Tàu ngầm Kilo. |
Tờ báo khẳng định chiến lược hải dương của Việt Nam là “chống tiếp cận, chống chiếm giữ” (thuật ngữ quân sự là A2/AD). “Người Việt Nam hiểu rằng họ phải dựa vào chính sức lực tự thân để bảo vệ lãnh thổ và ngăn chặn bàn tay của Trung Quốc”, The Diplomat nhận định.
Cũng theo tờ báo có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản), mục tiêu trước mắt của chiến lược hải dương của Bắc Kinh cũng là chiến lược A2/AD nhưng để nhằm ngăn chặn và đối phó với Mỹ, sau đó là bành trướng sức mạnh hải quân Trung Quốc ra khắp thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc phải đủ sức phòng vệ và ngăn chặn các chiến hạm và tàu ngầm tối tân hơn của đối phương.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược tăng cường khả năng chống tàu ngầm nhưng đó là một điểm yếu khó lòng khắc phục của hải quân nước này.
Theo một bài viết khác trên The Diplomat, hầu hết các loại vũ khí chống ngầm của Trung Quốc như tàu hộ tống 056, máy bay do thám Y-8 và các hệ thống sonar cảm biến âm thanh dưới nước đều phụ thuộc vào khoảng cách từ căn cứ đến chiến trường. Thêm vào đó, tàu ngầm lớp Kilo chạy diesel – điện của Việt Nam thuộc loại vận hành êm nhất. Như vậy, với các tàu ngầm Kilo mua từ Nga, Việt Nam có thể xoay chuyển thế cân bằng lực lượng chiến thuật trên Biển Đông theo hướng có lợi cho mình.
Video
Clip tàu ngầm Kilo Hà Nội tiến vào Cam Ranh
Tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea chở theo tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo 636 của Việt Nam hôm 31/12 tiến vào vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), neo ở gần Mũi Sộp (Mũi Hời).
Lễ thượng cờ Tổ quốc trên tàu ngầm HQ-182 Hà Nội. |
Theo bình luận của giới chuyên gia quân sự quốc tế, Việt Nam hiện có trang bị quân sự không bằng Trung Quốc nên chiến lược A2/AD bất đối xứng này đúng là một bước đi chiến lược khôn khéo để chống lại tham vọng bành trướng và xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của Bắc Kinh.
Giáo sư Colin Koh, Học viện nghiên cứu quốc tế tại Singapore cho rằng, chính hạm đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam đã khiến sự tính toán của Trung Quốc thêm phức tạp trong kế sách chiếm đoạt thêm đảo ở Trường Sa dù rằng lực lượng hải quân của họ lớn hơn nhiều với 70 tàu ngầm.
“Chiến lược bất đối xứng cổ điển do các nước yếu áp dụng chống nước mạnh là điều mà người Việt Nam hiểu rất rõ. Vấn đề là liệu họ có thể hoàn chỉnh nó trong lòng đại dương rộng lớn hay không? Tất nhiên, Việt Nam vẫn luôn khẳng định họ chỉ thi hành chiến lược phòng thủ nhưng quả thật công cuộc phòng thủ ấy đã khiến Bắc Kinh không thể manh động thêm”, giáo sư Colin Koh nhận định.
Theo Lương Minh/Infonet