Nhà xác là… “nhà vĩnh biệt”
Khó tưởng tượng trong một cuốn từ điển thông dụng như cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội ấn hành lại có thể đưa ra những định nghĩa gây choáng váng. Chẳng hạn như “niết bàn” là “nát bàn”; “nhọ” là “lọ”, “bia” là “rượu giải khát”, “yếu hèn” là “hèn yếu”, “phi quân sự hóa” là “làm một vùng thành phi quân sự”, “ả đào” là “đào hát trong các hộp đêm”, “con ranh” là “con đẻ ra thì chết”, “độ lượng” là “lòng rộng rãi”, “ghi nhớ” là “ghi và nhớ lấy”, “mộ đạo” là “mến chuộng đạo lý”, “cố chết” là “cố sống”… Phần lớn những cách giải thích từ nếu không sai lệch hoàn toàn so với nghĩa gốc, thì cũng cắt xén, mổ xẻ theo kiểu nôm na, tùy tiện là dịch “từ sang từ”.Lật giở bất cứ trang nào trong cuốn sách, người đọc đều có thể bắt gặp những từ ngữ hết sức ngô nghê. Trong đó, khó tin nhất phải kể đến một loạt những từ “nhà” có “cắt nghĩa cũng như không”, chẳng hạn như “nhà vua” là “vua”, “nhà trọ” là “nơi ở trọ, ngủ trọ”, “nhà trường” là “trường học”, “nhà tu hành” là “người tu hành”… Cá biệt, “nhà xác” được những người làm từ điển sáng tạo ra là… nhà vĩnh biệt. Bên cạnh đó, rất nhiều cụm từ được định nghĩa khá “thô”, chẳng hạn nhóm từ nói về phụ nữ ở trang 597 như “nữ phi công” là “phi công đàn bà”, “nữ tu sĩ” là “tu sĩ đàn bà”, “nữ tướng” là “đàn bà làm tướng”. Đọc đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ thắc mắc, không hiểu trình độ những người làm sách ở mức nào, mà có thể đưa ra những định nghĩa ấu trĩ như vậy.
Những định nghĩa hết sức “thô” về phụ nữ
Phi quân sự hóa: Làm cho một vùng thành phi quân sự
Có hiện tượng sao chép từ điển Vũ Chất?
Cuốn “Từ điển tiếng Việt” nói trên được NXB Bách khoa Hà Nội ấn hành với 2.000 cuốn khổ 10x18cm tại Công ty CP In Sao Việt, với đối tác liên kết là Nhà sách Huy Hoàng, do bà Phùng Lan Hương chịu trách nhiệm xuất bản, người biên soạn Chu Thanh Nga . Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 22-2014/CXB/36-80/BKHN. Số quyết định của NXB BKHN: 04/QĐ-ĐKBK-BKHN ngày 9-1-2014, được in và nộp lưu chiểu năm 2014. Đi sâu mổ xẻ cuốn sách này, chúng tôi nhận thấy có nhiều từ có cách giải thích trùng khớp với cuốn từ điển Vũ Chất mà báo chí đã phản ánh trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như “lâu đài” là “lầu và đền đài”, “thơ ngây” là “ngây thơ”, “nắn bóp” là “nắn và bóp”… Giải thích sự giống nhau đáng ngờ với cuốn từ điển Vũ Chất, bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc NXB Bách khoa Hà Nội cho biết, trong quá trình biên soạn, tuy có những đặc trưng riêng nhưng các tác giả không tránh khỏi sự… kế thừa. Người biên soạn dựa vào đâu để làm từ điển cẩu thả như vậy, không ai rõ.
Cũng trong cuộc trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô chiều 24-12, bà Nguyễn Thị Liễu cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ “từ điển Vũ Chất”, Cục Xuất bản có yêu cầu rà soát toàn bộ từ điển trên cả nước, ngày 22-10, NXB Bách khoa Hà Nội và Nhà sách Huy Hoàng đã cho kiểm tra, đình chỉ, thu hồi toàn bộ cuốn “Từ điển tiếng Việt” và cho đính chính. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, tại sao đã thu hồi nhưng cuốn sách này vẫn được bày bán khá nhiều tại các nhà sách thì lãnh đạo của NXB Bách khoa Hà Nội trả lời là do “chưa nắm được hết”. Câu hỏi đặt ra là do đâu lại có số lượng lớn những cuốn từ điển “lỗi” như vậy ngang nhiên lưu hành trên thị trường và công tác thu hồi đang được thực hiện đến đâu? Điều này, cho đến giờ thì không ai giải thích được.