“Phải đổi mới hơn nữa lề lối, phương pháp làm việc với các nhà trường…” là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đặt ra với các vụ chức năng tại hội nghị triển khai kế hoạch ngân sách năm 2013.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị ngân sách 2013.(Ảnh: Văn Chung)
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việc cấp kinh phí cho các cơ sở như hiện nay phải thay đổi. Trong năm 2013 nếu không thay đổi thì nhân sự của Vụ Kế hoạch tài chính cũng phải thay đổi”.
“Về mặt phương pháp tư tưởng, tôi đề nghị nói và làm đi đôi với nhau. Tôi có cảm giác nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giảng viên đang tư duy theo cách”tôi làm không sai”. Chúng ta phải nghĩ khác. Hãy nghĩ làm sao không chỉ đúng, tốt mà phải sáng tạo, hiệu quả cao. Nếu không làm được sẽ không đổi mới được”.
Phần phát biểu dài gần 1 giờ đồng hồ như một thông điệp mạnh mẽ cho quyết tâm đổi mới của ngành trong năm 2013.
2013 là năm có nhiều biến động của ngành giáo dục, với những chuyển biến mạnh mẽ. Sau khi ban hành một số văn bản quản lý nhà nước chưa hợp lý, Bộ GD-ĐT đã chấn chỉnh công việc làm văn bản và điều chuyển công việc của nhân sự có liên quan. Người dân tiếp tục hy vọng khoảng cách giữa “nói và làm” sẽ có thêm những điều kiện để thực thi.
“Thầy cô giáo phải dấn thân ít nhiều”
Từng làm Bộ trưởng GD-ĐT, sau đó là Phó Thủ tướng, rồi đến Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, ông Nguyễn Thiện Nhân dành nhiều tình cảm cho giáo dục.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại lễ tuyên dương 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013 sáng 17/11. (Ảnh: Văn Chung)
Trong lễ tuyên dương 160 giáo viên tiêu biểu sáng 17/11 tại Hà Nội, ông Nhân chia sẻ suy nghĩ và kể câu chuyện giản dị từ cuộc sống.
Đề cao vai trò người thầy, ông Nhân mong mỏi: “Mỗi nhà giáo mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm cũng phải dấn thân ít nhiều. 160 thầy giáo, cô giáo được tuyên dương hôm nay chính là những tấm gương tiêu biểu, ưu tú của một đội ngũ nhà giáo đã yêu nghề, dấn thân với nghề”.
’30 năm đào tạo học sinh giỏi, tôi cho mình điểm 0 nghề giáo’
Chia sẻ của một nhà giáo ở Hà Nội, là giáo viên dạy giỏi, được phụ huynh và học sinh tin yêu nhận được nhiều đồng cảm.
“Đối với giáo viên cấp THCS, thành tích thiết thực nhất vẫn được đưa ra làm cơ sở xét thưởng là: số học sinh đạt giải các kì thi học sinh giỏi, học sinh đỗ vào chuyên, vào cấp 3. Trường tôi, lớp tôi chủ nhiệm, cứ đến kỳ lại được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trở thành “lá cờ đầu”. Mỗi khóa của tôi đều có hàng chục học sinh có giải thành phố, đỗ vào các trường chuyên danh tiếng của Hà Nội với số điểm rất cao.
Sau hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, nhiều học sinh thành đạt đã trở về cảm ơn cô giáo. Nhưng nếu có ai hỏi tôi có hài lòng với những thành tích mấy chục năm dạy học không, tôi đánh số 0 ngay.
Tôi thấy mình chưa làm được điều mình muốn. Cái guồng quay của ngành vẫn đang quay vô cùng mạnh mẽ và những măt xích như tôi vẫn đang hối hả quay theo. Tôi không muốn nhồi học sinh đến đờ đẫn, nhưng vẫn phải nhồi”.
“Chỉ cần học đến lớp 9 là đủ”
Tháng 3 năm nay, clip mang tên “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” dài hơn 1 tiếng do một nam sinh lớp 12 với biệt danh “kẻ lười biếng” thực hiện.
Nam sinh bàn luận về giáo dục (Ảnh cắt ra từ clip trên Youtube).
Phát ngôn “gây sốc” nhất của nam sinh với biệt danh “kẻ lười biếng” là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ”, bởi theo cậu, ở tuổi 14 – 15, nhiều người đã biết xác định được khả năng và lối đi riêng cho mình. Cậu khẳng định không nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT. Vậy mà học sinh lại phải đáp ứng bài tập, bài học của hơn một chục môn học.
Bài thuyết trình nêu ra nhiều bất cập của giáo dục hiện tại, nhận được nhiều đồng tình của những người đã từng trải qua thời kỳ làm học sinh hay công tác trong ngành giáo dục.
Ngay quan điểm “học đến lớp 9” của “kẻ lười biếng” cũng đặt ra một vấn đề thời sự của đổi mới giáo dục, đó là “cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông”: 9, 11 hay 12 năm là đủ.
“Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”
Đỗ Nhật Nam, từng được mệnh danh là “dịch giả thần đồng” khi dịch sách tiếng Anh lúc 7 tuổi, trở lại sự quan tâm của dư luận với một đoạn video trả lời phỏng vấn. Trong đó, câu nói hồn nhiên của cậu khi nhắc lại lời mẹ “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” đã gây ra những tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Đỗ Nhật Nam
Nhật Nam là một nhân vật được cho là thành công từ kết quả của phương pháp “giáo dục sớm” (một cách dạy con mà nhiều bố mẹ trẻ ở thành thị hiện nay đang theo đuổi). Những tranh cãi về phát biểu của cậu bé cũng đại diện cho các quan điểm khác nhau về giáo dục trẻ em, nên để các em phát triển “tự nhiên” hay dạy từ sớm.
“Trận đánh lớn”
Tháng 10 năm nay, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã nhất trí thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (Ảnh: Lê Anh Dũng).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, ngành giáo dục coi lần đổi mới này như một “trận đánh lớn, nó xứng tầm như một cuộc cách mạng”.
Bộ trưởng Luận cho rằng, lần này chúng ta xác định có một sự thay đổi khác hẳn, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới. Đó là sự thay đổi khác.
Như vậy, chúng ta phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn là “máu thịt” của nhiều thế hệ học sinh, thầy cô giáo sang cách làm mới.
Theo Báo Vietnamnet