Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TN
2 phương án
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xin ý kiến 2 phương án:
Phương án 1: Giữ như Dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Phương án 2: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.
Trước đó, kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 ĐBQH đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đề nghị nghiên cứu hình phạt “thiến hóa học”
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đồng tình với phương án 2. Bởi những em mà cố ý gây thương tích, hiếp dâm thì không thể là trẻ em bình thường nữa mà cá biệt, phải xử lý.
“Cần xử nghiêm trường hợp này để xây dựng môi trường tốt, để trẻ em trong xã hội này yên tâm hơn”, ông Phương nói và đề nghị quy định rõ hơn, hình thức vi phạm tội hiếp dâm (Điều 144).
“Tòa án, Viện Kiểm sát nói rất khó xác định, chạm đến hay đã làm tổn hại đến người bị hại, mức độ nào quy định là tội phạm?”, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu.
Cùng quan điểm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề, “tôi cảm giác chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa xử lý hình sự và giảm nhẹ hình phạt”.
“Có thể giảm nhẹ hình phạt, chứ không thể không xử lý. Còn nếu chỉ xử lý ở cấp độ ở 2 tầng trên, như thế sẽ dung túng cho các em, trái cả về nguyên lý, lý luận và thực tiễn”, ông Nhưỡng nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích, từ tổng kết phạm tội của Bộ Công an, thực tiễn phòng, chống tội phạm, trẻ em chủ yếu phạm tội ở tội phạm nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, sát phạt nhau… .
“Các em không thể đi bắt cóc tống tiền được, cũng không ai tin tưởng giao cho các em số tiền lớn để các em lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được”, ông nhấn mạnh một lần nữa, giữ nguyên quy định của BLHS 2015.
Các ĐBQH tham dự hội nghị. Ảnh: TN
Vừa qua, các cơ quan báo chí thông tin về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí, có việc ông nội, bố đẻ xâm phạm tình dục đối với con đẻ, cháu ruột của mình.
ĐB Nhưỡng nhấn mạnh, đây là điều trái thuần phong mỹ tục, đây là hiện tượng loạn luân không thể chấp nhận được.
“Tôi cho rằng cần có biện pháp mạnh, gần đây đã có ý kiến đưa vấn đề “thiến hóa học” vào, đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì nên nghiên cứu để thực hiện”, ĐB Nhưỡng đề nghị.
Sớm đưa vào vòng tố tụng có là phương án tốt nhất?
Ở quan điểm khác, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) lại thống nhất chọn phương án 1 để bảo đảm chính sách nhân đạo nhất quán, cũng như phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên
“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất tình trạng bạo lực học đường mà chúng ta chưa ngăn chặn được, mỗi năm không dưới 2 ngàn vụ, trong đó có cả cố ý. Mà nguyên nhân là do công tác quản lý mạng, giáo dục ở nhà trường, gia đình… Nếu chúng ta hình sự hết thì có khả thi hay không?”, ĐB Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu.
Theo ĐB Minh, kể cả khi xem xét các tội ít nghiêm trọng trong đó có tội hiếp dâm, không thể loại trừ các trường hợp các em nhận thức chưa đầy đủ.
“Trong độ tuổi từ 14 đến dưới 16 cần phải xem xét cho đầy đủ. Quan điểm của Ủy ban là đề nghị giữ nguyên như khoản 2 Điều 12 BLHS 2009. Còn nếu chi tiết ra thì phải theo phương án 1”, bà Ngô Thị Minh nói.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên là quá nặng.
Việc sớm đưa các em vào vòng tố tụng không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt cho xã hội.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thì áp dụng các biện pháp giáo dục tại nhà trường, xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính… là phù hợp, đủ sức răn đe và tạo môi trường thuận lợi hơn cho các em phát triển lành mạnh.
Thảo Nguyên/Thanh Tra