Nhiều giáo viên cũng thừa nhận cách đánh giá đạo đức HS hiện nay rất khô cứng, không thực tế và không giúp HS tiến bộ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chưa kể quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh mà các trường học đang áp dụng đã ban hành gần 3 thập niên nên không còn phù hợp với học sinh hiện nay.
“Nếu không bị đuổi học, HS đó giờ có ngồi tù không ?”
D., một cựu học sinh (HS) của Trường THPT Việt Ba (Hà Nội), cách đây mấy năm đã kiên quyết bỏ dở việc học giữa năm lớp 11. Mẹ của D. chia sẻ: “Vợ chồng tôi ly hôn nên D. vốn là cậu bé cá tính càng trở nên lầm lì ít nói và tỏ ra ngang bướng hơn. Tôi cũng đã từng chia sẻ với giáo viên của cháu về hoàn cảnh gia đình để mong có một sự thông cảm nếu cháu có những biểu hiện tâm lý tiêu cực khi ở trường…”.
Thế nhưng, không phải giáo viên nào cũng đủ sự bao dung để có cái nhìn thiện cảm hơn. Có lần giáo viên mạt sát một HS trong lớp, chuyện cũng không liên quan gì đến D. nhưng em đứng dậy phản ứng hành vi của giáo viên, nói rằng thầy không có quyền xúc phạm HS như vậy. Lập tức, D. bị thầy giáo mắng té tát với những lời lẽ khá nặng nề như “vô lễ”, “hư hỏng”, “học đã dốt lại còn…”. Không chỉ có vậy, suốt quãng thời gian sau đó D. bị giáo viên này “để ý”, mọi hành vi cử chỉ đều bị bắt lỗi, thầy giáo không từ một cơ hội nào để chì chiết D. Học kỳ 1 năm đó, D. bị hạ xuống hạnh kiểm yếu, ghi vào sổ học bạ rất nhiều “tội danh”.
Vốn không phải là một cậu bé dễ bảo, lại mang một tâm lý “bất cần”, càng ngày D. càng lầm lì, sống thu mình, tỏ thái độ ương bướng để thách thức lại giáo viên. Trong mắt bạn bè và giáo viên, D. như cái “gai”, làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp và luôn được nhắc đến như một HS “cá biệt”, “hết thuốc chữa”. Lời dọa đuổi học luôn lơ lửng trên đầu D., mẹ em cũng không ít lần phải đến để nghe nhà trường “kể tội”… Giữa học kỳ 2 thì D. bỏ học.
Một giáo viên dạy THPT ở Bắc Giang cũng kể: “Ngày trước, HS có trò nghịch ngợm mang pháo đến trường đốt vào dịp gần tết. Có lần HS lớp tôi mang pháo đến trường nhưng chờ đúng lúc tôi bước vào lớp mới châm ngòi nổ khiến tôi hốt hoảng bỏ chạy. Quá tức giận, tôi kiên quyết truy tìm ra bằng được “thủ phạm”. Kết quả là 3 HS nam đã phải viết kiểm điểm, hạ hạnh kiểm và buộc thôi học một thời gian. Sau đó, một trong 3 HS này đã bỏ học luôn, không trở lại trường nữa. Nhiều năm sau, khi dự buổi gặp mặt của lớp này, tôi nghe nói em đó sau này đã bị đi tù vì tội trộm cắp”. Giáo viên này chia sẻ: “Cả đêm hôm đó tôi mất ngủ vì sự giày vò: nếu như ngày trước tôi không đuổi học mà giữ lại để giáo dục em thì giờ đây em đó có phải ngồi tù hay không?”.
Học lực yếu thì hạnh kiểm không thể tốt?
Theo quy định đánh giá, xếp loại hạnh kiểm hiện hành của Bộ GD-ĐT, nếu HS có học lực yếu kém thì hạnh kiểm cũng sẽ bị hạ xuống một bậc dù HS đó chẳng gây nên tội lỗi hay vi phạm quy định gì về chuẩn mực đạo đức của nhà trường.
Điều này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Một HS Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) buồn bã nói: “Em luôn đi học đúng giờ, không bỏ tiết, chấp hành đầy đủ quy định nhưng vì khả năng học của em rất hạn chế nên hạnh kiểm của em cũng bị kéo xuống theo trong xếp loại và đánh giá học bạ. Bố mẹ em buồn lắm, bảo rằng nhìn vào sổ học bạ với loại học lực kém, hạnh kiểm cũng không tốt nữa thì sau này muốn đi học tiếp hay đi làm thì ở đâu người ta muốn nhận con nữa. Điều đó cũng làm em rất khổ tâm”.
Bà Nguyễn Thị Như Hương, một giáo viên về hưu ở Hà Nội, cho biết: “Điều tôi băn khoăn vẫn là cách xếp loại hạnh kiểm của HS hiện nay. Một em nào đó luôn cố gắng hết sức mình để học, nhưng chỉ vì tiếp thu chậm, học yếu. Về học lực đã phải chịu xếp loại yếu rồi, chẳng lẽ hạnh kiểm cũng phải bị “ăn theo” học lực sao?”.
“Hạ hạnh kiểm” cũng là cách mà không ít nhà trường, giáo viên mang ra để hù dọa HS. Không kể những hành vi như mâu thuẫn, đánh chửi nhau với bạn bè, nói tục, chửi bậy… mà không thuộc bài, mặc đồng phục nhưng không bỏ áo vào quần, nói chuyện trong giờ học… cũng là hành vi bị ghi vào “sổ đen” để phán xét đạo đức của một HS.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cho rằng chính hiện tượng đó khiến cho HS lúc nào cũng phải thu mình lại, sợ bị hạ hạnh kiểm. Những HS cá tính, có những suy nghĩ riêng cũng không dám thể hiện vì sợ thầy cô, bạn bè đánh giá.
Một giáo viên ở Trường THPT Kim Liên, Hà Nội cũng nói: “Tôi thấy việc một HS được đánh giá là ngoan hay hư trong nhà trường không phản ánh đúng thực tế khi chúng bước vào đời sau này. Không ít em khi đi học thì bị nhà trường coi như HS cá biệt nhưng sau này khi trưởng thành thì lại rất thành đạt, tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện của xã hội. Phải chăng chúng ta chưa học cách chấp nhận cá tính của HS mà thấy chúng không nghe lời thì xếp vào diện “cá biệt?”. (Còn tiếp)
Không biết dựa vào điều khoản nào để kỷ luật Hiệu trưởng ở các tỉnh, thành nhiều khi phải vò đầu bứt tai vì không biết phải kỷ luật, khen thưởng HS dựa theo điều khoản nào. Chẳng hạn, hiện nay HS thường có tâm lý đám đông, dễ tụ tập, kích động bêu xấu nhau trên mạng xã hội bằng những dòng trạng thái hay đoạn phim quay bằng điện thoại. HS còn rủ nhau sử dụng chất kích thích, gây ảo giác như shisha, keo chó, tem giấy… Tuy nhiên, những vi phạm này chưa được đề cập đến trong quy định hiện hành. Mới đây, khi phát hiện một số HS rủ nhau hút shisha, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 (TP.HCM) cho biết: “Vi phạm này nghiêm trọng nhưng do không có quy định nên nhà trường phải mời phụ huynh vào cùng nhau bàn bạc. Cuối cùng hai bên đồng tình hình thức cho HS không vào lớp học một tuần nhưng vào thư viện đọc sách và trò chuyện với giáo viên tâm lý”. Tương tự, Thông tư 08 quy định về khen thưởng và kỷ luật HS do Bộ ban hành từ năm 1988 hướng dẫn HS sẽ bị khiển trách trước lớp nếu “đi lao động không mang theo dụng cụ mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian một tháng” hoặc khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường khi “nhiều lần trốn lao động”. Theo nhiều hiệu trưởng, hiện ở các tỉnh thành không còn hình thức lao động tập trung trong trường như trước đây nữa nên điều này không còn phù hợp với thực tế. Bích Thanh |
Ý KIẾN Nên chấp nhận sai lầm để điều chỉnh hành vi “Chúng tôi chấp nhận sự khác biệt trong tính cách của mỗi đứa trẻ. 3 tháng đầu nhập trường, chúng tôi tuyên bố: cho phép HS mắc lỗi. Phải cho các em trải nghiệm, chấp nhận sai lầm trong quá trình trải nghiệm ấy thì các em mới biết tự điều chỉnh hành vi của mình”. Trần Thị Hải Yến (phụ trách Trường THCS Alpha School, Hà Nội) Hạnh kiểm tốt nhưng thờ ơ với tất cả “Nếu như học lực thì tính tới 0,5 điểm để xếp loại HS thì đánh giá về hạnh kiểm lại rất chung chung. Thực tế, nhiều HS dưới cách đánh giá như hiện này là “hư” nhưng khi nhà trường có hoạt động gì thì các em không quản ngại vất vả tham gia rất nhiệt tình, rất sáng tạo. Ngược lại, HS hạnh kiểm tốt đấy nhưng thờ ơ với tất cả các hoạt động vì tập thể. Vũ Thị Phương Anh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) Còn nhận xét theo cảm tính Có những HS trong lớp mắc phải một số lỗi không đáng như đi học trễ, nói chuyện trong lớp đã bị thầy cô xử phạt bằng nhiều cách nhưng cuối năm giáo viên còn ghi vô sổ liên lạc là hạnh kiểm trung bình. Em không biết như thế thì có đúng quy định không hay đó chỉ là nhận xét HS theo cảm tính của giáo viên. Bạch Phương Anh (HS Trường THCS Phan Bội Châu, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) Cần có những quy định phù hợp Mỗi khi không bằng lòng việc gì đó với thầy cô giáo trên lớp thì HS thường lên mạng xã hội nói xấu mà chưa có những quy định nào nghiêm cấm về tình trạng này. Vì vậy, em nghĩ cần có những quy định rõ ràng, phù hợp trong giai đoạn hiện nay để xử phạt những HS vi phạm, chứ em thấy cách xử phạt đối với HS về vấn đề này mỗi nơi mỗi khác. Trần Thị Trang (HS Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) T.Nguyễn – L.Thanh (ghi) |
Tuệ Nguyễn / Thanh Niên