Mẹ, Tú Anh và đôi chân giả đã đồng hành với con gái trên mọi nẻo đường - Ảnh: DOÃN HÒA |
Sau một trận sốt lên cơn co giật hồi bé, hai chân của Tú Anh cứ teo dần và phải nhờ đến đôi chân giả cùng không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhưng cô gái ấy kiên định: "Mình muốn học đại học để sau này có việc làm ổn định tự nuôi sống bản thân và lo cho gia đình".
Cô sinh viên 25 tuổi và khát vọng đến giảng đường trên đôi chân không lành lặn
10 tuổi vào lớp 1
Chiều muộn một ngày giữa tháng 8, gặp Tú Anh khi bạn vừa từ trung tâm dạy tiếng Trung về nhà ở phường Trung Đô (TP Vinh, Nghệ An). Con ngõ nhỏ vừa hai người qua lại dẫn sâu vào căn nhà rộng chừng 20m2 là nơi ở của năm người trong gia đình Tú Anh.
Cất vội tư trang, cô bạn lại chuẩn bị sách vở để kịp dạy thêm ngoài giờ cho một học sinh khác. Gian phòng khách cũng là phòng ngủ chật chội, không có gì đáng giá được dọn dẹp gọn lại thành nơi dạy kèm tại nhà của cô gái nhỏ. Nhìn con gái miệt mài dạy thêm, mẹ Tú Anh - bà Lê Thị Hoa - nghẹn giọng khi kể về những gian khó mấy mẹ con cùng trải qua.
Bị di chứng chất độc da cam từ cha, đôi bàn chân bà Hoa bị teo tóp khiến việc đi lại cũng khá khó khăn. Sinh ba người con nhưng hạnh phúc đổ vỡ, bà dắt díu ba đứa con nhỏ về nhà ngoại nương nhờ. Mấy mẹ con tá túc trong túp lều dựng tạm trên mảnh đất nhỏ được ông bà ngoại để lại.
Bà Hoa kể năm lên 5 tuổi, cô con gái Tú Anh bị một trận sốt lên cơn co giật tưởng chừng không thể giữ được sinh mạng. Cũng vì quá nghèo, không có điều kiện chạy chữa cộng thêm ảnh hưởng di truyền từ di chứng chất độc da cam mà đôi chân Tú Anh cứ nhỏ dần như bà.
Dù sức khỏe yếu nhưng mỗi ngày bà Hoa vẫn gắng gượng buôn bán rau ở những khu chợ lân cận nuôi các con. Tú Anh không thể tới trường như các bạn, nhưng ngày nào tan buổi chợ về, bà cũng thấy con gái rất ham học, tập viết chữ, đánh số trên nền gạch. Nhiều đêm thức trắng, người mẹ tự vấn: "Cuộc đời mình đã khổ, chẳng lẽ rồi tụi nhỏ cũng phải khổ theo!".
Vậy là phải tuổi lên 10, Tú Anh mới vào lớp 1 với rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các thầy cô giáo. Hơn các bạn cùng lớp bốn tuổi nhưng cô bé gầy yếu gần như nhỏ con nhất lớp nên cũng bị bạn bè bắt nạt làm cô học trò nhỏ Tú Anh rất tự ti, sống khép mình.
Dẫu vậy, dù ngày nắng hay ngày mưa, hiếm khi thầy cô và bạn bè thấy Tú Anh nghỉ học. Mà suốt 12 năm phổ thông, cô bạn luôn đạt học sinh khá giỏi.
Tú Anh (trái) làm thêm tại một trung tâm ngoại ngữ để tích góp tiền học đại học - Ảnh: DOÃN HÒA |
Cách sống quyết định cuộc sống
Mấy năm trước, trong một lần chạy chợ về giữa trời mưa lớn, bà Hoa không may té xe gãy tay nên sức khỏe suy giảm hẳn. Cũng từ đó, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào khoản trợ cấp người khuyết tật ít ỏi hằng tháng.
Tháo cặp chân giả, đôi chân tân sinh viên Tú Anh lộ rõ những vết chai sần. Cô gái chỉ vào cái chân giả khoe: "Người bạn thân của mình, nếu không có nó mình đã không thể đi lại và đến trường được như ngày hôm nay".
Tú Anh nói rất thích tiếng Trung nhưng các trường đại học có chuyên ngành tiếng Trung đều ở Hà Nội hoặc Sài Gòn. Trong khi mẹ mắc bệnh tim, hen suyễn, đi lại khó khăn nên nếu bạn đi học xa nhà sẽ có nhiều vất vả khó có thể tự mình giải quyết được.
Kết thúc 12 năm phổ thông, lòng Tú Anh cũng rối bời. Bàn bạc với mẹ, bạn đã định tạm gác lại việc học đại học, xin đi làm thêm, cố gắng để dành được chút tiền rồi tính tiếp việc học. Bởi việc đi học lúc ấy trở thành gánh nặng quá lớn với gia đình cũng như bản thân.
Cân phân tới lui, sau ba năm tạm gián đoạn học để đi làm, nay cô bạn quyết định chọn ngành kế toán. Lý giải của Tú Anh là bây giờ còn có thể đi dạy thêm nhưng sức khỏe vốn ngày một yếu đi, bạn muốn chọn một ngành phù hợp, kết hợp với tiếng Trung để sau này có thể làm kế toán cho công ty nước ngoài chẳng hạn.
Tú Anh kể có người từng hỏi bạn trong cuộc sống có khi nào thấy bế tắc và muốn buông xuôi không nhưng qua những thông tin trên sách báo đọc được, cô tự nhận mình còn may mắn lắm vì nhiều người hoàn cảnh còn éo le hơn. "Lựa chọn cách sống sẽ quyết định cuộc sống của mỗi người mà", Tú Anh bộc bạch.
Cô gái giàu nghị lực Niềm yêu thích tiếng Trung của Tú Anh nhen nhóm từ những đoạn phim nước ngoài bạn xem được. Dù không có phiên dịch nhưng Tú Anh vẫn hiểu ý các câu thoại. Vậy là cô gái bắt đầu mày mò tự học rồi tìm đến một trung tâm tiếng Trung để nhờ "chữa giúp lỗi". Chị Đậu Thị Hoàng Anh - giám đốc Trung tâm Hoa ngữ Việt Trung - nói khi gặp và biết hoàn cảnh gia đình, chị nhận ra Tú Anh là cô gái giàu nghị lực, lạc quan và có ý chí mạnh mẽ. "Trung tâm quyết định miễn phí hai khóa và thấy bạn học tiến bộ rất nhanh. Hiện chúng tôi còn tạo điều kiện để Tú Anh có thể dạy thêm sau khi đã có chứng chỉ tiếng Trung", chị Hoàng Anh cho hay. |
Tác giả: Doãn Hòa
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ