Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các sinh viên, giảng viên trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ trăn trở trước nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục đào tạo. Văn kiện đặt mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên nhiều ý kiến đại biểu cho rằng thực tế đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với sự nghiệp giáo dục con người, đào tạo nguyên khí quốc gia.
Một đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đảng (Ảnh: website Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Ngô Thu Trang, thủ khoa xuất sắc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn nội dung trong Văn kiện, nêu rõ “Nhà nước có vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển giáo dục đào tạo; ngân sách của Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”. Tuy nhiên, theo Ngô Thu Trang, ban soạn thảo cần xem xét lại chỉ tiêu này sao cho cụ thể hóa và phù hợp hơn với hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt của người dân, đảm bảo tốt nhất quyền học tập, quyền con người cơ bản đã được thể chế trong Hiến pháp.
Bạn Ngô Thu Trang cho rằng, ngày càng có nhiều mô hình giáo dục ở các cấp, tuy nhiên, câu hỏi ở đây là có bao nhiêu sinh viên có đủ điều kiện để học tập trong các môi trường giáo dục đó. Trong khi thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ khi nhận được giấy báo đỗ đại học phải cất vào một chỗ, gác lại sự nghiệp học tập để lao vào công cuộc mưu sinh. Mặc dù Chính phủ có chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn, nhưng với mức 1 triệu đồng/tháng không đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt của sinh viên. Chưa kể, tháng 9 vừa rồi, Bộ Giáo dục – Đào tạo trình Chính phủ Dự thảo về mức trần học phí đã kéo theo hệ quả là học phí ở các trường đại học đều tăng, khiến gánh nặng học phí của các gia đình sinh viên càng nặng thêm. Theo số liệu của WB năm 2010, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam chỉ chiếm 14% đầu tư của ngân sách Nhà nước cho giáo dục. So với GDP, tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,9%, con số rất nhỏ so với ý nghĩa quan trọng của giáo dục con người, đào tạo nguyên khí quốc gia.
Bạn Trang đề nghị Nhà nước cần nhìn nhận lại con số hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với giáo dục. Văn kiện Đại hội đề ra đường hướng cơ bản, tuy nhiên cũng cần cụ thể hóa trong chính sách và pháp luật sao cho có thể hỗ trợ thiết thực hơn đối với học sinh, sinh viên nghèo, khó khăn, phù hợp với mức sống bình thường của họ.
Một trong những tồn tại khác của ngành giáo dục đào tạo cũng được nhắc đến đó là tình trạng đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu thực tế, dẫn đến thừa thầy thiếu thợ, gia tăng cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm không đúng chuyên môn, rất lãng phí.
Đề cập tồn tại này, giảng viên Trần Trọng Phong, Đại học Kinh tế quốc dân đề nghị cần bổ sung nội dung về cơ cấu nguồn nhân lực trong phần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Theo giảng viên Trần Trọng Phong, sẽ góp phần hạn chế tình trạng cơ cấu nguồn nhân lực lệch lạc, không gắn với nhu cầu của xã hội; nâng cao khả năng dự báo nhu cầu nghề nghiệp góp phần định hướng không để xảy ra tình trạng chạy theo các ngành nghề “hot”, chạy theo xu hướng đám đông.
Đặc biệt, tình trạng chảy máu chất xám, một trong những tồn tại khác của ngành giáo dục đào tạo thời gian qua cũng khiến nhiều ý kiến trăn trở. Bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Cần Thơ Diệp Bình Nguyên cho rằng, sở dĩ để xảy ra tình trạng nhiều cán bộ sau khi được đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước cống hiến; nhiều sinh viên khi ra trường không muốn về quê hương lập nghiệp mà ở lại thành phố là do môi trường làm việc chưa tương xứng, không đáp ứng yêu cầu, giống như việc đầu bếp được đào tạo để làm việc cho một khách sạn 5 sao nhưng lại phải nấu ăn cho một quán ăn lề đường.
Để “níu chân” các nhà khoa học trẻ về nước cống hiến, Bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Cần Thơ cho rằng không có cách nào khác là phải tạo cho họ môi trường làm việc thuận lợi, chế độ ưu đãi tốt, đặc biệt xây dựng, đầu tư tại một số trường, học viện các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để người trẻ có môi trường thực hiện đam mê nghiên cứu của mình./.