Kinh tế

Háo hức ngóng tuyến mới với cước vận tải rẻ hơn đường bộ 5 lần

Ông Đỗ Trung Học – Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất trong việc cấp chứng nhận cho tàu chạy tuyến ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình là Quy chuẩn kỹ thuật tàu cấp SB đã được Bộ GTVT ban hành từ cách đây 10 năm. Tàu S1 muốn chuyển cấp lên SB chỉ cần bổ sung lại một số hạng mục kỹ thuật và được đánh giá lại thiết kế. Nếu đáp ứng yêu cầu, thời gian cấp giấy chứng nhận kể từ khi nhận hồ sơ chỉ từ 3-7 ngày. Từ ngày 14/6 đến nay, Phòng Tàu sông phải bố trí thêm nhân lực làm thêm cả vào thứ bảy và chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, cấp hồ sơ”. 

Thực hiện chỉ đạo Bộ GTVT về việc mở tuyến vận tải sông pha biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng tới Vũng Áng (Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn chuẩn bị các điều kiện cần thiết về phương tiện, thuyền viên để đăng ký khai thác.
 Vận tải thủy có ưu thế giá rẻ, nhưng còn yếu trong việc kết nối với đường bộ, đường sắt
Vận tải thủy có ưu thế giá rẻ, nhưng còn yếu trong việc kết nối với đường bộ,
đường sắt
Doanh nghiệp hào hứng
Theo Cục Đăng kiểm VN, trong vòng 1 tuần qua có ít nhất 5 doanh nghiệp có trụ sở tại khu vực phía Bắc gửi hồ sơ đến đơn vị này đề nghị thẩm định hồ sơ thiết kế và cấp giấy chứng nhận nâng hạng gần 10 tàu thủy nội địa chở hàng khô, chở dầu từ cấp S1 (tàu sông cấp cao nhất) lên cấp VR-SB (tàu được chạy trên tuyến pha sông biển). Các phương tiện đề nghị chuyển cấp chủ yếu có trọng tải 2-3 nghìn tấn. Trong đơn đề nghị chuyển cấp tàu, tất cả các chủ phương tiện đều cho biết là để đăng ký khai thác tuyến vận tải pha sông biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào miền Trung mà Bộ GTVT sắp mở.
“Cục ĐTNĐ VN chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải VN và các Vụ liên quan trình Bộ GTVT các đề xuất cụ thể về điều kiện phương tiện, thuyền viên, người lái trước ngày 25/6. Trong đó, dự kiến sẽ đề xuất công bố tuyến vào tháng 6/2014. Tháng 7/2014, cho phép 20 tàu cấp SB chạy thí điểm. Từ tháng 8 đến tháng 12/2014 cho phép các phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Cục ĐTNĐ cũng chủ trì phối hợp với Cục Hàng hải VN, biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng liên quan để đảm bảo cho phương tiện hoạt động an toàn”.
Ông Hoàng Minh Toàn 
Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ VN
Cũng theo ông Học, trên thực tế, khá nhiều phương tiện đang được trang bị các thiết bị như cấp SB (rada, la bàn, hải đồ…) tương đương với cấp tàu SB nhưng vẫn đăng ký ở cấp S1 vì lý do hiện cả nước chưa có tuyến vận tải pha sông biển nào. Hiện cả nước có 170 phương tiện mang cấp SB cũng chủ yếu hoạt động phục vụ công trình trong những khoảng thời gian ngắn, thời vụ. Và trong số 4.000 chiếc tàu cấp S1 hiện có, chắc chắn nhiều phương tiện có đủ điều kiện nâng cấp lên SB nếu có nhu cầu.
Liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ thuyền viên, ông Hoàng Minh Toàn – Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN cho biết, ngày 17/6, Cục đã phối hợp với Cục Hàng hải VN tổ chức thông báo chiêu sinh rộng rãi đến các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia khai thác tuyến, trong thời gian đào tạo dự kiến từ 20-25/6/2014, với đối tượng đào tạo là thuyền trưởng hạng Ba trở lên và có thời gian làm thuyền trưởng từ 2 năm. Thời gian đào tạo nâng cấp là 110 giờ và người tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện trên tuyến được công bố.
Tuyến đường thủy Quảng Ninh đi một số tỉnh phía Bắc hiện có hàng trăm tàu sông chở container đang hoạt động
Tuyến đường thủy Quảng Ninh đi một số tỉnh phía Bắc hiện có hàng trăm tàu sông chở container đang hoạt động
Đột phá về giá cước 
Trao đổi với PV Báo Giao thông về phương án nâng cao năng lực tuyến vận tải ven biển từ bến, cảng khu vực Bắc bộ đến các tỉnh miền Trung và ngược lại, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay việc vận chuyển hàng hóa giữa Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình chủ yếu bằng đường bộ. Theo thống kê sơ bộ của một số doanh nghiệp cảng ở các tỉnh, thành này, trung bình mỗi tháng có ít nhất hai đến ba trăm ngàn tấn hàng hóa được vận chuyển. Các mặt hàng chủ yếu gồm bột đá, xi măng, than cám, cát gạch, đất sét, xăng dầu, sắt thép, thiết bị, mangan…
“Lượng hàng này, nếu chuyển đi đường thủy sẽ đỡ rất nhiều cho đường bộ. Doanh nghiệp cũng sẽ được lợi do chi phí vận tải bằng đường thủy nhìn chung chỉ bằng 1/5 – 1/6 so với phương thức vận tải đường bộ, trong khi thời gian vận chuyển chỉ lâu chừng gần 2 lần” – ông Nhật nói.
Trên thực tế, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20’ vào khoảng 10-12 triệu đồng đi Nghệ An – Hà Tĩnh khoảng 18-20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An – Hà Tĩnh khoảng 3-3,2 triệu đồng. Thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ.
“Kết quả khảo sát cho thấy, lượng hàng mà các chủ hàng đề xuất sử dụng phương tiện thủy nội địa cấp VRS1 tại khu vực cảng biển Hà Tĩnh (hàng đến và đi) khoảng 50.000 tấn/tháng; nếu sử dụng phương tiện vận chuyển đường bộ sẽ cần khoảng  2.500 xe, nếu sử dụng được phương tiện thủy nội địa chỉ cần khoảng 70 phương tiện/tháng” – ông Nhật phân tích.

Huy Lộc – Thanh Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP