Dư luận Hà Tĩnh và cả nước vừa dậy sóng khi câu chuyện đôi vợ chồng già 90 tuổi ngất lịm trước phiên tòa mình làm bị đơn. Nhiều độc giả không khỏi chua chát đặt câu hỏi: Tình người ở đâu?
Từ lý đến tình
Sáng ngày 10/12, tại TAND TP Hà Tĩnh, một phiên tòa liên quan đến tranh chấp thừa kế đã được đưa ra xét xử. Điều đáng nói, nguyên đơn là một người phụ nữ từng gọi bên phía bị đơn là… bố mẹ chồng.
Theo đó, nội dung phiên tòa mang ra xét xử vụ án con dâu Phạm Thị Lê H. khởi kiện bố mẹ chồng về việc tranh chấp ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 100m2 và 2 mặt tiền.
Hai bị đơn là cụ Nguyễn Doãn Đống (87 tuổi) và Nguyễn Thị Nhỏ (77 tuổi), trú ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Chủ tọa phiên tòa là phẩm phán Trần Đức Chính.
Từ sáng sớm, ngay khi bước vào cổng TAND TP Hà Tĩnh, chúng tôi đã phải chứng kiến cảnh tượng rất đau lòng. Cụ bà Nguyễn Thị Nhỏ được con cháu dìu vào để tham dự phiên tòa bởi cụ bước đi không vững. Một lúc sau, cụ ông mới được gia đình đưa tới, trong tình trạng phải… bế trên tay.
Cụ Đống đến dự phiên tòa trong tình trạng phải bế trên tay |
Nhìn cảnh hai cụ nằm xoãi dài trên ghế, mắt thiếp đi mệt mỏi, khiến những người tới dự không khỏi ái ngại.
Qua tìm hiểu dược biết, trước đó, gia đình cụ Đống đã 2 lần xin hoãn tòa để điều trị bệnh nặng. Thế nhưng, mặc cho 2 cụ đang cấp cứu, cứ 7 ngày, tòa lại gửi giấy mời yêu cầu các cụ phải đến tòa dự xử (?!).
Hai cụ có đầy đủ hồ sơ bệnh án do bệnh viện cung cấp và đã nộp tại toà nhưng không hiểu sao, ngày 4/12, thẩm phán Trần Đức Chính lại một lần nữa ký vào Giấy báo phiên tòa số 1471/2015/DSST/GBPT, yêu cầu cụ bà Nguyễn Thị Nhỏ phải có mặt tại phiên tòa ngày 10/12 với tư cách là bị đơn. Phiên tòa “ép” này khiến 2 vợ chồng cụ Nhỏ phải đến hầu tòa cùng bác sỹ và các dụng cụ y tế đi kèm.
Phiên tòa diễn ra được ít phút thì cụ Nhỏ ú ớ nói được vài câu khi chủ tọa phiên tòa hỏi rồi ngất lịm, bác sĩ đi cùng hoảng hốt đo huyết áp cho cụ Nhỏ và kết quả là 210/70 mmHg. Ngay sau đó, mọi người phải bế đôi vợ chồng già chạy từ toà án, đến thẳng phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng. Trước tình huống đột ngột này, vị chủ tọa miễn cưỡng tạm hoãn phiên tòa.
Đơn xin hoãn tòa lần 2 của bị đơn do sức khỏe cụ Đống yếu. |
Người nhà của 2 cụ bức xúc cho biết: “Mặc dù gia đình đã gửi hết giấy tờ khám chữa bệnh xác nhận cho thấy bố mẹ tôi đang điều trị bệnh, thế nhưng TAND TP Hà Tĩnh triệu tập liên tục 3 phiên xử. Chúng tôi không rõ tại sao tòa làm vậy, nhưng điều này là hoàn toàn bất lợi cho bị đơn”.
Liên quan đến vụ việc này, một luật sư nhận định, việc thẩm phán phiên tòa vội vàng mở liên tục các phiên xử khi đương sự đang ốm, cho thấy có nhiều bất thường, thiếu khách quan. Bởi một vụ việc dân sự có thể điều chỉnh, thay đổi về thời gian xét xử.
Trước khoảnh khắc khán phòng nhốn nháo vì mọi người đang sốt sắng lo cho tính mạng của 2 cụ, thì ở hàng ghế bên nguyên đơn, ánh nhìn dửng dưng, bình thản của cô con dâu tên H. và cậu con trai 6 tuổi khiến nhiều người thấy chua chát thay. Còn ở phía trên cao, vị thẩm phán Chính buông xuống cái nhìn vô cảm. Tình người ở đâu trong phiên tòa này?
Có dấu hiệu xử ép?
Theo phản ánh trước đó của vợ chồng cụ Nguyễn Doãn Đống và Nguyễn Thị Nhỏ, vào khoảng tháng 12/2006, anh Nguyễn Doãn B. (con út của cụ Đống) được người chị gái tặng riêng một mảnh đất diện tích 100m2, 2 mặt tiền.
Hình ảnh chua chát tại phiên tòa xét xử tranh chấp thừa kế giữa cô H. và vợ chồng cụ Đống. |
Năm 2008, anh B. cưới chị Phạm Thị Lê H. rồi cùng “xây tổ ấm” trên mảnh đất này. Tuy nhiên, năm 2011, anh B. không may qua đời. Từ đó, chị H. và cậu con trai 6 tuổi vẫn ở trong ngôi nhà ấy. Chuyện sẽ chẳng có gì, nếu như không có việc đầu năm 2015, cô con dâu Phạm Thị Lê H. cứ khăng khăng nhận mình là con nợ để đòi bán ngôi nhà đó nhưng ông Đống và bà Nhỏ đã không chấp nhận.
Đứng trước phản ứng của bố mẹ chồng, chị H. đã đệ đơn lên TAND TP Hà Tĩnh. Sau khi tiếp nhận đơn, tòa đã gửi giấy mời, yêu cầu các bên liên quan có mặt để tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, sau 2 lần hòa giải, 2 bên vẫn không có tiếng nói chung.
Theo tìm hiểu của PV cũng như đơn trình bày của chị H. cung cấp cho tòa, trước đó, trong quá trình xây nhà và vay vốn làm ăn, gia đình chị có khoản nợ trên 800 triệu đồng. Chị H. giải trình, số tiền nợ này có từ khi anh B. còn sống. Do đó, chị H. đề nghị bán nhà để trả nợ, số tiền này sẽ chia cho những người được hưởng thừa kế.
Tuy nhiên, theo 2 cụ, trước khi mất, anh B. có cho biết, xây nhà không phải nợ khoản tiền nào. Thấy chưa đúng với lời trình bày của con dâu nên 2 cụ đã không đồng ý bán. Được biết, ngôi nhà của vợ chồng anh B. và chị H. được xây xong vào năm 2009. Thế nhưng, trước tòa, chị này lại trình bày khoản nợ để xây nhà là vào năm 2010.
Măc cho 2 cụ đang cấp cứu, tòa vẫn gửi giấy mời yêu cầu các cụ phải đến tòa dự xử |
Ngoài ra, khi đối chiếu một số chữ ký trong giấy tờ vay nợ thấy không giống nhau, vợ chồng cụ Đống nghi ngờ có người làm giả nên đã liên tiếp gửi đơn đề nghị TAND thành phố trưng cầu giám định chữ kí của anh Nguyễn Doãn B. trong các hợp đồng, giấy tờ để làm rõ đúng sai.
Sau khi nhận được đề nghị giám định chữ ký, TAND TP Hà Tĩnh do thẩm phán Trần Đức Chính ký một thông báo về cho vợ chồng cụ Nho. Trong đó có nêu, trong vòng 10 ngày, 2 cụ phải nộp số tiền tạm ứng chi phí giám định là 10 triệu đồng để làm các thủ tục.
Nhận được thông báo này, 2 vợ chồng cụ Nho không khỏi bàng hoàng, bởi chỉ giám định một chữ ký của người đã mất mà tòa án bắt các cụ phải nộp số tiền tạm ứng chi phí là 10 triệu đồng.
Trong khi theo quy định của bộ Tài chính về “Quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí giám định Tư pháp trong lĩnh vực kĩ thuật hình sự” mức thu phí giám định chữ viết, chữ kí đối với một mẫu giám định là 1.820 nghìn đồng. Sau khi hỏi lại tòa thì được ông Chính trả lời số tiền này là do phía công an yêu cầu thu, còn bên tòa không thu (?!).
PVMT / Người Đưa Tin
[dailymotion id=”x3htqkr”]