Thông tin mới nhất được Bộ Công Thương công bố là Công ty TNHH Vietnam Beverage mong muốn mua xấp xỉ 51% toàn bộ vốn cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Vì Vietnam Beverage chỉ có 49% cổ phần do tập đoàn nước ngoài nắm giữ nên vẫn có đủ điều kiện để mua toàn bộ 53,59% vốn điều lệ của Sabeco do Bộ Công Thương chào bán, nếu họ muốn.
Ngành bia quá hấp dẫn
Tuy nhiên, theo quy định, Vietnam Beverage có tham gia đặt cọc, đăng ký phiên chào bán cạnh tranh vào ngày 18-12 hay không sẽ có kết luận chính thức sau 16 giờ ngày 17-12 nhưng nhiều động thái cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt do người Thái nắm giữ 49% cổ phần này có tham vọng thâu tóm thương hiệu bia mạnh nhất Việt Nam với bất kỳ giá nào.
Tại thời điểm công bố thông tin chào bán cạnh tranh cổ phần tại Sabeco với giá khởi điểm lên tới 320.000 đồng/cổ phần, đại diện hãng bia này chia sẻ rằng đã nhận được sự quan tâm từ nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như AB-Inbev, Kirin… Tại các phiên roadshow ở Singapore và Anh, những tập đoàn này đều cử đại diện đến dự và đặt nhiều câu hỏi về sản xuất - kinh doanh, tiềm năng, thị trường của Sabeco… Đại diện Sabeco cũng cho biết bản thân DN đã có 15 buổi làm việc riêng các nhà đầu tư lớn, bao gồm nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồ uống, đại diện quỹ tài chính lớn của thế giới.
Thị trường bia Việt Nam có sức hút rất lớn đối với các hãng bia lớn trên thế giới, đặc biệt ở châu Á Ảnh: TẤN THẠNH |
Một tên tuổi khác trong ngành bia cũng được ví như "quả trứng vàng" là Habeco (Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội) đang được Bộ Công Thương gấp rút tiến hành các bước để trình Chính phủ phương án thoái vốn sớm nhất. Hãng tin Reuters vừa đưa thông tin mới nhất cho thấy Carlsberg - hãng bia ngoại sở hữu 17,3% cổ phần tại Habeco - đang tiến gần đến thỏa thuận nâng mức nắm giữ cổ phần Habeco và hy vọng đẩy nhanh quá trình này. Bởi dù gì Việt Nam cũng là một trong những thị trường bia hấp dẫn nhất thế giới và lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi tiêu thụ tới gần 4 tỉ lít vào năm ngoái.
Theo giới chuyên gia, các nhà sản xuất bia lớn tại châu Á, như Thai Beverage chẳng hạn, đang phải đối mặt với việc sụt giảm tăng trưởng tại thị trường nội địa do đã đến ngưỡng bão hòa. Bởi vậy, "cá lớn" nước ngoài không tiếc tiền móc hầu bao để thu lợi từ một thị trường béo bở khác.
Có thể giữ được cái tên "Sabeco"
Vấn đề mà giới chuyên gia cũng như nhà quản lý không ngừng bày tỏ mối quan tâm là liệu những tên tuổi "đỉnh cao" của ngành bia Việt Nam một thời có giữ được thương hiệu của mình sau những thương vụ bán vốn thu tiền về cho nhà nước?
Chuyên gia thương mại cho rằng nếu năng lực làm chủ của người Việt trong phần vốn còn lại không tốt thì nguy cơ mất thương hiệu là điều hiển hiện, dù rằng người tiêu dùng thực chất vẫn có cơ hội được hưởng lợi khi nhà đầu tư đó đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, cạnh tranh.
"Một thương hiệu lâu năm như Sabeco, Habeco thì bài học là khi thoái vốn, đừng để mất thương hiệu mà hãy tận dụng, học tập được nước ngoài về kinh nghiệm quản trị, chiến lược kinh doanh. Nếu nói người nước ngoài đưa sản phẩm ngoại có chất lượng vào mới là góc nhìn đơn thuần một phía. Bởi một khi đã chiếm được thị phần, khống chế thị trường rồi, họ sẽ ép lại người tiêu dùng. Tôi muốn nhắc lại câu chuyện Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam từng nâng giá trứng 2 lần trong một tuần và hàng loạt siêu thị đã phản đối" - vị chuyên gia lưu ý thêm.
Thực tế, các quy định pháp luật đã tính đến việc ngăn chặn tham vọng thôn tính của nhà đầu tư ngoại như hạn chế room ngoại 49%, quy định chào giá trước 7 ngày nếu mua trên 25% cổ phần… Nhưng nhà đầu tư nếu muốn vẫn có thể lách được khi chia nhỏ pháp nhân hoặc mượn tay người Việt để thâu tóm cổ phần.
Với riêng Sabeco, Bộ Công Thương tỏ ra rất sát sao và thận trọng trong chiến lược thoái vốn lần này. Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho biết bộ đã thành lập ban tổ chức chào giá cạnh tranh và có quy định về bảo đảm nguyên tắc tập trung kinh tế đối với nhà đầu tư. "Trường hợp nhà đầu tư mua cổ phiếu của Sabeco có thể dẫn đến việc chiếm thị phần tổng hợp lớn 50% thì phải thực hiện thông báo cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để xử lý theo quy định" - ông Hoài nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng khẳng định nhà nước sẽ không nới room ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài (hiện đang là 49%) trong bất cứ tình huống nào bởi đây là quy định. Với số vốn còn lại sau khi bán 53,59% vốn tại Sabeco, ông Trương Thanh Hoài cho rằng sẽ phải dựa trên kết quả thoái vốn đã làm được cũng như tình hình sản xuất - kinh doanh của Sabeco sau bán vốn thì mới nghiên cứu trình Chính phủ xem xét trong thời gian tiếp theo.
Đặc biệt, ông Hoài cũng tỏ ra rất tự tin trong câu chuyện gìn giữ thương hiệu bia Sài Gòn. Ông cho hay qua tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, có thể ghi nhận tinh thần họ mua phần vốn Sabeco "với mục đích cũng mua cả thương hiệu". "Vấn đề thương hiệu với Sabeco là vấn đề lớn. Khi chúng tôi đặt vấn đề duy trì thương hiệu thì nhà đầu tư nói đây là điều tất nhiên. Họ khẳng định mua là mua cả thương hiệu. Như thế, các nhà đầu tư cơ bản đồng nhất với phía Việt Nam về vấn đề giữ gìn thương hiệu trong quá trình tham gia với tư cách là nhà đầu tư tại Sabeco" - ông Hoài nhấn mạnh.
Tác giả: Phương Nhung
Nguồn tin: Báo Người lao động