Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội, nhất là những người trực tiếp ngày đêm ươm tạo, gìn giữ, phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, đặc biệt quan tâm đến thông tin thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.
Theo thông tin trên báo chí, Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam (được Bộ NN&PTNT công nhận) có 16 thành viên. Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện Bảo tồn và Phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam làm Trưởng ban.
Nếu để ý danh sách ban vận động sẽ không khó để nhận thấy những “bất bình thường”. Đầu tiên là “vắng bóng” tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang trồng sâm Ngọc Linh ngay trên “quê hương của sâm Ngọc Linh”, như Kon Tum, Quảng Nam.
Bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh đang ngày càng trở nên cấp thiết. Ảnh: HL |
Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn huyện có 1 công ty tham gia trong ban vận động, nhưng đây lại là công ty chỉ làm dự án khoa học của Bộ KH&CN. Những doanh nghiệp đang trồng sâm Ngọc Linh ở địa bàn không biết và không có tên.
Một doanh nghiệp khác đã có gần 30 năm trồng, bảo vệ nguồn gen sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, và hiện có khoảng 30ha sâm Ngọc Linh, cũng cho hay không nhận được thông tin gì về việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.
Trong khi đó, có tới 9/16 thành viên ban vận động thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, do ông Võ Kim Cự làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cũng xin được nhắc lại là trong những năm gần đây, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam đã mở nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành phố để thực hiện “sứ mệnh” đưa sâm Ngọc Linh đến với mọi nhà. Đặc biệt là mang sâm Ngọc Linh ra thế giới, khẳng định vị thế Việt Nam là “Kinh đô Nam dược”.
Nhưng thực tế thì sao? Thời gian gần đây, hoạt động của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn có những thông tin không tích cực. Nói chính xác là bị báo chí liên tục “phanh phui” những “nhập nhèm”, chưa rõ ràng.
Theo đó, từ tháng 1/2023, báo chí đã phát hiện và phản ánh doanh nghiệp này trồng sâm Ngọc Linh “trên giấy”.
Khi ấy, Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum- một thành viên của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam- công bố sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “khủng”, với diện tích lên tới 600ha, được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Ngay sau đó, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã lên tiếng phản bác thông tin trên, và khẳng định doanh nghiệp này không có dự án trồng sâm, cũng không liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn.
Cũng theo chính quyền địa phương, Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum chỉ đang triển khai nuôi cấy mô (được 4 năm), vừa được bàn giao hơn 24,4ha vào cuối tháng 10/2022 để liên kết thí điểm đưa cây sâm giống nuôi cấy mô ra ngoài thực địa tại huyện Tu Mơ Rông.
Nhưng sự việc chưa dừng ở đó. Tháng 5/2022, doanh nghiệp này có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn. Một phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã ký xác nhận văn bản trên.
Sau đó, qua rà soát, UBND huyện Tu Mơ Rông xác định giấy xác nhận này có nội dung chưa phù hợp với thực tế, quy trình xử lý chưa đảm bảo nên đã hủy bỏ giấy xác nhận nêu trên.
Vườn sâm Ngọc Linh giống của Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: H.L |
Điều bất ngờ là Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam lại sử dụng chính bản sao văn bản đã bị hủy bỏ ấy cung cấp cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đăng ký công bố sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Sự việc chỉ “lộ sáng” khi Cục An toàn thực phẩm có văn bản đề nghị UBND huyệnTu Mơ Rông xác minh giấy xác nhận "Sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh" trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có còn hiệu lực hay không và đã thu hồi chưa.
Theo hồ sơ cá nhân từ năm 2018 đến nay cho thấy , ông Võ Kim Cự làm cố vấn cao cấp cho Công ty CP Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam.
Từ những lùm xùm ấy, dư luận băn khoăn rằng, liệu ông Võ Kim Cự đứng ra vận động thành lập hiệp hội có đủ sức thuyết phục, và có thể tạo sự đồng thuận cao từ tổ chức, cá nhân trồng sâm ở các địa phương hay không?
Chưa kể đến việc quá nửa thành viên ban vận động là từ một doanh nghiệp, liệu có tránh được tình trạng “một mình một ngựa”?
Cũng từ những “bất bình thường” trong thành phần ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, dư luận đang đặt câu hỏi đây có phải lại là một “cuộc chơi” mới của những người “buôn sâm”?
Những băn khoăn, nghi ngờ ấy không phải không có cơ sở. Bởi vẫn chưa ai có thể quên việc Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam mở hàng loạt chi nhánh, cửa hàng trên cả nước, bán nhiều sản phẩm được quảng bá là “chiết xuất từ sâm Ngọc Linh”.
Trong khi bản thân doanh nghiệp không trồng hay liên kết trồng sâm Ngọc Linh, và chỉ sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “khủng” được trồng “trên giấy”. Càng chưa thể quên việc doanh nghiệp dùng văn bản đã bị thu hồi đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam được đánh giá là “nên làm”, nhằm góp phần thúc đẩy bảo tồn, phát triển sâm, trong đó có sâm Ngọc Linh, đưa giá trị, thương hiệu vươn xa hơn.
Tuy nhiên, cần liên kết được những doanh nghiệp, địa phương ở “vùng sâm”, trực tiếp trồng, sản xuất sâm, có vùng nguyên liệu, hoặc liên kết, sản xuất sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, và phải trên tinh thần tự nguyện, cùng tham gia vì lợi ích chung.
Đặc biệt, cần ngăn ngừa những trường hợp vào hiệp hội không phải để bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh, mà là vì "mác" ở trong hiệp hội để "ăn theo", làm ăn mập mờ, khuất tất nhằm trục lợi, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Sâm Ngọc Linh nói riêng, Sâm Việt Nam nói chung.
Tác giả: Hồng Lam
Nguồn tin: baokontum.com.vn