Họ tộc tại Hà Tĩnh

Dân tộc Chứt: Từ “bộ tộc lá vàng” đến thế giới văn minh

Gặp những người lính “cắm bản”

Từ kiếp sống ăn hang ngủ hốc ở trong rừng thẳm, “bộ tộc lá vàng” được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện đưa ra khỏi “thế giới hái lượm”. Sau hai mươi năm được gia nhập cộng đồng, người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) mới thấm thía hạnh phúc; cái đầu đã biết nghĩ, cái tay đã biết làm, những tàn dư lạc hậu cũ dần dần biến mất…
ht24h
Đồng bào Chứt thuở còn hoang sơ…

Tôi trở lại bản Rào Tre, nơi có đồng bào Chứt đang sinh sống trong buổi sáng cuối thu hây hẩy nắng vàng. Vẫn là ngọn núi Ka Đay giống hình con lạc đà, trên lưng dờn dợn mây trắng, nhưng “cái phần đuôi con lạc đà” ngày trước còn le te cây hoang dại, giờ được lợp kín những tán keo tai tượng mỡ màng, ánh ỏi. Những ngôi nhà sàn sâm sẫm màu ngói, thấp thoáng bóng trẻ em đang ngồi chơi trên sân hay dắt díu nhau ra bãi cỏ non bắt chuồn chuồn. Chưa đến mùa cấy lúa nước, cả làng vắng hoe. Cữ này đàn ông, đàn bà đều kéo nhau vào rừng kiếm củi, hái măng… Chờ khi nào qua đợt mưa dồn, thác nhảy, người Chứt mới cắm mạ xuống ruộng làm tiếp vụ sau..

Từ `Bộ tộc lá vàng'' đến thế giới văn minh
Bác sỹ Trạm Quân dân y Rào Tre khám sức khỏe cho trẻ em đồng bào Chứt

Vừa đặt chân tới ngôi nhà của những người lính biên phòng “cắm bản”, tôi thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy dòng chữ tươi rói trên tấm biển xanh “Trạm Quân dân y Rào Tre” với ngôi nhà cấp bốn chia thành ba gian thoáng mát. Phòng nào cũng trang bị giường inox, bóng điện nê-ông, quạt trần, chăn hoa, chiếu hoa… khang trang, sạch sẽ.

Vừa đo huyết áp và kiểm tra tim phổi cho bệnh nhân xong, bác sĩ Nguyễn Nam Giang mở túi thuốc lấy ra sáu viên thuốc, rồi nhẹ nhàng rót cốc nước đun sôi mời người đàn ông nọ uống. Giang nói với tôi: “Ông này bị cảm sốt hai ngày rồi, đắp chăn nằm rên mà không chịu lên trạm. Anh em bộ đội biên phòng dìu xuống đây điều trị để đêm tiện theo dõi. Bệnh nhân lưu lại đây một hôm nữa sẽ khỏi thôi”.

Đồn trưởng Đồn Biên phòng bản Giàng Trần Viết Hùng tâm sự: “Bà con người Chứt hiền như đất, thật như đếm, nhưng giờ khôn hơn ngày trước nhiều. Hầu hết họ đã có ý thức cất của để dành. Nhưng sức khỏe là vàng, nhiều người vẫn chưa biết giữ, có khi đang ốm họ ra giếng gội đầu cũng nên. Chính vì thế khi phát hiện trong bản có một người ốm, cả tổ công tác trạm Rào Tre mất ăn mất ngủ “.

Trung tá Biên phòng Dương Thanh Tịnh, anh lính xuống “cắm bản” từ khi người Chứt rời hang tới nay. Tịnh đã trở thành người con thủy chung nhất, nhưng cũng là người vất vả nhất, bởi anh được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ công tác, mọi việc to nhỏ trong dân đều đến tay anh. Ở lâu với dân, nên Dương Thanh Tịnh đã quen từng ngõ, thuộc tên từng người trong bản.

Tịnh kể: Cánh đàn ông người Chứt có sở thích uống rượu. Lợi dụng điểm yếu này, kẻ xấu ở vùng khác thường hay trà trộn vào gạ gẫm đổi hàng hóa. Khi chất men đã ngấm vào người, khách ưng gì họ đều đổi tất. Từ gạo, ngô đến gà, lợn, trâu, bò… đều bị men rượu “dắt” đi hết. Đã ba lần Tịnh cùng với năm chiến sĩ khác, phóng xe máy rượt đuổi hàng chục cây số để lấy lại ba con trâu cho bà con khi bị kẻ xấu mang đi.

“Cán bộ, chiến sỹ trong Đồn thường phải đi từng nhà thuyết phục vận động, rồi nhờ trưởng bản Hồ Kính đến giải thích. Hàng tuần họp bà con trong bản lại phải nhắc nhở” – Tịnh chia sẻ thêm. Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, họ đã giúp người Chứt hiểu ra một điều: Bộ đội thương mình mới giữ của cho mình. Thiếu gạo, thiếu chăn màn, thiếu thuốc họ còn cho mình, tại sao ta cứ làm khổ họ mãi thế?.

Chuyện ngày trước ở bản Rào Tre là vậy, nhưng bây giờ sự văn minh tiến bộ của cộng đồng đã nhập cuộc với người Chứt. Cái cảnh phụ nữ mang thai đến kỳ sinh nở phải dựng lều trong rừng sâu đẻ, hay phụ nữ đến chu kỳ kinh nguyệt phải nằm ngủ rừng sau năm ngày mới về nhà, hiện tại đã được “vùi sâu, chôn chặt”. Thậm chí nếu ai nhắc lại điều này họ còn thấy ngượng ngùng xấu hổ. Những người lính Biên phòng “cắm bản” không chỉ tỉ mỉ hướng dẫn, cách phòng bệnh mùa đông, cách phòng bệnh mùa hè, còn tập cho họ quen dần với nề nếp vệ sinh thân thể, như biết dùng bàn chải đánh răng, biết sử dụng xà phòng giặt quần áo, biết chỉnh trang tóc tai, biết đi dày dép và cầm gương soi…

“Cầm tay chỉ việc” từ vườn tới ruộng

Bây giờ bà con người Chứt, vẫn quen gọi cây chuối vườn nhà mình là “chuối ông Đệ”. Chả là vào năm 2000, Trung tá Kiều Minh Đệ được Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh điều chuyển vào tổ công tác đặc biệt. Tổ có 5 thành viên do Đệ làm tổ trưởng, với mục tiêu giúp đồng bào ở bản Rào Tre “xóa đói, giảm nghèo”.

Xách ba lô về bản chưa đầy một tuần lễ, Đệ nghĩ ngay đến việc phải khẩn trương “huấn luyện” bà con người Chứt biết thiết lập vườn cây, ao cá, chứ không thể để đất hoang, cây dại, cỏ bò vô tận sân như thế này mãi được. Suy đi tính lại, Kiều Minh Đệ nghiệm ra rằng, trong các loài cây dễ trồng và thu hái nhanh nhất vẫn là cây chuối. Thế rồi, Đệ tranh thủ về quê anh ở phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), bứng một lúc bảy gốc chuối thuê xe chở vào tận đơn vị. Đầu tiên anh trồng thí nghiệm ở quanh khu vực doanh trại mình và đem hai cây “biếu” trồng tại vườn nhà Trưởng bản Hồ Kính.

Đến mùa chuối trổ buồng, anh mời mọi người đến xem. Người Chứt mới xì xào chuối bộ đội và chuối trưởng bản ra quả đẹp lắm, quả xanh nấu canh được, quả chín ăn ngọt và ngon. Trăm nghe chẳng bằng một thấy, bà con dân bản mân mê, ai cũng vui cái bụng. Cứ thế, anh phân phát giống và hướng dẫn cho từng gia đình trồng.

Đơn giản từ trồng cây chuối, những người lính Biên phòng lại tiếp tục “cầm tay chỉ việc” để họ tập làm quen với các giống khác nhưng đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao hơn như cam, chanh, bưởi, na. Các anh bày cho họ chẻ giang, nứa làm giàn bầu bí, rồi bày cách vun luống khoai lang, trỉa hạt rau, hạt đậu thế nào cho nẩy mầm…

Trung tá Dương Thanh Tịnh nhắc lại: “Trăm thứ cực chẳng có nỗi cực nào bằng đưa người Chứt xuống ruộng tập cày, tập cấy lúa nước. Những buổi đầu tới ruộng, một số chị em cứ đứng tần ngần xem bộ đội cấy, chỉ mỗi công đoạn cắm cây mạ xuống bùn non thôi nhưng không ít người phải dặn đi dặn lại tới hàng chục lần”. Rồi chuyện tập cày, tập bừa cho cánh đàn ông ở đây cũng đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, từ ấn lưỡi cày vào đất, đặt dây thừng, đến việc điều khiển con trâu vòng trái, vòng phải khi sắp hết đường cày…

Quả thật không có phép mầu nhiệm nào bằng đức tính kiên trì của người lính Biên phòng “cắm bản”. Một vụ rồi hai vụ, dần dần người Chứt đã thích làm ruộng, thích làm vườn lúc nào không biết nữa. Cứ mỗi độ xuân sang, bên con suối Rào Tre trong văn vắt lại xanh rì lúa nước. Đến mùa thu hoạch lúa đều đẻ bông mẩy, ngô đều kết bông chắc.

Từ `Bộ tộc lá vàng'' đến thế giới văn minh
… từ ăn hang ngủ hốc ở trong rừng thẳm, họ được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện, đưa ra khỏi “thế giới hái lượm”

Tôi theo chân Trung tá Dương Thanh Tịnh tới nhà chị Hồ Thị Nam. Chị Nam hiện là đại biểu HĐND huyện Hương Khê, một phụ nữ chăn nuôi giỏi của đồng bào Chứt. Người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng khá nhanh nhẹn này bộc bạch: “Tui nuôi được trâu bò cũng nhờ các chú bộ đội giúp đỡ nhiều. Khi chưa có vốn, các chú hướng dẫn cho tôi làm thủ tục để vay vốn, bây giờ gia đình tôi đã nuôi được ba con trâu, hai con bò rồi”.

Vừa nói, chị Nam vừa dẫn chúng tôi xem con trâu nhà đang buộc dưới gốc cây sồi cổ thụ. Thấy bóng chủ, con trâu ve vẫy đuôi. Chưa đầy hai tuổi nhưng nó đã trở thành một con trâu “mình khủng, chân to” bộ lông đen mượt.

“Chỉ ăn cỏ núi thôi mà trâu ở bản ni nhà mô cũng to như thế cả. Ông Hồ Bắc, Hồ Nhân, Hồ Hùng cũng có số trâu xấp xỉ như nhà chị Nam” – anh Tịnh thông tin thêm.

Có thóc trong nhà, lại lo cái ch

Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh mỗi lần tới bản Rào Tre thường động viên và khuyên nhủ anh em đang công tác tại bản: “Dầu ta có nhiệt tình bao nhiêu đi chăng nữa thì so với nhân dân miền xuôi, đồng bào Chứt vẫn còn nhiều thiệt thòi. Lo cho người Chứt không chỉ hôm nay mà còn phải tính chuyện lâu dài và bền vững. Bày cho họ sản xuất để cơm ăn áo mặc chưa đủ, còn phải lo chăm sóc đến sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần “.

Từ `Bộ tộc lá vàng'' đến thế giới văn minh
Từ `Bộ tộc lá vàng'' đến thế giới văn minh

Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi do những người lính Biên phòng góp công, góp sức dựng lên cho đồng bào Chứt

Một ý tưởng lớn mang tầm vĩ mô đang dần dần như những tia nắng mùa xuân sáng lên trong bản, khi Bộ đội Biên phòng và tình nhân nghĩa của cả cộng đồng vun đắp, đã trở thành chổ dựa rường cột của người dân.

Tôi gặp lại trưởng bản Hồ Kính, người đảng viên đầu tiên của bản, thấy gương mặt ông rỡ ràng hẳn lên trong bộ răng vàng khè với chất giọng sôi nổi: “Bữa ni cả bản có điện thắp sáng cả rồi, 29 hộ đã sắm được ti vi màu, 9 người sắm xe máy. Dân bản lại được đi đường nhựa, được uống thuốc bộ đội cấp nên cái miệng bớt ho, cái lưng đỡ mỏi hơn nhiều”.

Tôi hỏi Hồ Kính :

– Thế người Chứt hiện tại có bao nhiêu cháu được đến trường?.

Chẳng cần lấy sổ sách, tài liệu, Hồ Kính rành rọt:

– Cả bản có 42 cháu đang theo học các cấp, 8 cháu học hệ mầm non, tiểu học 15 cháu, 14 cháu đang theo học trường dân tộc nội trú Hương Khê, 5 cháu đang gửi học Trường tư thục Duy Tân ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ Kính khoe :

– Cách đây ba năm, nhạc sĩ An Thuyên về thăm bản, phát hiện ra cháu Hồ Xuân Kham và Hồ Thị Bình Xuân có năng khiếu về âm nhạc và hội họa, ông nhận luôn hai cháu vào Trường ĐH Văn hóa Quân đội để đào tạo.

Lân la tìm hiểu cội nguồn văn hóa của dân tộc Chứt, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đấy là họ rất yêu âm nhạc. Bộ tộc ấy có một kho báu âm nhạc từ lâu đời. Mấy anh lính biên phòng “bật mí” cho tôi hay: người Chứt mê nhạc đến nỗi họ đang cấy dưới ruộng, nhưng nghe nhạc xập xình trên loa đài phát, tất cả đều muốn nhảy cẫng lên bờ ruộng. Ở đây có bà Hồ Thị Sen biết chơi đàn Chơ-rơ-bon, ông Hồ Phương biết thổi kèn môi hay lắm…

Không ít vị khách khi đặt chân tới chốn này sẽ đắm mình trong tiếng đàn, tiếng khèn, thả hồn du dương với ngọn suối trong, với màu mây viễn xứ giữa núi rừng Ka Đay điệp trùng hoàng hôn tím.

10 – 2014

Phan Thế Cải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP