Cha mẹ và con cái cùng chia sẻ việc nhà, những phần thưởng phù hợp cho con sẽ tạo nên giá trị tích cực để con phát triển tốt. Ảnh minh họa |
“Thuê” con làm việc nhà, học tập
Mới đây trên mạng xã hội lan truyền "bảng báo giá việc nhà" của một phụ huynh. Theo phụ huynh này, cậu con trai đã tích lũy được món tiền kha khá nhờ “lao động công ích ở nhà” và người mẹ lo sợ mình sẽ “mất khả năng thanh toán”. Theo “bảng báo giá” mọi công việc đều được trả công từng hạng mục như rửa bát, cắm cơm, dọn phòng, lấy đồ giúp… mất 20.000 đồng; đi siêu thị, phơi quần áo mất 30.000 đồng; học sinh giỏi kì I được 1 triệu đồng, kì II được 2 triệu…
Cách làm này được anh chị áp dụng là hình thức cho con trai tiết kiệm. Người mẹ chia sẻ, từ khi có bảng giá, cu cậu ý thức hẳn, ăn xong tự rửa bát, đồ dùng tự dọn vì nếu ba mẹ cất giúp thì con phải trả tiền. Tiền công ngày nào được thanh toán ngày đấy để nhét lợn. Ngoài ra, cậu còn có thể ứng trước để làm tròn số tiền. Nếu hôm nay thu được 110.000 đồng, cu cậu sẽ xin ứng trước 40.000 đồng để thành 150.000 đồng.
Câu chuyện này đang gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Cũng có người tỏ ý đồng tình, cho rằng cách này dạy con lao động và biết quý trọng lao động. Không ít người lại phản đối vì cách làm hoàn toàn sai bởi nó khiến con trẻ không nhìn thấy nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với gia đình. Cũng có ý kiến cho rằng, điều này hình thành tính sòng phẳng, tất cả mọi cái làm cho nhau dù là người thân đều được quy đổi ra tiền.
Đây không phải chuyện cá biệt bởi hiện có nhiều cha mẹ vẫn áp dụng cách này để thưởng cho con, song không phải ai cũng nhận được cái kết hoàn hảo. Anh Dũng (ở Hà Nội) cũng dùng tiền làm phần thưởng hy vọng đó sẽ là động lực để con phấn đấu học hành, tham gia vào công việc nhà. Vì vậy, từ nhỏ mỗi khi sai con làm việc gì dù rất nhỏ như quét nhà, dọn mâm bát hay thậm chí “dụ” con đi học, đi tắm… vợ chồng anh cũng lấy “tiền thưởng” làm động lực cho con. Khi bố mẹ anh biết chuyện cũng đã khuyên vợ chồng anh nên chấm dứt tuyệt đối cái việc thuê tiền cho con như vậy, nhưng anh chị gạt đi bảo: “Mỗi tháng mất một chút tiền để con siêng năng và chịu khó học chẳng đi đâu thiệt. Tiền mình bỏ sức ra mới kiếm được sẽ biết tiếc và không đòi mua lung tung nữa”.
Đến giờ, khi con đã học cấp 2, cháu vẫn luôn đòi tiền mỗi khi làm việc nhà, học bài bởi nếu không có tiền, nhất định cháu không chịu làm. Anh Dũng chia sẻ, trước cháu rất chỉn chu nhưng gần đây mọi chuyện lại đâu vào đấy, cậu con trai của anh bắt đầu chểnh mảng trở lại. Không chỉ vậy, vợ chồng anh còn phát hiện con tìm mọi cách giấu không cho bố mẹ xem vở khi bị điểm kém. Anh chị đã rất vất vả để uốn lại con.
Trẻ sẽ sống thực dụng
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Giám đốc Cty Giáo dục KIDSTIME Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, có nhiều người trong các mối quan hệ xã hội, rất giỏi trong việc sử dụng sức mạnh của đồng tiền vì nghĩ tiền có thể khiến cho bất kỳ ai chấp nhận làm bất cứ điều gì, kể cả những điều họ không muốn. Từ đó, họ đã vận dụng luôn vào trong các mối quan hệ tại gia đình mình và sử dụng việc “thuê mướn” con thay vì sai bảo, hay nhờ cậy con của mình qua các bảng báo giá hay các mức phí trả công cho con từng vụ việc.
Ngay cả với việc học tập của con, nhiều người cũng thích “treo thưởng” bằng tiền để thay cho những lời khích lệ, khen thưởng sáo rỗng không có giá trị thực tiễn. Đứa con cũng sẽ nỗ lực học tập hơn nhờ sức đẩy của đồng tiền. Tuy vậy, thưởng tiền khi con làm việc nhà hay đạt điểm cao thường mang tính tiêu cực hơn là tích cực.
Trước mắt, việc làm này sẽ có hiệu quả khi trẻ tích cực làm việc hơn và sự đáp ứng ngay của con. Thế nhưng, đó là sự “lợi bất cập hại” khi bố mẹ vô tình lấy đi những giá trị tinh thần trong quan hệ gia đình, để thay vào đó các giá trị thực tiễn thường chỉ diễn ra trong các mối quan hệ xã hội. Khi bố mẹ ra giá với các “dịch vụ lao động” tại gia đình thì điều đạt được là kết quả như việc thuê mướn người ngoài (thường thì rẻ hơn).
Có thể mọi người cho rằng, đó là sự công bằng khi trả công cho con, nhưng vô hình chung khiến đứa con lớn lên với cái tính thực dụng. Trẻ sẽ mất đi một giá trị hạnh phúc trong cuộc sống, đó là cái cảm nhận “được là người có ích cho người khác” hay niềm hãnh diện được người khác tôn trọng, bởi vì lúc đó trẻ sẽ có thể làm bất cứ điều gì miễn là được trả giá “sòng phẳng”. Đôi khi chính cha mẹ một mai khi về già, không còn đủ năng lực kiếm tiền để “trả công” cho con, sẽ mong đợi được gì ở đứa con mà bất cứ điều gì cũng phải trả công tương xứng? Hơn nữa, làm như vậy trẻ sẽ không nhận thức được những việc đó (việc nhà hay học tập) là trách nhiệm của mình, không tự giác làm.
Theo nhà tâm lý, có nhiều cách khác tích cực để bố mẹ khuyến khích con làm việc nhà hay học tập. Thực tế, trẻ rất thích làm mọi việc nhưng thường không được như ý người lớn. Và bố mẹ sẽ chọn hoặc làm thay con hay tìm cách nào đó (trong đó có thưởng) để ép con làm theo ý mình.
Trẻ sẽ vui vẻ làm việc nếu bố mẹ cũng làm việc. Trẻ sẽ không mệt mỏi, làm việc một cách vui vẻ nhẹ nhàng nếu trẻ được tập luyện cho làm việc nhà từ nhỏ, từ những việc đơn giản để dần dần trở nên một thói quen chứ không phải là những mệnh lệnh ngẫu hứng và kèm theo sự phê phán.
Trẻ cũng được khen thưởng, khích lệ nhưng thay vì chỉ là những đồng tiền vô cảm, mà có thể đó sẽ là một sự tán thưởng, hay một món quà mà trẻ được tùy chọn vào trong dịp đi chơi cuối tuần. Bố mẹ cũng có thể thưởng tiền, nhưng đó là để đáp ứng một nhu cầu nào đó của trẻ chứ không đơn thuần là một sự trao đổi “tiền trao cháo múc” .
“Chính sự quan tâm, hỏi han, cùng làm và chia sẻ công việc nhà của con với cha mẹ, những phần thưởng phù hợp với nhu cầu và tính cách của trẻ - mới là những “giá trị tích cực và hiệu quả” để giúp con phát triển. Không nên để trẻ trở thành một con người thực dụng, chỉ biết có “tiền” và những quyền lợi vật chất cho bản thân, con người phải biết yêu thương và tôn trọng những giá trị lao động mà con cái và cha mẹ đã cùng nhau xây dựng trong một cái “tổ ấm” được gọi là gia đình”, chuyên gia Lê Khanh khuyên.
“Sự quan tâm, cùng làm và chia sẻ công việc nhà của con với cha mẹ, những phần thưởng phù hợp với nhu cầu và tính cách của trẻ - mới là những “giá trị tích cực và hiệu quả” để giúp con phát triển. Không nên để trẻ trở thành một con người thực dụng, chỉ biết có “tiền” và những quyền lợi vật chất cho bản thân, con người phải biết yêu thương và tôn trọng những giá trị lao động mà cha mẹ và con cái đã cùng nhau xây dựng trong một cái “tổ ấm” được gọi là gia đình”. |
Tác giả: Phương Thuận
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội