Xã hội

Đường về chông gai của người sau cai

Để trở lại cuộc sống bình thường khi đã mất mát nhiều, thậm chí mất hết tuổi trẻ và cơ hội, nhiều người sau cai đã phải tìm một động lực rất lớn để vượt qua chính mình.

Anh BHD (phường 11, quận Bình Thạnh) da đen nhẻm, dáng người cao gầy khắc khổ, ngồi lặng lẽ cùng con gái năm tuổi rất xinh xắn trong khán phòng của hội nghị gặp gỡ người sau cai tiến bộ được tổ chức tại quận Bình Thạnh. Khi chủ tọa hỏi các anh chị có đề nghị gì với địa phương, anh BHD đứng lên trình bày: “Tôi đang chạy xe ôm. Chiếc xe của tôi đã cũ quá rồi. Tôi chỉ đề nghị địa phương hỗ trợ vay vốn mua xe mới để tôi đi làm nuôi con. Con tôi sắp đi học rồi, cần nhiều tiền hơn để đóng vô trường…”.

Lời đề nghị giản dị của anh khiến nhiều người xúc động. Con gái anh một tay ôm chặt bó hoa được tặng, một tay níu chặt tay cha…

Cái níu tay của bé út

Trò chuyện với PV, anh BHD cho biết anh dính ma túy cách đây hơn 16 năm. Từng là chàng thanh niên nổi loạn, sống bất cần, anh muốn thử qua mọi thứ, kể cả heroin. Sau vài lần thử, anh trở thành “thằng nghiện”. Gia đình đã đưa anh đi cai nghiện vài lần, rồi về anh lại tái nghiện bởi cảm giác trống rỗng. Anh như không có ai để thuộc về, không có nơi nào để thuộc về. Anh nói: “Tôi đã nhiều lần trộm cắp để chích ma túy. Mọi người thấy tôi là né tránh”.

Rồi anh lấy vợ. Anh từ chối kể về mối nhân duyên của mình nhưng đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Khi đón con gái đầu lòng trong tay, anh quyết tâm làm lại, dứt hẳn với ma túy. Anh quyết tâm đi cai lần cuối cùng, trong vòng hơn một năm, anh không đụng đến ma túy nữa. Anh nói: “Con cái là động lực lớn thôi thúc tôi”. Nhưng cuộc đời đẩy anh đến một loạt thử thách nghiệt ngã khác. Một hôm con gái anh ốm nặng. Đưa con đi xét nghiệm, anh sững sờ khi biết con bị nhiễm HIV. Vợ chồng anh cũng có cùng kết quả bị nhiễm!

Một thời gian sau, con gái lớn của anh mất. Anh đau đớn tuyệt vọng. Nhưng may mắn đứa con gái út của anh chị khỏe mạnh bình thường. Nhìn con gái út xinh xắn như một búp măng, anh quyết định gượng dậy lần nữa. Anh làm bảo vệ, rồi phụ hồ, rồi chạy xe ôm. Vợ anh làm công nhân. Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng tích cóp cho con. Anh đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Con gái anh chuẩn bị vào lớp 1.

“Tôi biết nhiều người không bỏ được vì họ không có lý do nào để cố gắng. Cắt cơn thì dễ nhưng quay trở lại cuộc sống bình thường rất khó. Tôi cũng vậy nhưng tôi phải vươn lên vì con” - anh nói.

Anh BHD và con gái. Anh cho biết trải qua những mất mát khủng khiếp, nay anh vin vào con gái để đứng lên làm lại. Ảnh: HỒNG MINH

“Tôi đứng lên từ tình thương của mẹ”

Anh PHK (phường 3, quận Bình Thạnh) không có gia đình và con cái như anh BHD. Động lực để anh quay lại cuộc sống là: “Một hôm tôi tỉnh dậy và nghĩ về mẹ. Bà sống khổ vì tôi quá. Tuổi trẻ cũng qua rồi, cơ hội cũng mất hết rồi, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu ở tuổi 47, nhưng tôi quyết tâm cai một lần cuối cùng vì mẹ. Bà đã nhiều lần báo công an khi biết tôi lén xài ma túy. Tôi giận mẹ lắm. Nhưng sáng hôm đó, nghĩ thấy tội nghiệp bà quá”.

Khó như nhảy từ dưới hố lên cây

Cai nghiện đã khó nhưng hòa nhập và sống ổn định sau cai mới là khó nhất. Tôi từng cảm thấy không còn gì để mất nữa, gia đình cũng không ai cần mình. Tôi đi xin việc không ai nhận vì nhìn thể trạng tôi là đoán được. Tôi chỉ có một con đường đi làm phụ hồ. Tôi quyết tâm dứt hẳn, rồi cũng dứt được. Nhảy từ dưới hố lên cây khó quá thì tôi cứ bò lên mặt đất đã, rồi leo tiếp. Tôi đem kinh nghiệm của mình để giúp đỡ cho các bạn trẻ đang cai ma túy. Tôi hay nói là tôi tưởng quá trễ rồi mà còn cai được, mấy bạn đừng làm phí tuổi trẻ của mình.

Anh KHANH (đồng đẳng viên quận Gò Vấp) tại hội thảo năm 2016 của Trung tâm LIN

Và buổi sáng hôm đó, anh quyết tâm đi cai “lần cuối”. Nhưng “lần cuối” đó cũng không hề dễ dàng vì đó là những ngày nối tiếp trong cô đơn tuyệt vọng. Anh từng tìm đến một ngôi chùa ở tỉnh xa rồi quay về. Những ngày mất phương hướng vì lông bông không nghề nghiệp, cộng thêm sự kỳ thị của cộng đồng, anh lại chán nản tìm quên trong ma túy. Những lần như vậy, người đến gặp anh đầu tiên luôn là… công an phường. Anh kể: “Mấy ảnh có lúc chửi nặng lắm, có lúc nhẹ nhàng động viên. Mấy cô ở khu phố cũng xuống trò chuyện, khuyên tôi đứng lên làm lại. Tôi mới hứa vầy: Thôi được rồi tôi sẽ cố thêm lần cuối nữa”.

Anh được giới thiệu đi làm việc nhưng những nơi tiếp nhận đều dè chừng. Cuối cùng, anh “neo” lại ở một siêu thị, làm bảo vệ ca đêm ở đó. Ban ngày anh chạy xe Grab. Cuộc sống anh dần trở lại bình thường. Cuộc sống giản dị đó của anh là niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ anh. Anh nói: “Nhiều người không cai được vì gia đình họ cũng kỳ thị và không chấp nhận họ. May mà tôi có mẹ và mấy anh ở phường. Tôi rục rịch gì mấy ảnh cũng biết hết”. Anh cũng đề nghị được vay vốn để mua xe mới chạy Grab. Hiện nay anh có cuộc sống khá bận rộn, vui vẻ, lạc quan.

Cần cho người sau cai hai điểm tựa

Phường 11 trước đây có rất nhiều người nghiện. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây đã giảm mạnh và tình hình ổn hơn rất nhiều. Kinh nghiệm của phường 11 là phải cho người sau cai hai điểm tựa: Thứ nhất là giúp công ăn việc làm. Ai chưa có việc thì các ngành liên quan phải giúp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hoặc cho vay vốn để họ có sinh kế.

Điểm tựa thứ hai là về mặt tinh thần. Công an khu vực thường xuyên thăm hỏi, nhắc nhở và nắm rõ những mối quan hệ bạn bè của người sau cai. Ai có những mối quan hệ phức tạp dễ quay trở lại con đường cũ thì phải quan tâm nhiều hơn, vận dụng tâm lý để tác động đến họ, có khi mềm mỏng có lúc cứng rắn, đưa đi xét nghiệm ma túy nếu cần thiết.

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN, Phó Trưởng Công an
phường 11, quận Bình Thạnh

Tác giả: HỒNG MINH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

  Từ khóa: hoàn lương , ra tù

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP