Giáo dục

Khi nào chính sách giáo dục thôi ‘phanh gấp’?

Mới đây, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu địa phương dừng hệ tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS đã gây bất ngờ cho các thí sinh và gia đình - những người đã có định hướng từ trước.

Dừng tuyển sinh lớp 6 vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam . Ảnh: TN


Những quy định "gây khó" mùa tuyển sinh 2024

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết sẽ dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024 - 2025. Những lớp không chuyên đã tuyển sinh từ các năm học trước sẽ tiếp tục học cho tới khi hết cấp học. Việc dừng tuyển sinh này được thực hiện theo quy định tại thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, chỉ tổ chức lớp chuyên trong trường THPT chuyên.

Cùng với hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hệ THCS của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng chịu ảnh hưởng từ quy định này.

Sau quyết định này nhiều phụ huynh, học sinh đã bày tỏ sự tiếc nuối. Học sinh Nguyễn Hữu Anh (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Mọi định hướng của em đã phải chuyển hướng khi có quyết định dừng tuyển sinh vào lớp 6 trường Ams2. Em thấy rất tiếc".

Anh Phạm Hoàng Giang (Hà Nội) cho rằng: "Một lý do mà phụ huynh đầu tư rất nhiều khi thấy con mình có tố chất tốt, không phải là một cái tên trường chuyên. Tôi thấy, ở các trường chuyện, trong mỗi lớp có các học sinh cùng trình độ với nhau nên chắc chắn cách dạy của giáo viên cũng hiệu quả hơn. Với một đội ngũ giáo viên giỏi liên hoàn, hỗ trợ bổ sung để giảng dạy, chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ tốt".

Trên diễn đàn “Đồng hành cùng các kỳ thi HSG tiếng Anh” có tới 146.900 lượt theo dõi, nhiều bình luận chia sẻ. Một phụ huynh chia sẻ: "Tôi không có con học trường Ams, cũng không có nhu cầu cho con thi vào đó, nhưng tôi thấy các cháu học giỏi cần phải được tập trung học riêng".

Trong văn bản trả lời Hà Nội về tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Bộ GD&ĐT đề nghị thành phố chỉ đạo việc này đúng quy định.

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục 2005 đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Nội dung này cũng được giữ nguyên ở Luật Giáo dục năm 2019. Mô hình khối THCS trong trường chuyên không nằm trong quy định pháp lý nào. Tuy nhiên, do tồn tại lịch sử, có hai trường là THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) và Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) có khối THCS.

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 05 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: “Các lớp THCS không chuyên trong các trường chuyên phải ngừng tuyển sinh".

Cũng trong mùa tuyển sinh 2024, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THCS, THPT được ban hành năm 2019. Công văn của Bộ GD&ĐT nêu rõ: "Với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên thì phải điều chỉnh và thông báo công khai". Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh lớp 10 tại một số địa phương.

Yêu cầu trên được Bộ GD&ĐT đưa ra khi một số địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 áp dụng hình thức cộng điểm ưu tiên, xét tuyển thẳng các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế - IELTS từ 4.0 trở lên.

Nêu lý do về việc dừng này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: "Phải khẳng định rằng quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GD&ĐT không có quy định dùng chứng chỉ IELTS tuyển thẳng và Bộ GD&ĐT cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Tức là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định".

Ông Thành cho biết, vừa rồi Bộ GD&ĐT nhận thấy một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đó cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.

Việc thanh, kiểm tra chưa rốt ráo?

Trong thông tin về việc dừng tuyển sinh lớp 6 trong Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (còn gọi là Ams2), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, việc dừng tuyển sinh Ams2 là theo chỉ đạo của thành phố, sau đề nghị của Bộ GD&ĐT. Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu để tham mưu, đề xuất UBND thành phố có phương án phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo yêu cầu đào tạo nguồn học sinh chất lượng cao, đáp ứng nguyện vọng của học sinh và phụ huynh Thủ đô.

Khác với Hà Nội vẫn đi tìm giải pháp, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định tách trường chuyên Trần Đại Nghĩa thành hai trường độc lập, gồm một trường chuyên và một trường liên cấp THCS, THPT. Học sinh hệ THCS của trường chuyên cũ sẽ được chuyển sang trường liên cấp, tuyển sinh mới bình thường, ngay từ năm học tới.

Trước đó, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, việc tổ chức hệ THCS chất lượng cao ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được thực hiện theo Luật Thủ đô. Luật cho phép TP Hà Nội xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chất lượng cao với các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Đây là chính sách đặc thù. Từ năm 2009, UBND TP.Hà Nội cho phép thí điểm đào tạo hệ THCS trình độ cao, tạo nguồn cho học sinh chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giữa Luật Thủ đô và Luật Giáo dục 2005 thì Luật sẽ phải theo Luật nào. Mặt khác, chỉ riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chính sách đặc thù này liệu có phù hợp.

Hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam duy trì được gần 30 năm qua và là một trong những cơ sở được đánh giá có chất lượng tốt. Việc tuyển sinh lớp 6 của trường luôn trong tình trạng quá tải và là điểm nóng mỗi mùa tuyển sinh về. Cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 200 học sinh nhưng thường có khoảng 3.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép thành lập vào năm 2002, chuyển từ Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Đây cũng là trường THPT chuyên duy nhất tại TP Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ THCS như Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hiện toàn trường có khoảng 3.000 học sinh ở cả 2 cấp THCS, THPT, trong đó chỉ có hệ THPT đào tạo chuyên.

Liên quan đến việc học ngoại ngữ để chuẩn bị thi chứng chỉ IELTS, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói: "Nếu các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ thì việc học đó cũng rất đáng để khuyến khích, điều đó giúp ích nhiều cho các cháu sau này. Đây cũng là việc để các em học, rèn luyện các kỹ năng bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không có gì là lãng phí. Bên cạnh đó, nếu học sinh đã được đầu tư học tập như vậy thì khi thi vào lớp 10, ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ thì bản thân các em sẽ tự tin hơn".

Liên quan đến việc dừng tuyển sinh lớp 6 ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, Thông tư 05 đã ban hành được một năm nhưng có hiệu lực từ mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay. Đó là lý do các năm trước, hai trường nói trên vẫn tuyển lớp 6.

Như vậy, theo lý giải, địa phương, nhà trường đều có “khoảng chờ” để chuẩn bị cho việc dừng hẳn tuyển sinh này. Dù quy định đã có hoặc có "khoảng chờ" để thực hiện quy định đã nêu nhưng nhiều phụ huynh, học sinh vẫn không khỏi đột ngột trước những quy định trên trong mùa tuyển sinh năm 2024. Vậy, phải chăng trong công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định giữa Bộ GD&ĐT và địa phương chưa thông suốt và rốt ráo?

Tuyển sinh đầu cấp, đối với mỗi cá nhân học sinh và gia đình là những bước chuyển quan trọng; nên trong thực tế, các gia đình và phu huynh đã có định hướng từ một vài năm trước cho học sinh. Chính vì thế, hai quyết định gần đây đối với công tác tuyển sinh đầu cấp của ngành giáo dục đã mức độ nào đó khiến thí sinh và gia đình rơi vào bị động. Chính vì vậy, rất nhiều phu huynh đề xuất: Các quy định liên quan tới giáo dục, nhất là với tuyển sinh, cần có "khoảng chờ: nhất định để người học chủ động, có kế hoach ôn tập, chuẩn bị. Đồng thời, việc thanh, kiểm tra liên ngành cũng cần chặt chẽ hơn để cơ sở thực hiện đúng quy định đã được đặt ra. Có như vậy, những chính sách giáo dục mới thôi "phanh gấp", người học có định hướng và nhận được sự công bằng trong tuyển sinh.

Tác giả: Lê Vân

Nguồn tin: Báo Tin Tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP