Với ống kính máy ảnh tiêu cự 300mm, hình ảnh Mặt Trăng hiện lên khá rõ nét.
Khoảng 19h, Đà Nẵng có mây, một số thời điểm Trăng bị mây mù che khuất. Hình ảnh Mặt Trăng được chụp tại cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn.
Trăng đan vào dây văng cầu Trần Thị Lý như một nốt nhạc.
Nhiều người dân và các bạn trẻ đổ ra bãi biển, công viên ven sông Hàn để tận mắt thấy hình ảnh nửa thế kỷ mới gặp một lần này.
Siêu trăng ở thời điểm được cho là đạt cực đại khoảng 20h52. Theo tính toán về lý thuyết, lúc này đĩa sáng Mặt Trăng có đường kính lớn hơn thời điểm xa Trái Đất nhất khoảng 14% và độ sáng mạnh hơn khoảng 30%. Tuy vậy, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn trẻ, cho rằng thực tế so với lần trăng tròn thông thường, siêu trăng chỉ có đường kính lớn hơn dưới 10%.
Hà Nội trời nhiều mây, ánh trăng lúc tỏ lúc mờ từ hướng Nhà Thờ Lớn (quận Hoàn Kiếm).
Siêu trăng quan sát được từ vị trí cột cờ Hà Nội (quận Ba Đình).
Dù bị mây che ngang, Mặt Trăng vẫn phủ một lớp ánh sáng trắng lên cây cầu Long Biên.
Các bạn trẻ yêu thiên văn tụ tập tại sân Trung tâm thể thao Đại học Bách khoa (số 62 Ngô Sỹ Liên, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thích thú khi thấy cận cảnh Mặt Trăng ở thời điểm đạt cực đại.
Một bạn trẻ dùng điện thoại ghé sát vào ống ngắm từ kính thiên văn và ghi lại hình ảnh siêu trăng khá rõ nét.
Siêu trăng là hiện tượng Mặt Trăng đi vào điểm gần Trái Đất nhất đúng thời điểm trăng tròn. Tối 14/11, Mặt Trăng được cho là cách Trái Đất 356.536 km. Đến 25/11/2034 người yêu thiên văn mới lại thấy hiện tượng này.
Nguyễn Đông – Ngọc Thành