớm ổn định cuộc sống, Chính phủ đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, trong đó Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên – Huế 400 tỷ đồng.

Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kê khai chi trả bồi thường thiệt hại cho ngư dân các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.

Chiều 30/10, tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), ngư dân phấn khởi đến nhận tiền bồi thường. Người đến nghe ngóng, kẻ mong đợi chờ đến lượt mình sẽ nhận được số tiền đền bù chi trả theo đúng quy định. Trên gương mặt những người đến nhận tiền, ai ai cũng toát lên niềm vui xen lẫn sự hồi hộp. Có cụ còn thật thà thừa nhận: Đời tôi chưa bao giờ có được số tiền lớn như thế này…

Chị Trương Thị Hương (thôn 5 Quang Trung, xã Thịnh Lộc) phấn khởi: “Hai vợ chồng tôi làm nghề đi lưới. Ảnh hưởng của đợt thiệt hại này, tôi nhận được 35,7 triệu đồng; chồng nhận được 64 triệu đồng. Đợt này nhận tiền, tôi gửi ở ngân hàng, sau đó sẽ rút một phần mua sắm ngư lưới cụ bám biển; số còn lại để dành đó, rút dần cho các con ăn học”.

Ông Trần Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Hội Tiến (xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà), cho biết, người dân đồng tình và phấn khởi khi nhận tiền bồi thường. Nhiều người trong thôn sẽ hùn vốn đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ, một số sẽ phát triển chăn nuôi, trồng rau sạch theo công nghệ hiện đại.

Chị Trương Thị Hương được nhận tiền đền bù đúng theo quy định.

Tại Quảng Bình, trong đợt chi trả đầu tiên, tỉnh được Chính phủ giao tạm ứng 1.100 tỷ đồng tiền bồi thường cho bà con. Trong đó, huyện Lệ Thủy gần 105 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh hơn 116 tỷ đồng, thành phố Đồng Hới hơn 141 tỷ đồng, thị xã Ba Đồn gần 108 tỷ đồng, huyện Quảng Trạch hơn 230 tỷ đồng và huyện Bố Trạch là gần 300 tỷ đồng. Sáng 17/11, các địa phương đã tiến hành chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các đối tượng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển.

Phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển. Hầu hết người dân ở đây sống chủ yếu vào nghề đánh bắt trên biển nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nay nhận được tiền đền bù, nhiều người rất phấn khởi.

Anh Ngô Quốc Sinh (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy) cho biết, nhận được hơn 100 triệu đồng tiền hỗ trợ, anh sẽ trang trải nợ nần và mua sắm thêm ngư cụ để tiếp tục ra khơi bám biển.

Đợt này, xã Ngư Thủy Bắc chi trả hơn 30 tỷ đồng cho các đối tượng là chủ thuyền và lao động trên tàu thuyền, đối tượng nuôi trồng thủy sản. Theo ông Ngô Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, đợt này xã có trên 2.000 đối tượng được nhận đền bù. Sau khi người dân nhận tiền, xã sẽ hướng dẫn bà con sửa sang lại tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ, mở rộng tái sản xuất và mở rộng ngành nghề để phục hồi kinh tế.

Tại Quảng Trị, sự cố môi trường biển đã gây ảnh hưởng đến đại bộ phận ngư dân Quảng Trị, số lượng tàu thuyền là hơn 2.600 chiếc, lao động khai thác biển gần 5.000 người, nuôi trồng thủy sản 830ha, người lao động mất thu nhập khoảng 16.000 người, sản phẩm lưu kho đông lạnh không bán được 1.300 tấn…

Để giúp ngư dân 16 xã bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, Chính phủ đã cấp 500 tỷ đồng giúp ngư dân tạm khắc phục hậu quả. Sáng 16/11, tỉnh Quảng Trị đã triển khai chi trả bồi thường cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng.

Ngư dân Nguyễn Văn Vy, người được nhận tiền đền bù đầu tiên phấn khởi nói: Với số tiền nhận đợt này gia đình tôi sẽ đầu tư mua sắm thêm ngư cụ, sửa lại tàu thuyền để tiếp tục đánh bắt, ổn định cuộc sống. “Trước đây, khi môi trường biển chưa bị hủy hoại, gia đình đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ việc đánh bắt. Do mấy tháng trời không đi biển nên đã khiến đời sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nay được sự quan tâm của cấp trên, gia đình tôi sẽ tiếp tục củng cố ngành nghề, tiếp tục bám biển”.

Tại Thừa Thiên – Huế, trong đợt 1 này, tỉnh được chi trả 400 tỷ đồng trên tổng mức 750 tỷ đồng bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở 4 tỉnh miền Trung hỗ trợ bồi thường cho người dân. Xã Phú Diên là địa phương đầu tiên trong số 7 xã vùng biển của huyện Phú Vang chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển.

Ông Hồ Đông Cước, trú ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên cho hay: Gia đình ông có tàu công suất dưới 20CV, mọi sinh kế đều dựa vào biển. Sự cố môi trường biển vừa rồi đánh bắt không được, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Với số tiền được nhận hơn 32 triệu đồng, ông sẽ đầu tư mua sắm ngư cụ để tiếp tục ra biển. “Tôi thấy thỏa nguyện vì đền bù cho dân đầy đủ, cũng sắp xếp theo chương trình của xã và địa phương. Giờ số tiền này tôi làm kinh phí tăng thêm ngư lưới cụ để tiếp tục bám biển”, ông Cước nói.

Có thể nói, trong đợt đầu số tiền chi trả trực tiếp là 3.000 tỷ/11.000 tỷ đồng do Formosa bồi thường thiệt hại đối với ngư dân, thể hiện sự qua tâm của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, các địa phương đối với ngư dân sau sự cố môi trường. Nhiều ngư dân miền Trung được nhận số tiền đền bù đều phấn khởi và nói: Số tiền này chúng tôi sẽ khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn và sẽ đầu tư mua sắm ngư cụ quyết tâm tiếp tục ra khơi bám biển.

Ông Nguyễn Đình Thành, ngư dân ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch – Quảng Bình) nói: Cho dù thiệt hại, khó khăn, vất vả đến đâu nhưng ngư dân vẫn xem biển cả là “quê hương”, biển như một phần máu thịt của chúng tôi, không thể tách rời, tất cả phải tiếp tục ra khơi bám biển.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế về công tác bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các tỉnh tập trung quyết liệt để giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ người dân, giúp bà con có vốn khôi phục sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, ổn định sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của 4 tỉnh từ nay đến cuối năm và sang năm sau. Xác định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước Chính phủ về vấn đề này nếu để xảy ra chậm trễ, gian dối trong kê khai…

Các tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương của Chính phủ trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, khẩn trương tổ chức chi trả cho người dân đúng đối tượng, khách quan, minh bạch, công bằng và thoả đáng. Đối với việc bổ sung thêm định mức và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ thì các địa phương cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm hàng thuỷ sản còn tồn kho đông lạnh không bán được. Bộ Tài nguyên và Môi trường phân loại, tiêu huỷ hay sử dụng nhu cầu khác đối với hàng thuỷ sản quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền rõ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ cho bà con đúng đối tượng, công khai, minh bạch, sớm nhất. Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền về môi trường biển đã an toàn, môi trường đã sạch, gỡ bỏ tâm lý e ngại của người dân đối với việc tiêu thụ thuỷ hải sản hiện nay.

Các địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tạo sự đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết trong quá trình thực hiện, không để xảy ra các vấn đề bức xúc hay bị động, bất ngờ tại địa phương.

Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP