Có mặt tại làng biển Phú Hải thuộc xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh vào sáng sớm, hay cuối buổi chiều, hàng chục chiếc thuyền nối đuôi nhau cập bến. Ngư dân ở đây chủ yếu dùng thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, chiều tối ra khơi và đến sáng sớm thì trở về
Những ngư dân nơi đây cho biết, nghề đi biển đã có hàng trăm năm nay, thế hệ sau kế nghiệp thế hệ trước. Đó cũng là nghề mang lại thu nhập chính cho các gia đình. Cũng theo các ngư dân thì từ tháng 1 đến tháng 8, là khoảng thời gian ra khơi thuận lợi nhất.
Một năm sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra thì giờ hoạt động đánh bắt đã trở lại bình thường và nhộn nhịp. Ngư dân phấn khởi, hào hứng ra khơi, còn các tiểu thương cũng tìm tới tận biển để thu mua hải sản
Cứ sau một đêm thuyền lại cập bến với đủ các loại cá như cá hố, các trích, bạc má, mực…. Trung bình, sau mỗi đêm ra khơi trừ hết các chi phí thì mỗi ngư dân cũng kiếm được từ 300-500 nghìn đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn An, người có gần 15 năm gắn bó với nghề đi biển tâm sự: “Đến nay đã gần 15 năm tôi gắn bó với nghề đi biển. Trừ những ngày biển động, thì ngày nào tôi cũng đi biển. Khi sự cố môi trường biển xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn. Mấy tháng liền sau đó chúng tôi chỉ ở nhà, không biết làm gì. Giờ thì biển đã sạch, chúng tôi lại tiếp tục bám biển ra khơi. Thấy các tiểu thương đã về tận nơi để thu mua chúng tôi rất phấn khởi”.
Đối với những người phụ nữ không thể đi theo thuyền ra biển thì họ dùng lưới kéo để đánh bắt cá gần bờ. Sau một đợt cất lưới (khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ) nếu kéo trúng đàn cá thì họ cũng kiếm được từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng. Biển thực sự đã mang lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây.
Những gánh cá nặng trĩu, nụ cười tươi rói trên những gương mặt đen sạm của những ngư dân. Đó là thành quả của một ngày ra khơi, một ngày lao động mệt nhọc. Không khí ảm đạm, đìu hiu tại các cửa biển sau sự cố ô nhiễm môi trường biển như xóa tan thay vào đó là khung cảnh nhộn nhịp, kẻ bán người mua…
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: Báo Dân trí