Dân mỏi mòn chờ nước
Khi nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sơn, một người dân thôn Thanh Sơn (xã Kỳ Văn) lắc đầu ngao ngán: “Người dân chúng tôi dù rất mong muốn được gieo cấy hết diện tích ruộng đất trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Tuy nhiên, 4 – 5 năm trở lại đây chỉ làm được một mùa do thiếu nước. Nhà tôi vụ trước do nhờ có mưa nhiều nên làm đến một mẫu rưỡi lúa, nhưng nước cũng thất thường lắm nên năng suất không cao, còn mùa này chỉ làm được một phần ba diện tích”.
Còn bà Nguyễn Thị Xuân bày tỏ: “Không có nước, dân chúng tôi không thể sản xuất được. Hầu như nhà nào cũng làm được phần ba so với vụ Đông Xuân, thậm chí có nhà không thể làm được sào nào. Một năm chỉ làm được hết điện tích một mùa nên chỉ đủ ăn cho cả năm để không bị đói chứ không thể đưa lại thu nhập. Chính vì vậy, dân chúng tôi phải tìm việc khác làm thuê kiếm thêm mà sống”.
Hàng trăm héc ta đất 3 vụ lúa của bà con xã Kỳ Văn phải bỏ hoang do thiếu nước |
Theo phản ánh của người dân, việc thiếu nước sản xuất đã kéo dài triền miên năm này qua năm khác khiến nhân dân các thôn trên rất bức xúc. Người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng, và đó là nguồn thu nhập duy nhất, nay không có nước sản xuất nên đời sống của bà con gần đây giảm hẳn.
Ông Thanh, một nông dân lớn tuổi trong xã cho biết thêm: “Trước đây, xã Kỳ Văn chúng tôi được coi là một vựa lúa của huyện Kỳ Anh thì bây giờ kém nhất. Dân chúng tôi mỏi mòn chờ nước, đã kiến nghị lên lãnh đạo xã không biết bao nhiêu lần, mỗi lần vậy xã chỉ hứa: “yên tâm, nước sắp về” nhưng rồi đâu lại vào đây”.
Theo bảng “Diện tích đất trồng lúa sau đo đạc và bố trí sản xuất” mà ông Lương Văn Linh, Bí Thư Đảng ủy xã Kỳ Văn cung cấp, tổng diện tích sản xuất vụ Hè Thu của thôn Thanh Sơn là 20 ha, lúa mùa 8h, chuyển đổi cây trồng 15,3 ha, nhưng diện tích thực tế sản xuất chỉ được 18/40,3 ha; Thôn Sa Xá là diện thích vụ Hè Thu 24ha, lúa mùa 0ha, chuyển đổi 8,7 ha, trên thực tế được 24 ha/30,7ha …tính tổng diện tích sản xuất vụ Hè Thu trên toàn xã chỉ có 260 ha, lúa mùa 78ha, chuyển đổi cây trồng 65,7 ha, tuy nhiên thực tế sản xuất tất cả được là 290/403,7 ha.
Nguyên nhân
Phóng viên đặt câu hỏi về nguyên nhân của tình trạng này, ông Lương Văn Linh cho biết: “Kỳ Văn nằm ở cuối nguồn Đập Sông Rác (do Công ty TNHH MTV Nam Thủy Lợi Hà Tĩnh quản lý- PV) nên để dẫn nước về là rất khó. Khi thiếu nước dân kêu mãi thì công ty điều người lấy được nước về, về sau công ty không đủ nhân lực, chi phí để làm nên ruộng lại rơi cảnh thiếu nước.
Việc này họ họ quản lý xã không can thiệp được, dù dân kiến nghị nhiều nhưng xã chịu. … Còn Đập Đá Cát thì dần cạn nước không thể cung ứng cho sản xuất được.
Hệ thống đường mương dẫn nước từ đập Đá Cát đang bị bịt lại do chưa hoàn thành |
Năm 2010, do dân phản ánh nhiều, xã và huyện Kỳ Anh có mời đại diện Sở NN&PTNT và cả đại diện UBND tỉnh lầ ông Lê Đình Sơn (Phó chủ tịch tỉnh) về làm việc nhưng rồi tình hình vẫn không được cải thiện.
Do Đập Đá Cát bị bồi lấp nên phải dẫn nước từ Đập sông Trí về, vì vậy phải có hệ thống kênh mương. Năm đó họ hứa vụ Hè Thu 2010 sẽ xong và có nước về sản xuất, nhưng cho đến bây giờ việc hoàn thiện, kênh cố hóa kênh mương vẫn chưa xong”.
Ông Linh cũng cho biết thêm, trước tình trạng thiếu nước sản xuất, xã đã chủ trương vận động dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ chỉ trồng lúa chuyển sang trồng một số loại cây khác, tuy nhiên, do thói quen chuyên canh trồng lúa, bà con không đồng ý.
Ông Lê Xuân Tứ, bí thư thôn Thanh Sơn nói: “Tuy được vận động chuyển đổi cây trồng nhưng do dân quen trồng lúa, bây giờ chuyển sang trồng các loại cây khác khá khó khăn. Lúc trước một số hộ dân cũng đã chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai rồi trồng đậu nhưng hiệu quả trước mắt kém, đồng thời do số người dân đồng ý chuyển đổi quá ít nên thành ra dân bỏ hoang ruộng, không làm nữa”.
Khi nói về việcj này ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh cho biết: “Do Kỳ Văn ở cuối nguồn Đập Sông Rác nên nước không thể về tới nơi. Bây giờ muốn có thì phải dùng nước từ Đập Đá Cát. Tuy nhiên muốn đập này có nước thì phải làm kênh dẫn nước từ Đập Sông trí về.
Hiện tại nhà thầu thi công đường mương dẫn nước từ đập Đá Cát về cung cấp nước cho các vùng hạ du của huyện Kỳ Anh đã “ bỏ của chạy lấy người” do thua lỗ”.
Theo như ông Trọng thì nếu như đường mương dẫn nước được thi công thì không những các xã trên sẽ hết “cơn khát nước” mà còn có thể cung cấp nước cho các xã vùng ven biển như Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Hải
Trong khi các cấp chính quyền vẫn đang loay hoay tìm biện pháp giải quyết tình trạng trên thì hàng trăm ha diện tích đất trồng lúa của các xã trên vẫn bị bỏ hoang, còn người dân thì vẫn mòn mỏi chờ đợi nước về hết năm này đến năm khác.
Mai Nguyễn – Hà Vũ