Trung Quốc

Mỹ điều B-52 tới Biển Đông, 4 tướng Trung Quốc xuất ngoại

Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay vào gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở biển Đông.

Thêm phép thử Trung Quốc

Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc ngày 12/11 cho biết, trong quá trình bay, hai máy bay nói trên nhận được tín hiệu liên lạc từ trạm kiểm soát không lưu Trung Quốc (TQ) nhưng vẫn tiếp tục hoàn tất lộ trình của mình và không bị cản trở gì.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tư lệnh Bill Urban cho biết, trong chuyến bay  đêm ngày 8/11, rạng sáng 9/11, hai chiếc B-52 đã bay qua khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa nhưng không tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này.

“Hai chiếc B-52 đang tham gia nhiệm vụ tuần tra thường xuyên ở Biển Đông”. Cả hai chiếc này đều xuất phát và sau đó quay trở lại căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, ông Urban cho biết.

“Hai chiếc B-52 của chúng tôi đã bay trong không phận quốc tế ở khu vực này rất nhiều lần rồi”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 12/11.

Thông báo từ Lầu Năm Góc được đưa ra giữa lúc căng thẳng vẫn còn đang âm ỉ sau khi Washington điều một tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi và Vành Khăn, nơi Bắc Kinh cải tạo để xây tiền đồn quân sự trái phép ở biển Đông.

 ht24h

Một pháo đài bay B-52 (thứ 2 từ ngoài vào trong) bay ở gần đảo Guam.

Theo đó, ngày 27/10, tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Hải quân Mỹ thực hiện cuộc tuần tra kéo dài vài tiếng đồng hồ quanh 2 bãi đá nói trên, có lúc tiếp cận ở khoảng cách 7 hải lý. Đây được xem là thách thức của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông.

Chính phủ và truyền thông Trung Quốc sau đó chỉ lên tiếng đòi Mỹ giải thích mà không có bất cứ hành động can thiệp cụ thể nào.

Đây được coi là thách thức mạnh mẽ nhất của phía Mỹ đối với những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với nhóm đảo bị nước này cải tạo trái phép nói trên.

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia phân tích, những hành động gần đây của Mỹ cũng được coi là phép thử đối với Trung Quốc. Dường như Mỹ đang muốn xem phản ứng của Bắc Kinh, mục đích thật sự của nước này khi tiến hành mở rộng, gia cố những diện tích bãi đá ngầm và san hô.

Trong một diễn biến mới có liên quan đến tình hình biển Đông, tuần sau Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila – Philippines.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ là chủ đề nổi bật trong chuyến thăm Philippines và Malaysia của Tổng thống Mỹ.

Bà Rice nói: “Đây sẽ là một vấn đề trọng tâm được thảo luận tại cả Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ (đều được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia) cũng như những cuộc tiếp xúc khác của chúng tôi trong chuyến công du châu Á.”

Tướng Trung Quốc ra nước ngoài để bàn về biển Đông?

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 12/11 đưa tin, theo lời mời của Quân đội Pakistan và Ấn Độ thì Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long vào ngày 11/11 vừa qua đã dẫn đoàn rời Bắc Kinh, lên đường tiến hành chuyến thăm chính thức tới hai nước này.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng cho biết, chuyến thăm lần này nhằm thực hiện “đồng thuận” của các nhà lãnh đạo hai bên, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị với quân đội hai nước này, “cùng bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”.

Thông tin trên trang mạng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì cho biết, những quan chức tháp tùng chủ yếu trong chuyến thăm này của Phạm Trường Long gồm có Phó Tổng tham mưu trưởng Tôn Kiến Quốc và Chính ủy Đại quân khu Thành Đô Chu Phúc Hi.

Bài báo cho rằng, Quân đội Trung Quốc gần đây triển khai ngoại giao quân sự xung quanh (láng giềng) một cách dày đặc. Từ khi bước vào tháng 11 đến nay, có tới 3 ủy viên Quân ủy Trung ương trong đó có ông Phạm Trường Long đi thăm 6 nước xung quanh.

Bài báo đặt vấn đề: Việc các quan chức cấp cao Quân đội Trung Quốc tập trung đi thăm các nước xung quanh phải chăng có liên quan đến tình hình xung quanh, nhất là tình hình Biển Đông hay không?

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long và Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ

Đối với vấn đề này, nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, một học giả quen dùng của Bắc Kinh làm việc cho Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng:

Những chuyến thăm nước ngoài của các quan chức cấp cao này đều được tiến hành theo kế hoạch giao lưu thường niên, hai bên tiến hành bàn bạc nghiêm túc về hợp tác giữa quân đội hai nước. Điều này có lợi cho tăng cường hiểu biết và sự tin cậy giữa quân đội hai nước.

Bài báo còn cho biết, ngày 10/11, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi cũng rời Bắc Kinh, đến thăm chính thức 3 nước gồm Malaysia, Indonesia và Maldives. Theo bài báo thì chuyến thăm lần này có thể bàn tới “vấn đề biển Đông”.

“Trong chuyến thăm sẽ tiến hành thảo luận với các nước liên quan về vấn đề biển Đông, nhấn mạnh ‘xử lý thỏa đáng’ và ‘quản lý, kiểm soát tốt’ bất đồng trên biển, không nên ảnh hưởng đến hợp tác hữu nghị giữa các nước” – Trương Quân Xã thay lời Bắc Kinh nói.

Theo ông Xã: “Tranh chấp không phải là toàn bộ của quan hệ quân sự giữa hai bên, không nên vì vậy mà ảnh hưởng đến (cái gọi là) đại cục”.

Từ chuyến thăm các nước của các tướng lĩnh Trung Quốc trên đây, nhất là của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc coi trọng thúc đẩy ảnh hưởng quân sự ở khu vực bằng ngoại giao, trong đó, ông Ngô Thắng Lợi thực sự có thể đi các nước để bàn đến vấn đề biển Đông và có thể rao giảng lý thuyết như lời bình luận của Trương Quân Xã.

Theo Gia Hân (Tổng hợp)

Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP