|
Theo dự thảo quy chế, sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. MÃ PHONG |
Trong mục lục một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh, sinh viên (HS-SV) của dự thảo này có nêu nhiều nội dung vi phạm kèm các hình thức xử lý. Đáng chú ý là mục 16 về vi phạm chứa chấp, môi giới mại dâm, quy định khi bị phát hiện lần 1 sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Ở mục 17, hoạt động mại dâm có 4 mức xử lý cụ thể gồm: lần thứ 1: khiển trách, lần thứ 2: cảnh cáo, lần thứ 3: đình chỉ có thời hạn, lần thứ 4: buộc thôi học.
Với dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên cân nhắc việc đưa nội dung này vào trong quy chế.
...
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng hoạt động mại dâm nếu bị phát hiện là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi có kết luận của cơ quan chức năng về vi phạm nặng thì phải đình chỉ học tập, buộc thôi học chứ không thể khiển trách hay cảnh cáo. Thạc sĩ Cường còn nói, bản thân SV phải chịu trách nhiệm công dân trước quy định pháp luật. Vì vậy không nhất thiết phải đưa nội dung này vào trong quy chế, nếu đưa cần phải có hình thức xử lý nặng nhất ngay trong lần đầu vi phạm vì môi trường giáo dục cần phải nghiêm túc.
Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bày tỏ sự “lấn cấn” về nội dung của dự thảo. Ông Phước nói: “Quy đồng một số hình thức kỷ luật khác so với hoạt động mại dâm thì chưa chuẩn lắm. Trong môi trường học đường thì vi phạm này không thể chấp nhận. Nếu bị phát hiện cần xử lý mạnh tay ngay lần đầu phát hiện chứ không nên để tới lần thứ 4”.
Thạc sĩ Trần Thiện Duy, Chánh văn phòng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trong 20 năm làm công tác SV chưa từng thấy SV nào bị xử lý vì tham gia hoạt động mại dâm. Ông Duy cho rằng Bộ GD-ĐT nên cân nhắc kỹ và lắng nghe ý kiến các trường khi đưa nội dung này vào quy chế HS-SV. Theo ông Duy việc xử lý vi phạm này với các trường học là rất khó khăn vì đòi hỏi phải có chứng cứ rõ ràng. Bản thân trường học không thể tự phát hiện và xử lý mà thường phải dựa vào kết luận của cơ quan chức năng. Trong khi đó, các SV đều từ 18 tuổi trở lên, đều đủ tuổi công dân và phải tuân thủ quy định pháp luật, có thể xử lý theo quy định pháp luật.
“Bản thân các trường, đứng trước các kết luận của cơ quan chức năng về hành vi vi phạm của SV đều có biện pháp xử lý phù hợp. Do vậy cái gốc của vấn đề vẫn là quy định pháp luật với sự tham gia xử lý của cơ quan chức năng nên có thể không nhất thiết đưa vào quy chế này”, ông Duy nhấn mạnh.
Tác giả: Hà Ánh
Nguồn tin: Báo Thanh niên