Hương Khê

Hương Khê: Hàng trăm ha rừng bị chặt phá tan hoang, nhưng lập lờ việc xử phạt

Sự yếu kém trong khâu quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng huyện Hương Khê đang khiến hàng trăm ha rừng tự nhiên ở khu vực đầu nguồn sông Ngàn Sâu bị chặt phá tan hoang. Hàng chục loài gỗ có đường kính lớn bị đốn hạ, hàng nghìn hộ dân sinh sống cận sông Ngàn Sâu trong tình cảnh thấp thỏm lo âu lũ quét… Thời gian qua, nhiều hộ dân thôn Trường Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bức xúc về sự việc chính quyền xã Lộc Yên triệu tập 5 hộ dân tại thôn này lên UBND để nộp phạt với lí do chặt phá rừng ở Tiểu khu 227 ( thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Theo phản ánh của những hộ dân này, họ được giao khoán khoảng trên 2ha rừng/hộ từ năm 2013 theo chính sách giao đất, giao rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

hatinh24h

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên lý giải về quy trình xử phạt hành chính đối với 5 hộ dân vi phạm phá rừng.

Nhưng, khi được giao rừng tại Tiểu khu 227, người dân lại dở khóc dở cười khi mặc dù đã là rừng sản xuất nhưng đối tượng lại là rừng tự nhiên. Nghĩa là họ chỉ được chăm sóc, trồng xen chứ không được chặt phá để trồng mới, canh tác những loài cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, Tiểu khu 227 trải dài và cách khu vực dân sinh xã Lộc Yên hàng chục cây số đường rừng, phải lội bộ cả ngày mới tới nơi nên canh tác cây lâm nghiệp là điều “không tưởng” và thu hoạch lâm sản để đưa ra điểm thu mua là “bất khả thi”. Bởi theo lí giải của họ, những khu rừng “béo bở” gần trung tâm thì chính quyền đã bán cho những người có tiền, còn dân đen thì phải chấp nhận lấy xa, những nơi mà người có tiền không thèm đoái hoài đến.

Vì thế, cách duy nhất mà 42 hộ dân thôn Trường Sơn và thôn Trung Sơn (xã Lộc Yên) có thể kiếm ra tiền từ rừng là chặt phá cây để lấy gỗ. Gỗ mà các hộ dân này đốn hạ có hàng trăm chủng loại, từ những cây bụi đến những loài có giá trị như vạng, kền kền, bèn bét… Còn nhưng loại gỗ có giá trị cao hơn như vàng tim, dỗi, táu thì đã bị lâm tặc đốn hạ trước đó.

Việc chặt phá rừng diễn ra hằng năm trời, chính quyền mặc dù biết nhưng chẳng hề có động thái can thiệp, chỉ đến khi 5 hộ dân tại thôn Trung Sơn chặt phá cây ở những ha đất rừng cuối cùng tại khoảnh 6 Tiểu khu 227 thì lực lượng chức năng mới vào cuộc và lên phương án xử phạt.

Ông Nguyễn Trung Kiên, một hộ dân thôn Trường Sơn bị chính quyền xã Lộc Yên 3 lần triệu tập lên UBND xã để phạt tiền bày tỏ bức xúc: “Tiểu khu 227 có tổng diện tích hơn 1.500ha được giao cho hơn 500 hộ thuộc xã Lộc Yên tác nghiệp, phần lớn người dân đã chặt phá cây rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo, chúng tôi chỉ là những hộ dân cuối cùng phá cây để canh tác, nhưng không hiểu lí do vì sao xã không xử phạt những hộ dân đã phá rừng trước đó mà chỉ triệu tập 5 hộ chúng tôi để phạt tiền, trong khi chúng tôi là những người cuối cùng tham gia vào việc chặt phá cây”.

“Gần một năm trời chặt phá cây rừng, chính quyền biết đó nhưng không can thiệp, nhắc nhở, chỉ đến khi sự việc đã rồi thì họ mới kêu lên đòi xử phạt. Việc xử phạt lại không có biên bản, giấy tờ gì nên 5 hộ dân chúng tôi nhất quyết không nộp phạt” – ông Đặng Văn Thọ (1 trong 5 hộ dân bị chính quyền triệu tập lên đòi xử phạt) tỏ ra bất bình trước việc xử phạt thiếu minh bạch của lãnh đạo xã Lộc Yên.

Mang những bức xúc của những hộ dân đang tác nghiệp tại Tiểu khu 227 lên chính quyền xã Lộc Yên, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) lí giải: “phần lớn cây rừng thuộc Tiểu khu 227 là rừng giàu, theo quy hoạch là rừng sản xuất nhưng đối tượng lại là rừng tự nhiên, có nhiều chủng loại cây, trong đó có những cây gỗ có giá trị. Vì thế, những hộ dân nào phát cây, chặt rừng thuộc tiểu khu này sẽ bị xử phạt theo pháp luật”.

Tuy nhiên, ông Hưng không thể trả lời được câu hỏi của chúng tôi về việc tại sao hàng trăm hộ dân đều chặt rừng hàng năm trời nhưng chính quyền chỉ triệu tập 5 hộ cuối cùng để xử phạt. Còn để trả lời cho câu hỏi xã dựa vào căn cứ nào, nghị định nào để xử phạt 5 hộ dân trên thì ông Hưng trả lời: “việc xử phạt 5 hộ dân tại thôn Trường Sơn là dựa trên sự tham mưu của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn là ông Nguyễn Khắc Nam (thuộc hạt kiểm lâm huyện Hương Khê), mỗi hộ bị phạt mức hành chính dưới 5 triệu đồng.

Từ đây, đặt ra cho dư luận người dân xã Lộc Yên một nghi vấn: việc chính quyền xã Lộc Yên phối hợp với cán bộ hạt kiểm lâm huyện Hương Khê trong thời gian trước đó đã thực hiện việc xử phạt hành chính với hộ dân nào chưa? Bởi Tiểu khu 227 có trên 1.500 ha và hơn 500 hộ dân được giao rừng, và phần lớn diện tích là rừng tự nhiên, tập trung nhiều loại gỗ có giá trị và đã bị tàn phá gần hết.

Để nắm rõ vấn đề, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Kim Hùng, trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Ngàn Sâu (đơn vị quản lý Tiểu khu 227 đã chuyển giao lại cho người dân theo Nghị định 137 năm 2013). Ông Hùng cho biết, Tiểu khu 227 phần lớn diện tích là rừng tự nhiên, có nhiều loại gỗ có giá trị, phần diện tích đất trống cũng có nhưng không đáng kể.

“Nếu bị chặt phá sẽ ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh lưu vực sông Ngàn Sâu, và đơn vị chịu trách nhiệm cho việc tàn phá rừng tự nhiên thuộc về chính quyền địa phương và cao hơn là hạt kiểm lâm huyện Hương Khê”.

Làm việc với ban lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Cự Duẫn, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê xác nhận có tình trạng trên xảy ra ở địa bàn. Ông Duẫn cho biết: “Rừng được giao cho người dân, dân nhận và chăm sóc, nhưng họ lại lợi dụng vào đó để khai thác rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc bảo vệ, quản lý là rất khó, để điều tra và xác minh phải mất cả quá trình, nên việc người dân phá rừng là điều khó tránh khỏi”.

Để hàng trăm hecta rừng bị tuyệt diệt, trách nhiệm thuộc về ai? Và việc xử phát theo cái cách mà chính quyền UBND xã Lộc Yên có sự tham mưu của cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê có đúng quy trình hay không? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng có liên quan tại tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Văn Tuân – Lê Mỹ / Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP