Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Quyết liệt xây dựng trường chuẩn Quốc gia

Từ dịp vào hè, nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đều tập trng quyết liệt xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các công trình đáp ứng yêu cầu trường học đạt chuẩn Quốc gia để chuẩn bị cho năm học mới.

Trường THCS Phan Huy Chú (huyện Thạch Hà) đang cũng cố xây dựng hoàn thiện các công trình để kiểm tra lại trường CQG và chuẩn bị đón năm học mới.
Trường THCS Phan Huy Chú (huyện Thạch Hà) đang cũng cố xây dựng hoàn thiện các công trình để kiểm tra lại trường CQG và chuẩn bị đón năm học mới.

Vượt khó xây dựng trường chuẩn từ miền núi đến đô thị

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Hàm Nghi ở huyện Vũ Quang khi việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia đã hoàn thành. Đây là một trong nhiều trường học được xây dựng trên địa bàn miền núi.

Ngôi trường được xây dựng với sự đồng lòng của cấp ủy địa phương, sự đóng góp công sức của giáo viên, phụ huynh và doanh nghiệp trên địa bàn.

Thầy Nguyễn Bảo Ngọc – Hiệu trưởng – hồ hởi cho biết: “Trường đươc xây dựng bên cạnh một quả đồi nên việc xây dựng được ngôi trường khang trang như hiện nay đã phải trải qua nhiều khó khăn.

Việc huy động đóng góp ở đây rất khó, vì có 49% con em thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Số lượng học sinh toàn trường mỗi năm chỉ từ 300 – 400 em.

Phần khung của trường được xây dựng nhờ chương trình dự án của huyện Vũ Quang. Còn phần nội thất do nhà trường, chính quyền địa phương huy động xã hội hóa trong 3 năm từ các cá nhân được hơn 500 triệu đồng.

Để hoàn thành được công trình, phải kể đến 3 năm liên tục giáo viên của trường quyết liệt thực hiện các công việc xây dựng. Đặc biệt, trong 1 năm giáo viên trang trí phòng bộ môn, phòng truyền thống, may riđô, lắp ghép bàn ghế, sơn tường…; Huy động phụ huynh và doanh nghiệp trên địa bàn san lấp mặt bằng…

Trường THCS Hàm Nghi được xây dựng khang trang và được công nhận đạt chuẩn gần 1 năm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương; sự đồng lòng của giáo viên, phụ huynh”.

Mỗi địa phương có một sáng kiến, cách làm riêng nhưng đều có chung một mục đích, đó là tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có môi trường dạy – học tốt nhất. Giúp giáo viên học sinh yêu ngôi trường của mình.

Trường mầm non Đức Thuận được xây dựng trong khuôn viên 5.000 m2. Có 2 tòa nhà được xây dựng kiên cố, khang trang. Khuôn viên trường được trồng nhiều cây bóng mát và hoa. Khu vực sân chơi của các cháu rộng rãi với đầy đủ các loại đồ chơi. Khu vườn cổ tích đẹp lạ lùng…Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Tự hào về ngôi trường của mình, cô Đoàn Thị Minh Hồng – Phó Hiệu trưởng – nói: “Ngôi trường được xây dựng được khang trang và to đẹp như thế này là nhờ được sự quan tâm đầu tư của chính quyền, sự đồng lòng góp sức xây dựng của giáo viên, của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn”.

Ưu tiên nguồn lực cho xây dựng trường chuẩn Quốc gia

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh kiểm tra trường chuẩn QG tại trường mầm non Đức Thuận. 

Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh Lê Văn Bình cho biết: “Ngay từ khi thành lập thị xã cho đến nay, hằng năm chúng tôi đều trích ngân sách 20% đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Áp dụng chủ trương 4 hóa, trong đó có “cao tầng hóa” trường lớp, nhờ thế các nhà trường mới được khang trang như ngày hôm nay.

Chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 6/2014 thị xã đã huy động được 71,5 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, cấp ủy, chính quyền thị xã đã tập trung chỉ đạo ngành Giáo dục và các phường, xã phải rà soát cụ thể từng tiêu chí của trường chuẩn để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện vững chắc từng tiêu chí.

Sau đó phân bổ kinh phí cho những trường có kế hoạch đăng ký xây dựng mới và kiểm tra công nhận lại chuẩn Quốc gia để ngay từ đầu năm các đơn vị có thể chủ động xây dựng.

Đến nay, Hồng Lĩnh trở thành một trong những điểm sáng của phong trào xã hội hóa giáo dục với tỷ lệ trường đạt chuẩn cao, có 16/20 trường được công nhận chuẩn Quốc gia và công nhận lại chuẩn Quốc gia.

Các trường sau khi đạt chuẩn vẫn thường xuyên được củng cố. Do vậy sau khi Sở kiểm tra lại theo định kỳ thì không bị thu hồi chuẩn mà các trường còn đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng lên. Vì thế phụ huynh đem con đến trường nhiều hơn.

Hằng năm TX Hồng Lĩnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo cơ chế thị xã 60%, phường, xã 40% hoặc thị xã 50%, địa phương 50%.

Ngoài ra, thị xã còn huy động từ các nguồn xã hội hóa khác. Trong đó, nguồn ngân sách của thị xã và các địa phương vẫn tập trung vào xây dựng các công trình lớn; nguồn kinh phí xã hội hóa dùng để bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học, các bổ sung, tu sửa nhỏ.

Cô Nguyễn Thị Hải Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT – cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi trong việc đánh giá trường để công nhận đạt chuẩn được thực hiện một cách quyết liệt, thẳng thắn và thực chất.

Chính vì thế, qua công tác kiểm tra, rà soát gần đây, Sở đã tham mưu, đề nghị tỉnh thu hồi bằng công nhận chuẩn của 59 trường (43 trường tiểu học, 9 trường mầm non và 7 trường THCS) với lý do cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu”.

Sự xuống cấp về CSVC tại các trường học một phần là do sau khi được công nhận chuẩn, trường không được tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, ngoài ra, yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở vật chất ngày càng cao hơn.

Chính vì thế, “rút chuẩn” là một trong những biện pháp để các trường và địa phương có kế hoạch đầu tư nâng cấp, phấn đấu đạt chuẩn theo đúng lộ trình.

Mỗi năm học kết thúc cũng là lúc các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh lại sôi nổi với chiến dịch huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.

Phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng và phát huy hiệu quả đồng thời góp phần quan trọng trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với người dân Hà Tĩnh, chất lượng và môi trường giáo dục luôn được quan tâm đầu tư hàng đầu.

Minh Thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP