Giải trí

Đừng nói ca sĩ miền Nam không học

"Nói thật, chỉ có nghệ sĩ miền Bắc mới phân biệt thôi chứ dân trong Nam không ai để ý đâu. Hãy công bằng chứ đừng nên nói năng chạm lòng nhau như thế" - ca sỹ Ánh Tuyết đáp lại ý kiến gây tranh cãi của Thanh Lam.

Những ngày gần đây, làng giải trí bất ngờ dậy sóng vì phát ngôn của ca sĩ Thanh Lam.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, Thanh Lam nói: “Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này. Nhưng đó chỉ là dấu hỏi thôi, chứ theo tôi, không nên phân biệt vùng miền”.

Câu nói của Thanh Lam bị cắt cúp khiến dư luận tranh cãi.

Để có thông tin đa chiều, VietNamNet đã ghi nhận một số trao đổi của các nghệ sĩ, nhạc sỹ về vấn đề này.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: "Bằng cấp có nhất thiết gắn chặt với thành công không?"

Trả lời câu nên hiểu nội hàm “học hành, chuyên nghiệp” sao cho đúng, nhạc sỹ Quốc Bảo cho biết: “Tôi không thể đoán định người phát biểu muốn nói ý gì, có "nội hàm" hay không, hay chỉ là một phát biểu mây bay gió thoảng. Giả sử như lời phát biểu ấy nghiêm túc đi, thì liệu bằng cấp có nhất thiết gắn chặt với thành công hay không? Nhưng chúng ta hãy hỏi lại người phát ngôn”.

NS Quốc Bảo không bắt học trò phải học Nhạc viện nhưng khuyên họ nên học nền tảng cơ bản.

Quốc Bảo cũng nói thêm, với những học trò anh dạy, dù không khuyến khích họ phải thi đỗ Nhạc viện, học 5 năm nhưng anh vẫn luôn nhắc nhở động viên họ học các lớp hàm thụ để có nền tảng cơ bản.

Về môi trường nghệ thuật miền Bắc và miền Nam, nhạc sĩ cho rằng có khác biệt ở thời điểm năm 2000. Khi ấy Sài Gòn đã có sinh hoạt tụ điểm, phòng trà, dạ vũ còn Hà Nội phát triển theo hướng đoàn văn công hơn là giải trí thuần túy. Tuy nhiên ở thời điểm năm 2017 thì hai môi trường không khác nhau bao nhiêu.

Trước thông tin có tình trạng phân biệt vùng miền, trình độ trong nghề, Quốc Bảo trả lời: “Thực sự tôi đã làm việc với ca sĩ cả nước, với bất kỳ ai mà tôi thấy có thể cộng tác được, chưa bao giờ để bản thân bị bẽ bàng hay đối xử không tốt. Mà tôi là người Nam”.

Ánh Tuyết: "Nghệ sĩ miền nào cũng có cái dở vì không ai hoàn hảo".

“Về chuyện phân biệt, tôi thấy ngấm ngầm có nhưng không nên. Bạn làm trong văn hoá – nghệ thuật, nếu muốn chứng minh mình có văn hoá thì nói năng phải lựa lời, tôn trọng cái chung. Thực tế, tôi thừa nhận chuyện có nhiều nghệ sĩ nhờ quảng cáo mà lên nhưng không nên phân biệt Nam – Bắc như thế. Nghệ sĩ miền nào cũng có cái dở vì không ai hoàn hảo cả.

Quay lại từ thời kỳ đầu của nền âm nhạc Việt Nam, có mấy ai học đâu? Những nghệ nhân đi từ dân gian lên đâu qua trường lớp học hành? Bản chất âm nhạc xuất phát từ tự nhiên, cuộc sống. Có người học rất nhiều, nhưng thiếu sự thông minh, nhạy cảm.

Ánh Tuyết cho rằng không nên phân biệt vùng miền trong nghệ sĩ.

Đừng nói ca sĩ miền Nam không học. Chúng tôi ngày xưa tiếp cận âm nhạc từ cấp 1 đấy. Sinh viên từ thành phố tới tỉnh lẻ đều biết đánh đàn, sáng tác, hát. Nhiều tên tuổi nổi tiếng trước 1975 rất đẳng cấp. Dù khi ấy, không có mấy trường nhạc trên cả nước.

Boléro và cải lương thuộc về miền Nam. Chúng xuất phát từ dân gian, và chỉ phù hợp với cuộc sống, tính cách của người miền Nam. Bây giờ, Boléro bất ngờ lan toả ra. Tôi không phủ nhận một số nhà kinh doanh bây giờ chỉ biết “thổi phồng, đánh bóng”, bất chấp nghệ thuật để làm việc theo mục đích thương mại. Tuy nhiên, những người đi lên nhờ công nghệ thay vì năng khiếu sẽ tắt nhanh thôi.

Bạn thấy, Đức Tuấn đâu từ học hành gì mà kiến thức nhiều người không bằng. Có câu “Con thi trường học, mẹ thi trường đời”. Người mẹ phải học ở trường đời mới dạy được con. Âm nhạc là vô biên và thiên về năng khiếu. Học thuật chỉ để bổ sung cho ai biết vận dụng. Học hành ra mà hát chỉ để hát to, hát lớn thì không ai nghe nổi.

Nói thật, chỉ có nghệ sĩ miền Bắc mới phân biệt thôi chứ dân trong Nam không ai để ý đâu. Hãy công bằng chứ đừng nên nói năng chạm lòng nhau như thế".

Mỹ Hạnh: Câu chữ từ người nói đến người đọc đã đi qua 3 – 4 đường

“Với tôi chuyện đúng – sai rộng lắm. Chúng ta nhìn tích cực sẽ thấy tốt, còn nhìn tiêu cực thì mọi thứ đều xấu xa tiêu cực. Bạn nói ra điều gì, chưa chắc người nghe đã hiểu đúng ý bạn. Thậm chí nếu hiểu đúng, chưa chắc họ truyền đạt lại đúng. Câu chữ từ người nói đến người đọc đã đi qua 3 – 4 đường rồi.

Ca sĩ Mỹ Hạnh - giọng trầm nổi tiếng cùng thời với diva Thanh Lam.

Tôi có nói thêm vào cũng không thay đổi được gì, có tốt lên hay xấu đi cũng chỉ là theo nghĩa mà tôi nói, không phải của Thanh Lam. Tôi nghĩ như vậy không có nghĩa là mọi người hay Thanh Lam cũng nghĩ giống mình. Tôi sợ khi mỗi người nói thêm một câu vào chẳng làm sự việc tốt lên mà còn xé ra to thêm.

Như bạn đang hỏi tôi, tôi cũng chỉ nói cảm nhận của mình chứ không thể thay ai nói lên cảm giác của họ”.

Tác giả: Gia Bảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Ánh Tuyết , Thanh Lam , làng sao

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP